Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Một số thay đổi quan trọng của Luật nhãn hiệu Hàn Quốc, có hiệu lực từ 01/9/2016

Năm 2016, Luật Nhãn hiệu Hàn Quốc có một số thay đổi cơ bản và các thay đổi này được kì vọng là sẽ tạo nên hệ thống luật công bằng và hợp lý hơn so với quy định trước đây.  Luật Nhãn hiệu sửa đổi sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/9/2016 và một số thay đổi cơ bản như sau:

Bổ sung quy định về việc hủy nhãn hiệu trên cơ sở không sử dụng

Theo quy định của Luật Nhãn hiệu Hàn Quốc, một nhãn hiệu đã đăng ký có thể bị chấm dứt hiệu lực nếu nó không được sử dụng tại Hàn Quốc trong thời gian 03 (ba) năm liên tiếp. Tuy nhiên, theo quy định hiện tại, chỉ có các bên có quyền lợi liên quan mới được quyền nộp yêu cầu chấm dứt hiệu lực dựa trên cơ sở này. Theo Luật nhãn hiệu sửa đổi, không chỉ các bên có quyền lợi liên quan mà là bất kể cá nhân/pháp nhân/bên liên quan nào, nếu muốn, đều có thể nộp yêu cầu chấm dứt hiệu lực một nhãn hiệu đã đăng ký trên cơ sở không được sử dụng trong thời gian là 03 (ba) năm liên tiếp tại Hàn Quốc.

Khi một nhãn hiệu đã đăng ký nhận được quyết định chấm dứt hiệu lực, nhãn hiệu này sẽ bị chấm dứt hiệu lực từ ngày yêu cầu chấm dứt hiệu lực được nộp.

Việc thay đổi này làm mở rộng thêm đối tượng có thể nộp yêu cầu chấm dứt hiệu lực một nhãn hiệu đã đăng ký và điều này sẽ (i) làm giảm thời gian xem xét về thẩm quyền của “bên có quyền lợi liên quan” và (ii) tạo thêm cơ hội cho những bên không liên quan nhưng thực sự có ý định sử dụng nhãn hiệu đã được đăng ký nhưng không được sử dụng trên thực tế.

Thay đổi tiêu chuẩn thời gian giới hạn để phán quyết về khả năng tương tự giữa các nhãn hiệu trong thời gian thẩm định nhãn hiệu

Theo quy định hiện tại, một nhãn hiệu sẽ không được bảo hộ tại Hàn Quốc nếu nhãn hiệu này tương tự gây nhầm lẫn với đơn nhãn hiệu hoặc đăng ký nhãn hiệu trước đó và việc xem xét về khả năng tương tự này được thực hiện tại thời điểm đơn được nộp với Cơ quan SHTT Hàn Quốc (“KIPO”). Tuy nhiên, theo quy định mới, việc thẩm định sự tương tự gây nhầm lẫn giữa nhãn hiệu mới được nộp với các nhãn hiệu đã được nộp đơn/đăng ký trước đó sẽ được thực hiện trong khi thẩm định khả năng đăng ký của nhãn hiệu, không phải tại thời điểm đơn được nộp.

Việc thay đổi này thật sự tạo rất nhiều lợi ích cho người nộp đơn bởi lẽ nếu thẩm định sau thời điểm đơn được nộp, trong khoảng thời gian đơn được thẩm định khả năng đăng ký, nếu các nhãn hiệu đối chứng (các nhãn hiệu đã được nộp đơn/đăng ký trước mà nhãn hiệu nộp mới bị coi là tương tự gây nhầm lẫn) được tìm thấy tại thời điểm đơn được nộp  bị từ chối hoặc bị hủy bỏ hoặc chấm dứt hiệu lực thì các nhãn hiệu này sẽ không được dùng làm đối chứng để từ chối nhãn hiệu mới được nộp nữa. Do đó, việc xem xét khả năng đăng ký sẽ hợp lý và công bằng hơn cho các nhãn  hiệu  mới được nộp.  

Hủy bỏ quy định ngăn chặn việc đăng ký nhãn hiệu trong suốt một năm sau khi nhãn hiệu hết hạn hiệu lực   

Theo Luật nhãn hiệu hiện tại, một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự có thể được nộp/đăng ký với KIPO sau thời gian là một (01) năm kể từ khi nhãn hiệu đối chứng (các nhãn hiệu đã được nộp đơn/đăng ký trước mà nhãn hiệu nộp mới bị coi là tương tự gây nhầm lẫn) bị hủy bỏ hiệu lực. Theo Luật Nhãn hiệu sửa đổi, quy định vừa nêu bị hủy bỏ. Điều này có nghĩa là một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự có thể được nộp/đăng ký ngay cả khi nhãn hiệu đối chứng bị hủy hiệu lực chưa hết thời gian một (01) năm.

--------------------------
Vân Anh – Công ty Luật TNHH Vietthink

Tài liệu tham khảo:

-    Thông báo của Hiệp hội SHTTT Thế giới (INTA) về việc sửa đổi luật Nhãn hiệu Hàn Quốc, Vol 71 No. 9.
Cập nhật: 03/10/2016
Lượt xem:6217