Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Căn cứ Công văn để áp thuế: Tổng cục Hải Quan và Cục Hải quan có mâu thuẫn?

Trong cuộc trao đổi với phóng viên giữa tháng 3 vừa qua Tổng Cục hải quan khẳng định không có Công văn nào hướng dẫn áp thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng xi măng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là Cục hải quan Quảng Ninh lại khẳng định Công văn hướng dẫn của Tổng Cục hải quan là một trong các căn cứ để áp thuế xuất khẩu xi măng 5%.
Ngày 12/10/2016, Tổng Cục hải quan ban hành Công văn số 9744/TCHQ-TXNK về việc hướng dẫn, kê khai mã số hàng hóa và thuế suất để thực hiện Biểu thuế Xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 122/2016/NĐ-CP.
Tổng Cục hải quan nêu quan điểm: Nội dung hướng dẫn tại Công văn số 9744 dẫn các quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 và Nghị định 122/2016/NĐ-CP, không quy định quy phạm pháp luật mới hoặc trái với quy định của Luật và Nghị định. Theo đó, nội dung hướng dẫn đối với các trường hợp cụ thể thực hiện kê khai mã số hàng hóa và thuế suất trên Tờ khai xuất khẩu khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.
Trái ngược lại với khẳng định của Đại diện Tổng Cục hải quan, qua trao đổi nhanh với phóng viên và qua Công văn gửi Báo Đời Sống & Pháp luật, Cục hải quan Quảng Ninh lại căn cứ vào Công văn số 9744/TCHQ-TXNK để áp thuế xuất khẩu 5% đối với xi măng.
Hải quan Quảng Ninh trích dẫn nội dung Công văn số 9744: trường hợp hàng hóa xuất khẩu không được quy định tên cụ thể trong biểu thuế xuất khẩu, có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên thì các doanh nghiệp kê khai mức thuế suất là 5%.
Điều đáng nói là, theo Tiến sĩ, Luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty luật Vietthink, hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định xi măng bị áp thuế 0% hay 5%, chỉ có quy định chung chung là  “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm” có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” có thuế suất thuế xuất khẩu 5%.
Nhưng, thế nào là vật tư, thế nào là nguyên liệu hay bán thành phẩm lại chưa được luật làm rõ. Điều này đã gây ra tranh luận cho giới luật sư, doanh nghiệp, thậm chí là cả các Chi Cục hải quan trực thuộc Cục hải quan một số tỉnh. 
Ngay sau khi Công văn này được ban hành, thuế xuất khẩu xi măng từ 0% tăng lên 5%. Trước khi chưa có Công văn này, mặc dù Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP có hiệu lực nhưng thuế xuất khẩu đổi với xi măng vẫn chỉ ở mức 0%.
Luật sư Lê Đình Vinh cho rằng, mặc dù Công văn số 9744/TCHQ-TXNK về hình thức là một văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, nhưng trên thực tế văn bản này lại “lấn sân” sang giải thích pháp luật thể hiện ở việc Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 và Nghị định 122 quy định phải là “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm” có giá trị tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trở lên mới áp thuế xuất 5% nhưng Công văn số 9744 nêu trên đã không đề cập đến nhóm “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm” mà mở rộng đối tượng ra “Hàng hóa xuất khẩu”, cụ thể tại mục 3 của Công văn nêu rõ: Hàng hóa xuất khẩu không được quy định tên cụ thể trong Biểu thuế xuất khẩu, có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thì người nộp thuế kê khai trên Tờ khai xuất khẩu …. tại chỉ tiêu “Thuế suất”: khai 5%.
Theo Luật sư Lê Đình Vinh, khái niệm hàng hóa có nội hàm rộng hơn khái niệm “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm”. Căn cứ theo Luật thương mại 2005, Hàng hóa bao gồm:tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai và những vật gắn liền với đất đai. Như vậy, việc  Công văn số 9744 của Tổng Cục hải quan sử dụng cụm từ “Hàng hóa xuất khẩu” thay thế cụm từ “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm” đồng nghĩa với việc mở rộng đối tượng phải chịu thuế xuất khẩu 5%.

Như trước đó đã thông tin, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định xi măng có phải là vật tư, nguyên liệu bán thành phẩm và có chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% hay không. Chỉ duy nhất quy định chung chung tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 và Nghị định 122/2016/NĐ-CP theo đó: “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu 5%.
Điều đáng nói là, ngay sau khi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định 122 gần một tháng, ngày 28/9/2016, Cục hải quan tỉnh Quảng Ninh cũng đã có Công văn số 2585 gửi Tổng Cục hải quan về những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Theo đó, cơ quan hải quan và doanh nghiệp đều chưa có cơ sở để xác định các mặt hàng này có phải chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% hay không.
Sau đó, ngày 12/10/2016, Tổng Cục hải quan ban hành Công văn số 9744 nêu trên để hướng dẫn kê khai mã số hàng hóa và thuế suất để thực hiện Biểu thuế xuất khẩu theo quy định tại Nghị định số 122. 
Theo các Luật sư, việc Cục hải quan tỉnh Quảng Ninh căn cứ vào Công văn số 9744/TCHQ-TXNK ngày 12/10 để áp thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng xi măng chứng tỏ Công văn số 9744/TCHQ-TXNK đã có tác động thực tế đến các Doanh nghiệp và các Chi Cục hải quan. Hiện tượng Công văn trở thành văn bản giải thích pháp luật cấp Luật, cấp Nghị định thật sự trở thành vấn đề đáng lo ngại.
Vietthink News
Trích dẫn từ Báo Đời sống và Pháp luật Online (http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/van-ban-phap-luat/can-cu-cong-van-de-ap-thue-tong-cuc-hai-quan-va-cuc-hai-quan-co-mau-thuan-a186646.html)
Cập nhật: 22/05/2017
Lượt xem:5578