Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Doanh nghiệp được gì từ cuộc chạy đua về xúc tiến đầu tư tại chỗ? - Kì 1

Kỳ 1: Nhìn nhận lại vai trò của xúc tiến đầu tư tại chỗ trong cảm nhận của doanh nghiệp về môi trường đầu tư

Chỉ số PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI  và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID công bố tại Việt Nam ngày càng tạo động lực lớn cho cuộc chạy đua cải thiện môi trường đầu tư giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Một trong những giải pháp được các địa phương chú trọng từ năm 2015 là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ doanh nghiệp. Hàng loạt các chương trình xúc tiến đầu tư tại chỗ cùng nhiều sáng kiến thu hút đầu tư khác nhau đã được tiến hành rầm rộ với mức kinh phí lớn ít nhiều đã gây được ấn tượng với nhà đầu tư, góp phần đưa nhiều địa phương lên thành “điển hình” về thu hút đầu tư. Nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan thì chúng vẫn mang tính bề nổi hơn là chiều sâu nên chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp, Nhà đầu tư quan tâm về việc họ sẽ nhận được những gì từ các chương trình xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ đầu tư, chính quyền sẽ đồng hành cùng với họ đến đâu trong suốt chặng đường đầu tư hơn là các chiến dịch quảng bá phô trương. 

Theo Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu (ban hành kèm theo Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014) thì hoạt động xúc tiến đầu tư gồm 8 nội dung và được chia thành hai mảng chính, trong đó nhiệm vụ về hỗ trợ doanh nghiệp theo Quy chế này hầu như chỉ tập trung vào việc hỗ trợ tiếp cận, tìm hiểu môi trường đầu tư, chỉ có duy nhất một nội dung nhỏ tại Khoản 7 Điều 3 và Khoản 2 Điều 16 có quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sau bước cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Do thiếu các quy định về hỗ trợ đầu tư sau cấp phép, phần lớn các tỉnh, thành chỉ tập trung đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, cải cách hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp khởi tạo (Start-up). Điều này chỉ cải thiện được các chỉ số liên quan đến Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, và Chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính chứ không cải thiện được các chỉ số: Hỗ trợ doanh nghiệp, Cạnh tranh bình đẳng, Chi phí không chính thức chưa thì thực sự đat kỳ vọng. 

Nếu nhìn nhận theo chiều sâu, việc quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư sẽ trở nên thiết thực nhất khi lấy hiệu quả hỗ trợ, chăm sóc doanh nghiệp sau đầu tư làm thước đo về môi trường đầu tư. Về phía doanh nghiệp, sự trải nghiệm thực tế về môi trường đầu tư và thành công của các doanh nghiệp đến trước sẽ là bằng chứng thuyết phục hơn việc quảng bá, tuyên truyền hay bất kỳ chương trình xúc tiến đầu tư nào khác. Một môi trường đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp không chỉ được quyết định bởi các yếu tố như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… mà còn bởi các chính sách thông thoáng và sự năng động, thân thiện, luôn sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư của bộ máy lãnh đạo và chính quyền địa phương. Do đó thời gian qua, một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Bình Phước hô hào đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ doanh nghiệp như là một nỗ lực cải thiện hình ảnh của mình trước cộng đồng doanh nghiệp, nhưng lại chưa nhận thức hết ý nghĩa của xúc tiến đầu tư tại chỗ và hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững sau giai đoạn start - up. 

Trong cuộc chạy đua thu hút đầu tư, nhiều tỉnh thành đã thành lập các Trung tâm xúc tiền đầu tư (IPA) để làm nòng cốt trong hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ và tham mưu cải thiện chỉ số PCI. Không phủ nhận rằng một số nơi như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng… các IPA đã triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ tương đối tốt, bước đầu được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Nhưng hoạt động của các trung tâm này cũng vẫn còn nghiêng về quảng bá, truyền thông nhiều hơn là việc quan tâm hỗ trợ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tại nhiều địa phương khác, các IPA tuy được thành lập nhưng hoạt động chỉ mang tính hình thức do thiếu cả về nhân lực lẫn kinh phí. 

Ở một khía cạnh khác, việc đánh giá hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào con số thống kê về lượng vốn đăng ký mới, số lượng các start-up và tần suất các hoạt động mang tính truyền thông của các IPA. Cách đánh giá này là phiến diện vì nó không phản ánh đầy đủ sự cảm nhận của các doanh nghiệp về môi trường đầu tư cũng như những tiến bộ trong việc cải cách thể chế và gỡ bỏ rào cản đầu tư của địa phương. Ngoài ra, việc đánh giá hiệu quả xúc tiến đầu tư theo cách trên sẽ có độ trễ nhất định vì từ bước tìm kiếm nhà đầu tư, đến bước nhà đầu tư quyết định nghiên cứu định hình dự án cho đến bước cấp phép là một quá trình dài, qua nhiều năm mới có thể đánh gía được. 

Trong khi đó, cảm nhận của doanh nghiệp về sự quan tâm của chính quyền, tính minh bạch của môi trường đầu tư và cơ hội mở rộng quan hệ đối tác - thị trường mới là yếu tố hàng đầu để quyết định có nên tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động đầu tư hay không. Đây mới thực chất là yếu tố tác động trực tiếp và lâu dài đến kết quả thu hút đầu tư của các địa phương nhưng lại chưa thực sự được quan tâm một cách nghiêm túc. Hay nói theo cách khác, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ doanh nghiệp mới thực sự là giải pháp cải thiện môi trường đầu tư theo chiều sâu. Điều này mới tác động tích cực và hiệu quả đến hoạt động xúc tiến đầu tư.

ThS. Nguyễn Thanh Hà
Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink
Cập nhật: 22/11/2016
Lượt xem:4319