Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Những đối tượng hoạt động kinh doanh không phải đăng ký

Sự việc chủ tiệm quán cà phê tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh chậm đăng ký kinh doanh 05 ngày bị khởi tố hình sự về tội kinh doanh trái phép gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua đã đi đến hồi kết. Sự việc này đã gây không ít hoang mang cho người dân cả nước khi quá trình thực thi pháp luật không phân minh. Hành vi vi phạm chưa gây ra hậu quả thì bị xử lý quá nặng trong khi nhiều hành vi vi phạm gây ra những hậu quả nghiêm trọng lại không bị truy cứu. Đến nay, mặc dù Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đồng thời truy cứu trách nhiệm của một loạt cán bộ viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh có liên quan đến vụ án này, tuy vậy, việc kinh doanh mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính, tùy từng mức độ, có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành.

Qua sự việc này, rất nhiều các tiểu thương kinh doanh, buôn bán cũng bày tỏ sự lo lắng, liệu rằng hoạt động kinh doanh của họ đã đáp ứng các điều kiện theo quy định hay chưa? Bài viết này sẽ làm rõ vấn đề trên.
 
Theo quy định của Luật Thương mại 2005[1], tất cả các cá nhân có hoạt động kinh doanh ổn định, thường xuyên đều phải tiến hành đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể tại UBND quận/huyện hoặc đăng ký thành lập công ty tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, trừ các trường hợp cá nhân được phép kinh doanh mà không phải đăng ký, được quy định tại Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP như sau:

-  Buôn bán rong (buôn bán dạo) không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa để bán rong;

- Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

- Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, n­ước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

- Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc ng­ười bán lẻ;

- Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

- Các hoạt động thương mại một cách độc lập, th­ường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Ngoài ra, khi tiến hành hoạt động kinh doanh, tất cả các chủ thể không được phép kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ bị cấm theo quy định tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Trường hợp kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ có điều kiện thì phải đáp ứng các điều kiện đó theo quy định trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Một số loại hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh gồm có: vũ khí, đạn dược, pháo nổ, ma túy, hóa chất, thuốc thú ý độc hại, các hoạt động đánh bạc, mại dâm, v.v… Một số loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện gồm có xăng, dầu, thuốc, thuốc thú y, các dịch vụ về y tế, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ pháp lý, v.v… Đồng thời, tất cả các chủ thể kinh doanh phải đóng thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật thuế hiện hành phù hợp với mô hình hoạt động kinh doanh của mình.

Từ ngày 01/07/2016 tới đây, khi Bộ luật hình sự 2015 chính thức có hiệu lực, các hành vi kinh doanh trái phép sẽ không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử lý hành chính. Đây là một trong những điểm mới được ghi nhận trong Bộ luật hình sự 2015, là sự thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Cao Thị Hòa - Công ty Luật TNHH Vietthink

[1] Điều 7 Luật Thương mại 2005: Thương nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đăng ký kinh doanh, thương nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật
Cập nhật: 04/10/2016
Lượt xem:5169