Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Chuyên đề về chuyển giá doanh nghiệp FDI - Kỳ II. Các công cụ pháp lý kiểm soát chuyển giá

Ths. Nguyễn Thanh Hà

“Chuyển giá ở quốc gia nào cũng có, và sẽ không bao giờ có thể ngăn chặn một cách tuyệt đối. Bài toán của các cơ quan thuế là xây dựng được các công cụ pháp lý hữu hiệu để phát hiện, kiểm soát được cách hành vi chuyển giá bất hợp pháp.”

Khi quốc gia tiếp nhận đầu tư càng tạo ra nhiều ưu đãi thì nhà đầu tư càng tận dụng được nhiều thủ thuật chuyển dịch lợi ích kinh tế từ quốc gia đó về mình. Chuyển giá (Transfer pricing), có tính tất yếu trong nền kinh tế mở cửa vì nó gắn liền với sự lớn mạnh của các nhóm lợi ích và xu hướng phát triển của các công cụ kinh tế toàn cầu. Tự thân chuyển giá không phải là hành vi vi phạm pháp luật nhưng các công ty đa quốc gia thường sử dụng các thủ thuật trốn thuế bất hợp pháp, làm biến tướng bản chất của Chuyển giá, gây thiệt hại cho nền kinh tế của các quốc gia tiếp nhận đầu tư.

 


Câu chuyện về kiểm soát chuyển giá ở Việt Nam đã xuất hiện từ hơn mười năm nay, dù không còn mới nhưng chưa bao giờ nguội. Hàng loạt biện pháp và công cụ pháp lý được áp dụng trong những năm qua đã thực sự kiểm soát được hiện tượng chuyển giá phổ biến của doanh nghiệp FDI? Mới đây nhất, liệu “lực lượng đặc nhiệm chuyển giá” của Bộ Tài chính có thể thực sự kiểm soát chuyển giá bất hợp pháp như kỳ vọng?  

KỲ II.         CÁC CÔNG CỤ PHÁP LÝ KIỂM SOÁT CHUYỂN GIÁ

Pháp luật về kiểm soát chuyển giá, câu chuyện 15 năm

Chuyển giá được công nhận là “vấn đề” và “hiện tượng trốn thuế” từ những năm 1930 trong Luật thuế thu nhập của Hoa kỳ (IRC-Internal Revenue Code). Sau đó, Chuyển giá chính thức được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD- Organisation for Economic Co-operation and Development) đề cập trong các văn bản của mình từ năm 1970. Phải đến năm 1997, pháp luật Việt Nam mới có những quy định đầu tiên về kiểm soát chuyển giá, được ghi nhận trong Thông tư số 74-TC/TCT ngày 20/10/1997, Thông tư 89/1999/TT-BTC ngày 16/7/1999, Thông tư 13/2001/TT-BTC ngày 08/3/2001 của Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các hình thức đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, nội dung điều chỉnh về kiểm soát chuyển giá trong các văn bản này còn đơn giản, với tên gọi “biện pháp chống chuyển giá”. Đến khi có Thông tư 13/2001/TT-BTC ngày 08/3/2001 của Bộ Tài chính, tên gọi này được chính thành “biện pháp xác định giá thị trường”. Năm 2003, với sự ra đời của Luật thuế thu nhập thống nhất mức điều tiết thu nhập của nhà đầu tư trong và ngoài nước, các quy định về kiểm soát chuyển giá không còn được đưa vào Thông tư 128/2003/TT-BTC  ngày 22/12/2003 có hiệu lực thay thế Thông tư 13/2001/TT-BTC nữa.

Giai đoạn từ năm 2005 đến nay là giai đoạn mà kiểm soát chuyển giá có một sự thay đổi đáng kể về chất và lượng, với sự ra đời của Thông tư 117/2005/TT-BTC ngày 29/12/2005 hướng dẫn việc thực hiện xác định giá thị trường trong các giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết đã được hình thành một cách độc lập, đầy đủ hơn và ít nhiều có sự tương đồng với hướng dẫn của OECD, Thông tư 66/2010/TT-BTC ra đời kế thừa Thông tư 117/2005/TT-BTC có một số điều chỉnh về thuật ngữ và được xem là văn bản pháp lý điều chỉnh một cách chi tiết về xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết tính đến nay.

Mới đây nhất, một công cụ mới được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể vấn đề về kiểm soát chuyển giá đã được chính thức ghi nhận trong Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quản lý thuế và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật quản lý thuế.

Theo các quy định trên, các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật về kiểm soát chuyển giá bao gồm: Cơ quan thuế (là chủ thể kiểm soát chuyển giá thông qua chức năng quản lý nhà nước) và các cá nhân, tổ thực có quan hệ liên kết trong giao dịch kinh doanh trừ các bên có quan hệ liên kết liên quan đến các sản phẩm thuộc diện điều chỉnh giá của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá (là chủ thể bị kiểm soát hành vi chuyển giá).


“Giao dịch liên kết”, cơ sở xác định giá thị trường theo Thông tư 66/2010/TT-BTC

Thông tư 66/2010/TT-BTC lấy “giao dịch liên kết” làm cơ sở xác định hành vi chuyển giá và phương pháp xác định lại giá trong giao dịch liên kết dẫn đến việc thay đổi số thuế phải nộp. Các phương pháp này được xây dựng dựa trên hướng dẫn của OECD với những ví dụ minh họa cho từng trường hợp.

Năm phương pháp xác định lại giá trị thị trường trong các giao dịch liên kết được Thông tư liệt kê bao gồm: So sánh giá giao dịch độc lập, Giá bán lại; Giá vốn cộng lãi; So sánh lợi nhuận và Tách lợi nhuận. Đối với một số trường hợp đặc biệt không thể áp dụng các phương pháp trên. Thông tư cũng đưa ra các biện pháp đặc biệt bao gồm: biện pháp tổng hợp và biện pháp vận dụng số liệu giữa các kỳ.

Kể từ khi áp dụng các quy định này, cơ quan thuế phát hiện và truy thu khoảng 6.009 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2011 [1]. Tuy nhiên, hình thức xử lý hành vi trốn thuế còn quá nhẹ, doanh nghiệp vẫn lợi dụng được nhiều hạn chế của quy định pháp luật để thay đổi các hành vi chuyển giá của mình. Đặc biệt, cơ quan thuế vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định quan hệ liên kết và các hành vi ấn định giá giao dịch để trốn thuế vì không có phương pháp xác định giá thị trường của hàng hóa, sản phẩm.

Những hạn chế về Quản lý thuế theo các quy định này và quy định về thanh tra thuế trong quá trình thực hiện có thể do các nguyên nhân sau: Pháp luật cho phép và nâng cao tính tự chủ của doanh nghiệp trong việc tự tính thuế, tự khai thuế và tự chịu trách nhiệm trước cơ quan thuế. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa có ý thức tuân thủ kê khai thông tin giao dịch liên kết là lý do chính khiến công tác quản lý thuế, nhận diện các hành vi chuyển giá gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, chuyên môn và nghiệp vụ về lĩnh vực chuyển giá tại các cơ quan thuế của Việt nam còn hạn chế, quá trình thi hành phụ thuộc vào quy định cứng của pháp luật, chưa phát huy được tính linh hoạt trong phương pháp xác định giá của thế giới, cũng là một trong những khó khăn chính.


Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) theo Nghị định 83/2013/NĐ-CP

Các bất cập từ thực tiễn áp dụng quy định kiểm soát giá tại Thông tư 66/2010/TT-BTC và các quy định về thanh tra thuế cùng thời điểm, Luật sửa đổi luật quản lý thuế ra đời đã cao hơn việc kiểm soát chuyển giá doanh nghiệp, mở cửa cho một phương pháp tiên tiến, hiện đại mà thế giới đã sử dụng [2] từ rất lâu, là phương pháp xác định giá tính thuế (APA- Advance Pricing Agreement).

Nghị định 83/2013/NĐ-CP đánh dấu một bước cải cách lớn trong kiểm soát chuyển giá tại Việt Nam, công nhận một phương pháp chưa được pháp luật trước đó cho phép áp dụng. APA là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, hoặc giữa cơ quan thuế với người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, được xác lập kể từ khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp [3].

APA cho phép người nộp thuế và cơ quan thuế trao đổi, thỏa thuận với nhau về phương pháp xác định giá trong giao dịch liên kết, nhưng chỉ giới hạn ở các giao dịch mua bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao hoặc chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ trong quá trình kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá do Nhà nước quy định. Đặc biệt, người nộp thế có thể gộp chung nhiều giao dịch có tính chất phụ thuộc lẫn nhau thành giao dịch tổng thể để phản ánh tính khách quan phù hợp với thực tiễn, thông lệ kinh doanh tương ứng với chức năng, tài sản và rủi ro kinh doanh liên quan đến nghĩa vụ thuế theo kỳ khai thuế.

Nội dung đàm phán APA bao gồm: mô tả các giao dịch liên kết thuộc phạm vi APA, phương pháp xác định giá tính thuế, cách thức xác định, tính toán các số liệu về mức giá, tỷ suất lợi nhuận gộp và tỷ suất sinh lời làm cơ sở xác định trị giá tính thuế có liên quan đến giao dịch liên kết thuộc diện áp dụng APA, các giả định quan trọng có thể gây ảnh hưởng trọng yếu, tác động đến quá trình thực hiện APA (bao gồm cả các nội dung phân tích, dự báo), các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người nộp thuế và cơ quan thuế (bao gồm cả các quy định về thủ tục thỏa thuận song phương giữa các cơ quan thuế có liên quan khi cần thiết), hiệu lực áp dụng (APA đã ký có hiệu lực trong thời gian tối đa 05 năm và có thể được gia hạn không quá 05 năm tiếp theo. Thời điểm bắt đầu hiệu lực không trước ngày người nộp thuế nộp đơn xin áp dụng APA). APA có thể được dừng đàm phán hoặc chấm dứt hiệu lực tại bất kỳ thời điểm nào trước khi hết hiệu lực chính thức theo yêu cầu của người nộp thuế hoặc cơ quan thuế.

Tuy nhiên trên thực tế, việc áp dụng APA tại Việt Nam không hề đơn giản vì tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế về việc áp giá trong tương lai mới là vấn đề mấu chốt và chưa khả thi. Bản thân doanh nghiệp khi đăng ký biên độ tỷ suất lợi nhuận cũng không chắc chắn được hiệu quả của biến độ đăng ký (ví dụ: Chi phí đầu vào và đầu ra của sản phẩm chịu nhiều tác động từ các yếu tố khách quan của thị trường, gây ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp: Nếu doanh nghiệp không đạt được lợi nhuận kỳ vọng, cơ quan thuế vẫn thu trên biên độ đã đăng ký đầu kỷ, nhưng nếu doanh nghiệp vượt mức lợi nhuận kỳ vọng, cơ quan thuế vẫn phải xác định giá và truy thu đối với phần vượt). Bởi vậy không chỉ riêng ở Việt Nam, tại nhiều quốc gia khác, thời gian để ký kết được APA có thể từ 8 tháng cho đến 45 tháng.

Một khó khăn khác trong triển khai thực hiện APA trong thực tiễn nằm ở chính ưu điểm của APA so với các phương pháp khác: APA áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, bởi vậy cơ quan thuế không thể ép doanh nghiệp phải thực hiện. Trong khi việc thanh tra, kiểm tra thuế chưa thực sự phát huy hết hiệu quả, nhiều thủ thuật trốn thuế vẫn được thực hiện trót lọt ngay cả khi doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra về thuế. Vì vậy, để các doanh nghiệp tự nguyện tham gia APA là một bài toán khó chưa có lời giải tại Việt Nam. Để làm được việc đó, hoạt động thanh tra thuế phải thực sự phát huy được hiệu quả, buộc các doanh nghiệp phải ngồi vào bàn tròn APA. Nhưng đó lại là bài toán về năng lực chuyên môn của cán bộ thuế, thanh tra thuế và tính minh bạch trong quản lý thuế tại Việt Nam. Đây là một hạn chế thực tiễn của công tác quản lý, kiểm soát chuyển giá.

“Đội đặc nhiệm thanh tra chuyển giá” của Bộ Tài Chính

Trong cuộc đấu chống chuyển giá bất hợp pháp giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế, cuộc đấu về nghiệp vụ thuế sẽ khẳng định bên nào “giỏi” hơn bên nào. Các thủ thuật trốn thuế tinh vi của Doanh nghiệp nếu bị vạch trần và xử lý mạnh tay, chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa và khiến cho bức tranh chống chuyển giá ở Việt Nam thay đổi. Như đã nêu ở trên, hoạt động thanh tra chuyển giá càng hiệu quả, doanh nghiệp càng e sợ và mới chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán APA, hoặc tuân thủ các quy định về kê khai thuế.


Trụ sở Bộ Tài Chính (ảnh minh họa)

Ngày 28/10, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã công bố thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng trực thuộc Vụ Thanh tra của Tổng cục thuế với kỳ vọng sẽ lấp kín các lỗ hổng tồn tại nhiều năm nay do các doanh nghiệp chuyển giá tạo ra bằng cách quyết liệt tìm kiếm và xử phạt các hành vi chuyển giá trên thị trường. “Lực lượng đặc nhiệm” này được xây dựng tại 4 địa phương có nhiều rủi ro liên quan đến trốn thuế của doanh nghiệp FDI là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Bộ Tài chính cũng đã cho vào danh sách mục tiêu thanh tra hàng loạt các doanh nghiệp FDI thường xuyên báo lỗ tại Việt như Coca Cola, Pepsico, Meiko, Adidas, Metro, Big C,… Các động thái và kết quả thanh tra của lực lượng này hiện đang được khối doanh nghiệp và các cơ quan chức năng đón đợi.

Tuy nhiên, dù lực lượng thanh tra của Bộ Tài chính đạt được kỳ vọng về phát hiện, kiểm tra, thanh tra hoạt động kê khai thuế thì công tác kiểm soát chuyển giá vẫn cần sự đồng bộ, thống nhất của nhiều cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan thuế, hải quan, đầu tư,…) và của hệ thống pháp luật thuế tại Việt nam. Do đó, để thực sự kiểm soát chuyển giá, ngoài các biện pháp thanh tra, kiểm tra, vẫn cần hoàn thiện các công cụ pháp lý để kiểm soát chuyển giá và nâng cao năng lực của cán bộ quản lý thuế, cũng như tính minh bạch trong kiểm soát chuyển giá tại Việt Nam.

Một vài kiến giải cho công tác kiểm soát chuyển giá

Xét về mặt lý luận, tự định giá hay tự xác lập giá là quyền tự do định đoạt của các bên tham gia vào giao dịch dân sự hay thương mại, không thể can thiệt trực tiếp làm ảnh hưởng, hạn chế hay kiểm soát quyền cơ bản này. Nhà nước chỉ có thể kiểm soát các tác động tiêu cực của các thủ thuật xác định giá thị trường nhằm thực hiện các hành vi chuyển giá. Vì vậy, việc nghiên cứu các công cụ kiểm soát chuyển giá doanh nghiệp nên xuất phát từ góc độ kiểm soát các hành vi chuyển giá thay vì xuất phát từ góc độ quản lý phương pháp xác định giá thị trường. Từ góc độ đó, các nhà lập pháp phải trao cho cơ quan quản lý thuế nhiều quyền hạn và hình thức kiểm soát, xử lý hành vi trốn thuế của doanh nghiệp, thay vì chỉ quy định các phương pháp xác định giá thị trường và giao dịch liên kết.

Văn bản pháp luật riêng biệt về kiểm soát chuyển giá cần xác định rõ đối tượng và phạm vi điều chỉnh của pháp luật kiểm soát chuyển giá, theo đó tập trung làm rõ khái niệm “liên kết” chứ không nên liệt kê và xác định quá chi tiết phương pháp xác định giao dịch liên kết. Lí giải cho lập luận này: Trước các thủ thuật kinh doanh “thiên biến vạn hóa” của các doanh nghiệp FDI, chính sự liệt kê quá chi tiết có thể gây hạn chế cho cơ quan thuế trong việc xác định dấu hiệu liên kết nếu quan hệ liên kết đó được thực hiện dưới một hình thức khác chưa được pháp luật dự trù. Vì vậy, cần bổ sung thêm quy định mang tính bao hàm và dự liệu để nhận biết giao dịch liên kết thông qua khả năng chi phối như: mức độ ảnh hưởng từ quan hệ sở hữu bắt nguồn từ cho vay, tiêu thụ hàng hóa-dịch vụ, cung ứng nguyên vật liệu hoặc hoạt động khác có mức độ ảnh hưởng tới các chủ thể liên kết; có quan hệ chi phối hợp thành nhóm công ty hoặc tập đoàn; có quan hệ huyết thống giữa các chủ sở hữu doanh nghiệp cùng tham gia vào một giao dịch.

Việc xác định giá thị trường phụ thuộc vào công tác thu thập thông tin của cơ quan quản lý và nghĩa vụ kê khai, cung cấp hồ sơ của doanh nghiệp nộp thuế. Do đó, muốn công tác này được thực hiện một cách nghiêm túc và trôi chảy, quy trình kiểm soát giá phải được mô tả rõ ràng, niêm yết công khai tại các cơ quan quản lý thuế và quản lý doanh nghiệp, đầu tư.

Về cơ chế thỏa thuận trước giá giao dịch APA, bản chất APA cần được hiểu là là cam kết thực hiện giao dịch theo những phương thức đã được tiên liệu trước và được cơ quan quản lý nhà nước về thuế chấp thuận. Theo bản chất như vậy, ý nghĩa của APA là cho phép đối tượng nộp thuế dễ dàng điều chỉnh giao dịch nội bộ của mình thích nghi với các điều kiện, hoàn cảnh được giả định trong thỏa thuận mà không bị cho là chuyển giá để phải đưa vào quá trình điều tra, xử lý tốn kém thời gian, sức lực và tiền của. Nó cho phép cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan mà hệ quả là giản lược cho toàn bộ quy trình kiểm soát chuyển giá. Tuy nhiên, để doanh nghiệp thực sự tự nguyện tham gia APA, công tác thanh tra thuế phải thực sự được đẩy mạnh và đạt hiểu quả nhằm thiết lập lại thói quen, ý thức của các doanh nghiệp trong kê khai thuế và tuân thủ pháp luật quản lý thuế.

Về chế tài xử phạt hành vi chuyển giả. Pháp luật thuế cần có quy định về biện pháp xử phạt cụ thể đối với hành vi chuyển giá bao gồm xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm và trách nhiệm dân sự thông qua chế tài bồi thường thiệt hại cho ngân sách nhà nước và các chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh (nếu hành vi chuyển giá gây thiệt hại đến nền sản xuất, phân phối sản phẩm của các chủ thể kinh doanh khác trong cũng lĩnh vực). Các biện pháp xử phạt này cần kết hợp song song với việc truy thu đòi lại số tiền thuế thâm hụt do hành vi chuyển giá gây nên.


Tài liệu Tham khảo

1.    1. Wittendorff, Jens: Transfer Pricing and the Arm’s Length Principle in International Tax Law, 2010.

2.    2. ThS. Hà Hương Lan: Chống chuyển giá: Những bài học từ Trung Quốc. 2013

3.   3. TS. Phan Thị Thành Dương: Pháp luật về kiểm soát chuyển giá ở Việt Nam (Law on control of transfer pricing in Vietnam). 2012

4.    4. Đinh Thị Lệ Trinh: Bài giảng Chuyển giá trong hoạt động đầu tư quốc tế, 2013

55. 5. Lê Hường: Sắp có công cụ chặn chuyển giá, Thời báo kinh tế Việt Nam. 2013

6.    6. Hoàng Hà: Kỳ vọng từ APA, Diễn đàn doanh nghiệp. 2013

7. Võ Thanh Thủy: Về cơ chế chống chuyển giá trong Luật sửa đổi bổ sung Luật quản lý thuế. 2012


[1] APA có hai hình thức là APA đơn phương và APA song phương, đa phương. APA đơn phương được đàm phán và ký kết giữa cơ quan thuế Việt Nam và người nộp thuế đứng đơn đề nghị áp dụng APA. APA song phương, đa phương được đàm phán và ký kết giữa cơ quan thuế Việt Nam và một hoặc nhiều cơ quan thuế đối tác có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế đứng đơn đề nghị áp dụng APA trên cơ sở Hiệp định thuế.

[2] Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế (OECD) bao gồm hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ từ lâu đã có hướng dẫn về xử lý đối với vấn đề chuyển giá trốn thuế. Theo OECD khuyến nghị thì nhiều nước đã áp dụng APA để quản lý chuyển giá trốn thuế và hiện APA được các công ty đa quốc gia sử dụng phổ biến vì họ có thể tính toán trước được mức giá giao dịch giữa các bên liên kết.

[3] Tổng cục Thuế, Báo cáo kết quả khảo sát “Thực trạng QLT đối với hoạt động chuyển giá giữa doanh nghiệp Việt Nam với các bên liên kết giai đoạn 2006-2010”, 2011, Hà Nội.   


Cập nhật: 13/03/2017
Lượt xem:14636