Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Đẩy mạnh hợp tác công - tư nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động XTĐT

Thời gian gần đây, thuật ngữ “Xúc tiến đầu tư” xuất hiện ngày càng nhiều trong các văn bản pháp lý cũng như trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm rõ ràng, bao hàm đầy đủ các khía cạnh liên quan của hoạt động xúc tiến đầu tư. Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng chính phủ quy định chi tiết về quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư cũng không đưa ra định nghĩa mà chỉ liệt kê các nguyên tắc và nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư.[1]. Trong khi đó, việc xác định chính xác nội hàm khái niệm “Hoạt động xúc tiến đầu tư” là cơ sở để xác định đúng vai trò, phạm vi hoạt động xúc tiến đầu tư, làm tiền đề cho việc xây dựng các chiến lược, kế hoạch hành động phù hợp và hiệu quả trong lĩnh vực này. 
Qua theo dõi hoạt động xúc tiến đầu tư và kết quả khảo sát, xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chúng tôi nhận thấy hầu hết các địa phương đều đã chú trọng đến việc cải thiện cơ chế và thủ tục hành chính theo hướng gọn nhẹ, thông thoáng; có chiến lược thu hút đầu tư theo hướng tập trung, có trọng tâm trọng điểm, phù hợp với định hướng của Chính phủ về hoạt động xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, điều đó chưa thể khẳng định rằng chính quyền các địa phương, nhất là các sở, ngành và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã nhận thức một cách đầy đủ, thấu đáo về hoạt động xúc tiến đầu tư. 
Hiện nay, nhiều địa phương vẫn còn nhận thức một cách giản đơn rằng xúc tiến đầu tư là tổng thể các hoạt động, công cụ nhằm thu hút đầu tư vào địa phương mình. Từ đó, một điều dễ nhận thấy là các kế hoạch xúc tiến đầu tư của các địa phương thường chủ yếu tập trung vào việc quảng bá hình ảnh và giới thiệu thông tin về môi trường, chính sách đầu tư của địa phương để thu hút các nhà đầu tư. Hiệu quả xúc tiến đầu tư của một địa phương được đánh giá chủ yếu thông qua kết quả thu hút vốn đầu tư mới vào địa phương đó. Quan niệm trên đây có phần phù hợp với thực tế những gì đang diễn ra hiện nay. Bởi lẽ, các dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn và công ty đa quốc gia có xu hướng thường xuyên dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác có các điều kiện hấp dẫn hơn. Nên địa phương nào càng quảng bá được nhiều hơn về lợi thế cạnh tranh, cơ sở hạ tầng, nguồn lực lao động, chính sách ưu đãi và dịch vụ công thì sẽ càng thu hút được các nguồn lực đầu tư lớn hơn.
Tuy nhiên, cách nhìn nhận và đánh giá như trên là thiển cận, một chiều, không phản ánh đầy đủ các khía cạnh của hoạt động xúc tiến đầu tư. Hay nói cách khác là cách hiểu như vậy vô hình chung đã thu hẹp phạm vi công việc và chủ thể tham gia vào hoạt động xúc tiến đầu tư, từ đó làm giảm đáng kể vai trò của hoạt động này. Khi một địa phương thu hút được các nhà đầu tư đặt chân đến thì đó mới chỉ là thành công bước đầu. Giữ được chân nhà đầu tư ở lại lâu dài và tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư tại địa phương thì đó mới là thành công thực sự và bền vững. Thực tế cho thấy khi triển khai hoạt động đầu tư, nhà đầu tư cần được thụ hưởng lợi ích thực sự từ các cam kết về cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cụ thể. Nói cách khác, chính quyền địa phương cần có các bước đi và hành động cụ thể để hiện thực hóa các cam kết và tuyên bố của mình, đồng thời phải không ngừng cải thiện và hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường đầu tư để đem lại các lợi ích ngày càng lớn hơn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư cũng có nhu cầu rất lớn về các dịch vụ đầu tư như tư vấn về thị trường, lao động, pháp lý, tài chính và hỗ trợ các thủ tục cấp phép và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Những yếu tố đó là một phần cấu thành của môi trường đầu tư và chính quyền địa phương phải đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhà đầu tư. Sự đồng hành cùng nhà đầu tư của các cơ quan chính quyền và sự tham gia tích cực của các chủ thể dân sự trong việc đáp ứng dịch vụ đầu tư là yếu tố quan trọng nhất để giữ chân các nhà đầu tư và kích thích tái đầu tư. 
Với chức năng, nhiệm vụ hạn chế và các nguồn lực còn khá khiêm tốn của các cơ quan xúc tiến đầu tư cấp tỉnh (IPA) hiện nay thì chưa thể làm tốt vai trò đầu mối cung ứng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Trên thực tế, chất lượng dịch vụ công và hiệu quả hỗ trợ đối với các nhà đầu tư hiện đang phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả phối hợp giữa IPA và các sở, ban, ngành của địa phương. Và với tình trạng hoạt động hiện nay của các sở, ban, ngành thì không phải lúc nào sự phối hợp nói trên cũng kịp thời và hiệu quả, do đó, chưa tạo môi trường thuận lợi nhất để các khoản vốn đã đăng ký đầu tư vào địa phương phát huy tác dụng. Thậm chí nhiều nhà đầu tư đã “vỡ mộng” và chuyển vốn đầu tư sang các địa phương khác. Điều này khiến cho vai trò và hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư cũng bị giảm sút.
Rõ ràng, đã đến lúc cần có một cái nhìn thấu đáo và toàn diện hơn về hoạt động xúc tiến đầu tư. Theo đó, hoạt động xúc tiến đầu tư phải bao hàm tổng thể mọi hành động, công cụ để thu hút thành công và khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư, được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục bởi các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và các chủ thể có liên quan. Với quan niệm mới trên đây, phạm vi công việc thuộc nội hàm khái niệm xúc tiến đầu tư đã được mở rộng và xuyên suốt quá trình hoạt động của nhà đầu tư (chứ không chỉ dừng lại ở bước kêu gọi đầu tư). Phạm vi chủ thể tham gia vào hoạt động xúc tiến đầu tư cũng được mở rộng, đặc biệt có sự ghi nhận vai trò và mức độ tham gia của các chủ thể khác bên cạnh cơ quan xúc tiến đầu tư. Cách tiếp cận mới này sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu và đưa ra các chiến lược, kế hoạch xúc tiến đầu tư hiệu quả và thực chất hơn.
Với kinh nghiệm tư vấn lâu năm trong lĩnh vực doanh nghiệp và đầu tư, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả xúc tiến đầu tư theo định hướng nêu trên:
1. Nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách và quy định pháp luật về hoạt động xúc tiến đầu tư 
(a) Mở rộng mục tiêu và đối tượng của hoạt động xúc tiến đầu tư: 
Hiện nay, hầu hết các địa phương đang kêu gọi hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016. Tuy nhiên trên thực tế đang diễn ra cuộc chạy đua quyết liệt giữa các tỉnh, thành trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn trong nước và quốc tế, trong khi lại thiếu sự quan tâm thỏa đáng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp hay các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này là dễ hiểu, vì việc thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn không chỉ đem lại nguồn vốn đầu tư lớn mà chúng còn có góp phần thay đổi diện mạo kinh tế địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, tăng nguồn thu thuế và giảm bớt áp lực về mặt xã hội của địa phương; đồng thời giúp địa phương thể hiện được hình ảnh và cải thiện vị trí xếp hạng trong thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương. Các doanh nghiệp này là đối tượng chịu thiệt thòi nhất do chính quyền các địa phương chỉ quan tâm hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn nhà nước hơn là quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khu vực tư nhân. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp tại các địa phương hiện nay. Khi các doanh nghiệp này không cảm thấy hài lòng về môi trường đầu tư thì việc phản ánh, đánh giá cảm nhận của họ sẽ dẫn đến kết quả bất lợi đối với môi trường đầu tư của địa phương. Kết quả xếp hạng PCI năm 2016 vừa được VCCI công bố đã phần nào nói lên thực tế này [2]. Một điều quan trọng mà ít địa phương nào nhìn thấy được là việc quan tâm phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là giải pháp hữu hiệu để thu hút các tổng công ty, tập đoàn lớn trong nước và tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào địa phương do đã có sẵn một mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm thứ cấp chuyên nghiệp và một thị trường kinh doanh ổn định.
Một vấn đề nữa cũng cần đề cập đến là hiện nay các chính sách và quy định hiện hành chỉ tập trung khuyến khích, định hướng các địa phương tập trung vào thu hút nguồn vốn đầu tư mới từ bên ngoài và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, mà ít quan tâm thậm chí quên mất vai trò, tiềm năng và giá trị của việc "tái đầu tư" tại địa phương. Hoạt động tái đầu tư của doanh nghiệp vừa tạo giá trị kinh tế cho địa phương, vừa cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương đó thực sự ổn định, an toàn và hấp dẫn. Dưới góc độ quảng bá về môi trường đầu tư của địa phương thì con số về vốn tái đầu tư thậm chí còn có nghĩa hơn cả số vốn đầu tư mới. 
Song như đã nói ở trên, việc giữ chân nhà đầu tư ở lại lâu dài và tái đầu tư phụ thuộc rất lớn vào sự đồng hành, hiện thực hóa những cam kết của chính quyền và những nỗ lực cải thiện và hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường đầu tư của địa phương. Do đó, việc chăm sóc và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai hoạt động đầu tư cũng cần được các địa phương coi trọng ngang bằng, thậm chí quan tâm hơn so với việc thu hút đầu tư ban đầu. 
(b) Tăng cường vai trò, thẩm quyền của các Trung tâm xúc tiến đầu tư và bổ sung các quy định cụ thể về cơ chế báo cáo, đánh giá hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư:
Hiện nay, các quy định về báo cáo, đánh giá hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư theo Quyết định 03/2014/QĐ-TTg còn chung chung, chưa cụ thể các nội dung báo cáo và tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư. Thông thường, việc đánh giá kết quả hoạt động xúc tiến đầu tư thường dựa trên kết quả triển khai kế hoạch xúc tiến đầu tư do địa phương báo cáo hàng năm; và việc đánh giá hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư thường dựa trên tổng vốn đầu tư thu hút mới vào địa phương và các sáng kiến mới của địa phương trong hoạt động xúc tiến đầu tư.
Như đã phân tích ở trên, hoạt động xúc tiến đầu tư hiện đang chủ yếu tập trung vào việc quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư và các giải pháp hỗ trợ gia nhập thị trường của doanh nghiệp; trong khi kết quả hiện thực hoá các cam kết và tuyên bố về thu hút đầu tư của địa phương thì lại phụ thuộc vào hiệu quả phối hợp và chất lượng điều hành của các sở, ngành và cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh. Do đó, hiệu quả thu hút đầu tư thực chất đang phụ thuộc vào chất lượng điều hành và chất lượng cung ứng dịch vụ công của cả hệ thống chính quyền địa phương.
Để tăng cường hiệu quả xúc tiến đầu tư, theo quan điểm của chúng tôi, các Trung tâm xúc tiến đầu tư cấp tỉnh hiện nay cần được tăng thẩm quyền, đồng thời với việc tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư. Bên cạnh đó, cần có các quy định cụ thể về cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư của các IPA phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Để đồng hành xuyên suốt với nhà đầu tư và rút ngắn thời gian và chi phí không chính thức trong giai đoạn hoàn thanh chuẩn bị đầu tư, các IPA cần được mở rộng theo mô hình lồng ghép ba chức năng: xúc tiến đầu tư, một cửa liên thông giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư và tư vấn, hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Khi chuyển sang họat động theo mô hình này thì hiệu lực, hiệu quả, phối hợp giữa IPA với các sở, ngành sẽ tốt hơn, việc xử lý các công việc liên quan đến nhà đầu tư sẽ thuận tiện và chóng hơn. Việc một cơ quan làm đầu mối thống nhất để tham mưu cho Lãnh đạo địa phương tổ chức, thực hiện các hoạt động vận động, xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ sau cấp phép sẽ vừa mang lại lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư, vừa nâng cao chất lượng điều hành của địa phương.
Song song với việc mở rộng chức năng, thẩm quyền của các IPA, cần quy xây dựng và ban hành các tiêu chí đánh giá hiệu quả xúc tiến đầu tư cụ thể để áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Trong đó kết hợp giữa các tiêu chí đánh giá ngắn hạn (nguồn vốn thu hút đầu tư, kết quả hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp) và các tiêu chí đánh giá dài hạn (nguồn vốn tái đầu tư, mua bán, chuyển nhượng dự án, sáng kiến về xúc tiến đầu tư, đóng góp hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về đầu tư và hoạt động xúc tiến đầu tư).
2. Nhóm giải pháp mở rộng hợp tác trong hoạt động xúc tiến đầu tư
(a) Vai trò của quan hệ hợp tác trong hoạt động xúc tiến đầu tư
Hợp tác về xúc tiến đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng trong hoạt động xúc tiến đầu tư được Chính phủ khuyến khích tại Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014, theo đó các hình thức phát triển và mở rộng quan hệ hợp tác tập trung ở ba nhóm chính: Hợp tác liên ngành: Kết hợp xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và du lịch); Hợp tác liên vùng: Kết hợp xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế, giữa các địa phương với nhau; và Hợp tác liên cấp: Giữa Bộ, UBND tỉnh và Ban quản lý; Giữa UBND tỉnh, Ban quản lý với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thực tế, nhiều địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của việc mở rộng quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và thông tin trong hoạt động xúc tiến đầu tư, tuy nhiên ở cấp địa phương, các tỉnh và thành phố thường mới chỉ hợp tác ở mức độ trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng xúc tiến đầu tư với các đối tác. Trong quan hệ hợp tác với nước ngoài, nhiều địa phương tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài và ký kết các thoả thuận hợp tác với các tổ chức, hiệp hội tại nước ngoài để tranh thủ nguồn thông tin, cơ hội tiếp cận nhà đầu tư chiến lược tại nước ngoài, và quảng bá về hình ảnh, môi trường đầu tư tại địa phương. Ngoài ra, nhiều hoạt động hội trợ, chương trình xúc tiến cũng được các địa phương kỳ công mời các đối tác nước ngoài tham dự để quảng bá về hình ảnh, môi trường đầu tư tại địa phương. 
Nhưng nhìn chung qua theo dõi các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong xúc tiến đầu tư, thương mại, chúng tôi nhận thấy các hoạt động này mặc dù được tổ chức rất rầm rộ về quy mô và số lượng, nhưng hầu như chỉ đạt hiệu quả về giới thiệu hình ảnh của địa phương và sản phẩm địa phương, chứ không có ý nghĩa nhiều về thu hút đầu tư trực tiếp, nên gây tốn kém về chi phí và ít hiệu quả. Trong khi đó, phần lớn các địa phương lại chưa chú trọng đúng mức đến vai trò và hiệu quả của việc hợp tác giữa các cơ quan chính quyền với các chủ thể tư, đặc biệt là các tổ chức tư vấn trong lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp. Việc bắt tay, hợp tác giữa Đơn vị quản lý nhà nước với các Tổ chức tư vấn độc lập sẽ giúp mỗi bên tận dụng được tiềm năng, lợi thế của mình trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và quảng bá thương hiệu. Cụ thể: Các cơ quan chính quyền thì có lợi thế về thông tin quy hoạch, thị trường và nhu cầu tư vấn, hỗ trợ của doanh nghiệp; Các tổ chức tư vấn tư nhân thì am hiểu về thị trường, nhu cầu đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư và có kinh nghiệm chuyên môn, có khả năng tư vấn, hỗ trợ cho chính các Địa phương và Nhà đầu tư.
Thực tế, mô hình hợp tác "Ba Nhà" (Nhà quản lý - Nhà đầu tư - Nhà tư vấn) đã từng được nhắc đến trong hoạt động xúc tiến đầu tư nhưng gần như chưa được cụ thể hoá bằng các chương trình hành động, quan hệ hợp tác cụ thể. Trong khi đó, hình thức này hoàn toàn phù hợp với chính sách mở rộng quan hệ hợp tác trong hoạt động xúc tiến đầu tư của Chính phủ, phù hợp với chính sách khuyến khích các mô hình hợp tác công-tư để tận dụng, khai thác các thế mạnh của các tổ chức tư nhân; đồng thời cũng phù hợp với xu hướng hợp tác công-tư trên thế giới và nhu cầu thực tế của thị trường, nhà đầu tư.
(b) Mô hình liên kết, hợp tác công-tư trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ pháp lý để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư tại chỗ
Nhu cầu tư vấn, hỗ trợ pháp lý là nhu cầu xuyên suốt của một nhà đầu tư từ bước tìm hiểu địa điểm, môi trường đầu tư cho đến bước chuẩn bị đầu tư, xin cấp phép đầu tư và tổ chức doanh nghiệp, triển khai và thực hiện dự án,... Cụ thể:
- Đối với hoạt động thu hút đầu tư: Với việc thường xuyên tiếp xúc và tư vấn cho doanh nghiệp, các đơn vị tư vấn pháp lý chuyên nghiệp sẽ nắm bắt được xu hướng, biến động, nhu cầu của thị trường cũng như nắm bắt được thông tin và xu hướng đầu tư, nhu cầu tìm kiếm địa điểm của Nhà đầu tư. Do đó, bằng việt bắt tay với các tổ chức tư vấn này, các địa phương không những tận dụng được cơ hội tiếp cận nhà đầu tư phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và định hướng thu hút đầu tư của mình, mà còn được tư vấn để chọn lọc các đối tượng chiến lược trong hoạt động xúc tiến đầu tư đúng trọng tâm, định hướng; từ đó vừa tiết kiệm được chi phí cho các hoạt động xúc tiến dàn trải thiếu tập trung lại vừa nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.
- Đối với hoạt động tư vấn, hỗ trợ đầu tư: Thông qua việc kết nối nhà đầu tư có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ dịch vụ đầu tư, các địa phương vừa tận dụng thế mạnh chuyên môn của các đối tác tư nhân, vừa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Thông thường, doanh nghiệp quan tâm tới các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp, có uy tín về các lĩnh vực: Thu xếp vốn đầu tư; Tư vấn thị trường, Tư vấn về đất đai, thuế, tài chính; Tư vấn M&A; Tư vấn pháp lý và Hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính trong việc cấp phép đầu tư, xuất nhập khẩu, nâng cấp và mở rộng quy mô dự án đầu tư…
Đặc biệt ở giai đoạn tìm hiểu đầu tư và chuẩn bị đầu tư, doanh nghiệp luôn cần sự đồng hành của các đơn vị tư vấn pháp lý để đảm bảo an toàn pháp lý cho hoạt động đầu tư của mình. Đặc điểm của giai đoạn này là Doanh nghiệp thường phải đàm phán với các đối tác và các tổ chức tài trợ vốn như ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư... Do đó, việc hợp tác và bắt tay với tổ chức tư vấn pháp lý chuyên nghiệp sẽ là lợi thế cho địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp dung đạt được các giải pháp đầu tư hiệu quả và an toàn.
- Đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp: Việc có những tổ chức trung gian tư vấn, hỗ trợ cho Nhà đầu tư và Lãnh đạo địa phương là một cách dung hoà lợi ích trong việc giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư (xúc tiến tại chỗ)  để thúc đẩy triển khai dự án hiệu quả.
Hiện nay, các địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI gần như đã chạm ngưỡng về cải cách thủ tục hành chính và bắt đầu quan tâm cải thiện các chỉ số có tính chiều sâu và thực chất hơn. Hàng loạt sáng kiến đã được tung ra trong nỗ lực xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện, gắn kết với nhà đầu tư. Tiêu biểu phải kể đến các tỉnh như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Bình Phước... với các sáng kiến như "Tiếp xúc doanh nghiệp", "Cà phê doanh nhân", "Cà phê chủ tịch". Bên cạnh những đánh giá tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp và dư luận xã hội thì cũng không ít ý kiến cho rằng các sáng kiến này chỉ là một kiểu PR cho địa phương, trên thực tế các chính quyền vẫn phản ứng chậm chạp hoặc làm ngơ trước các yêu cầu hay bức xúc chính đáng của các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý đầu tư và các IPA cũng chỉ quyết liệt khi có sự phản ánh của báo chí cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền cao hơn và toàn hệ thống chính trị.
Tuy nhiên điều này có thể được lí giải như sau: nhiều vướng mắc của doanh nghiệp bắt nguồn sự không nhất quán, thường xuyên thay đổi trong các quy định pháp luật và chính sách thu hút đầu tư giữa các thời kỳ, nên vẫn mất rất nhiều thời gian để liên ngành và lãnh đạo địa phương tìm được tiếng nói chung trong cách giải quyết. Mặt khác, một số vướng mắc và bức xúc của doanh nghiệp chậm được giải quyết là do có sự mâu thuẫn với lợi ích của chính quyền và cộng đồng, như các vấn về cơ sở hạ tầng, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, v.v... Giải quyết hài hòa các lợi ích nói trên vẫn là một bài toàn khó với hầu hết các địa phương.
Một trong những pháp hữu hiệu để giải quyết thực tế nêu trên là phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của các đơn vị tư vấn độc lập, trong đó đặc biệt là tư vấn pháp lý trong hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ. Với năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn cùng tiếng nói độc lập, khách quan, tổ chức tư vấn pháp lý hoàn toàn có thể tham mưu cho cả chính quyền trong việc tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó, tổ chức tư vẫn cũng có thể là một trung gian trong việc điều phối hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của nhà nước và cộng đồng.  
Mọi sáng kiến, giải pháp xúc tiến đầu tư suy cho cùng cũng đều hướng các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Việc hợp tác với tổ chức tư vấn chuyên nghiệp trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ tư vấn pháp lý là để nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đúng mức và giải đáp thỏa đáng các yêu cầu, mong đợi chính đáng của nhà đầu tư. Địa phương nào nhận thức và giải quyết tốt vấn đề này thì chắc chắn sẽ thành công trong chiến lược thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng điều hành và cải thiện môi trường đầu tư của địa phương mình. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng những kinh nghiệm phong phú về hỗ trợ và xúc tiến đầu tư và quyết tâm của Lãnh đạo tỉnh, Quảng Ninh hoàn toàn có đủ điều kiện để đẩy mạnh mô hình hợp tác công – tư trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả xúc tiến đầu tư./.
ThS. Nguyễn Thanh Hà
Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink
(Trích nguồn http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/5363/Day-manh-hop-tac-cong-tu-nham-nang-cao-chat-luong-va-hieu-qua-hoat-dong-XTDT)

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(1) Điều 3 Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chỉnh phủ ban hành quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư;
(2) Theo Báo cáo điều tra doanh nghiệp dân doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016, tại tỉnh trung vị trong khảo sát PCI hai năm qua, hơn 38% doanh nghiệp vẫn cho biết "tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp", tăng 6% so với năm 2013. Đồng thời, hơn 42% doanh nghiệp đồng ý "tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước", tăng 14% so với năm 2013.
Cập nhật: 21/04/2017
Lượt xem:6297