Trong nỗ lực tinh giản thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động nước ngoài khi xin giấy phép lao động tại Việt Nam, vào ngày 15/08/2017, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 23/2017/TT-BLĐTBXH để hướng dẫn việc cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài qua mạng điện tử, phù hợp với chủ trương tăng cường cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử/cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ, và được kỳ vọng là sẽ rút ngắn hơn thời gian thực hiện thủ tục cũng như giảm thiểu một cách đáng kể chi phí đi lại cho người sử dụng lao động.
Theo quy định mới này, việc tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được thực hiện qua mạng điện tử theo mức độ 3 của dịch vụ công trực tuyến thay vì chỉ thực hiện trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính như trước đây.
Theo quy định này, thủ tục cấp phép lao động nước ngoài tại Việt Nam qua mạng điện tử sẽ được thực hiện theo trình tự như sau:
Bước 01: Xin chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài
Trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài đến cơ quan chấp thuận qua cổng thông tin điện tử (có địa chỉ: http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn), trừ các trường hợp quy định tại khoản 4, 5 và 8 Điều 172 Bộ Luật Lao động năm 2012 và điểm e, h Khoản 2 Điều 7 Nghị định 11/2016/NĐ-CP.
Trường hợp thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải gửi báo cáo giải trình thay đổi trước ít nhất 10 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài qua cổng thông tin điện tử.
Trong vòng 12 ngày, kể từ ngày nhận được tờ khai và báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật, cơ quan chấp thuận trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động. Trong trường hợp kết quả trả lời là phù hợp với quy định của pháp luật, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính bản gốc báo cáo đến cơ quan chấp thuận để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định. Trong thời hạn không quá 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được bản gốc báo cáo thì cơ quan chấp thuận phải trả kết quả là văn bản chấp thuận cho người sử dụng lao động về việc sử dụng người lao động nước ngoài.
Bước 02: Xin cấp giấy phép lao động
Trước ít nhất 7 ngày làm việc (nếu thực hiện thủ tục trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính phải trước ít nhất 15 ngày làm việc), kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép lao động đến cơ quan cấp giấy phép lao động qua cổng thông tin điện tử.
Trong vòng 05 ngày làm việc (nếu thực hiện thủ tục trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính là 07 ngày làm việc), kể từ ngày nhận được tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động phù hợp với quy định của pháp luật, cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động. Nếu kết quả trả lời hồ sơ là phù hợp với quy định của pháp luật, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đến cơ quan cấp giấy phép lao động để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định. Trong thời hạn không quá 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động thì cơ quan cấp giấy phép lao động phải trả kết quả là Giấy phép lao động cho người sử dụng lao động.
Ngoài ra, Thông tư còn cho phép thực hiện qua mạng điện tử đối với các trường hợp cấp lại giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/10/2017./.
Vietthink News