Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Bảo vệ quyền và lợi ích người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự

Quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

1. Điều kiện để xác định người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu

Để xác định người thứ ba ngay tình cần những điều kiện sau:
  • Một là, trước khi người thứ ba tham gia giao dịch dân sự đã có một giao dịch dân sự trước được xác lập, thực hiện nhưng giao dịch trước đó vô hiệu.
  • Hai là, người thứ ba xác lập giao dịch phải ngay tình. Tức là trong trường hợp này, người thứ ba không biết hoặc không thể biết rằng mình tham gia giao dịch dân sự với người không có quyền định đoạt tài sản, hoặc đối tượng của giao dịch liên quan đến giao dịch trước đó.
  • Ba là, người thứ ba tham gia vào giao dịch dân sự phải là người có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Nếu trong trường hợp mà họ không có đầy đủ năng lực hành vi thì họ phải có người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật.
  • Bốn là, người thứ ba đã thực hiện nghĩa vụ và hưởng những quyền dân sự trong giao dịch do họ xác lập. Nói cách khác, họ đã nhận tài sản từ giao dịch và mục đích của giao dịch đã đạt được.
  • Năm là, tài sản thực hiện giao dịch phải là những tài sản phải được phép lưu thông trên thị trường. Bởi nếu là vật cấm lưu thông, thì người thứ ba buộc phải biết mình xác lập giao dịch dân sự bất hợp pháp và không tiến hành giao dịch.
  • Sáu là, mục đích và nội dung của giao dịch không được trái quy định của pháp luật và đạo đức xã hội
  • Bảy là, trình tự xác lập giao dịch tuân thủ đúng trình tự pháp luật.
  • Tám là, người thứ ba phải có yêu cầu được hưởng tài sản hoặc bồi thường thiệt hại khi tài sản giao dịch bị tịch thu sung quỹ Nhà nước, hoặc bị trả lại cho chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp.
2. Quy định của Bộ luật dân sự 2015 về bảo vệ quyền và lợi ích của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu
Tại Điều 133 Bộ luật dân sự 2015 đã quy định về việc “ Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu” 
Điều 133, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu
1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.
2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại, nếu có.”

Quy định tại khoản 2, Điều 133 “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.” là hợp lý và rất cần thiết để bảo đảm an toàn, ổn định pháp lý cho các giao dịch dân sự, tránh rủi ro “bất khả kháng” ngoài khả năng kiểm soát, giúp doanh nghiệp và người dân yên tâm khi giao dịch đối với các tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nội dung trên kế thừa toàn bộ quy định tại khoản 2, Điều 138, Bộ luật Dân sự năm 2005 hiện hành. Điều này cũng thống nhất với quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 106 về “Đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp”, Luật Đất đai năm 2013 là: Không thu hồi “Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai” nếu như “người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.”

Tuy nhiên, quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình nói trên, nhưng lại sẽ có nguy cơ gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu. Trong trường hợp này, thì vấn đề tiếp theo sẽ được giải quyết theo cơ chế kiện bồi thường thiệt hại đối với người có lỗi. Cái khó nhất trong trường hợp này là, phần lớn toàn bộ hoặc một phần lỗi thuộc về các cơ quan nhà nước, nhưng lại rất khó đòi bồi thường thiệt hại từ cơ quan nhà nước.

3. Ý nghĩa của việc bảo vệ quyền và lợi ích của người thứ ba ngay tình
Việc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ thể tham gia giao dịch. Pháp luật ưu tiên bảo vệ quyền lợi và lợi ích chủ sở hữu nhưng những quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình tạo một cơ chế điều hòa lợi ích giữa chủ sở hữu và người thứ ba ngay tình. Việc cân đối quyền lợi giữa chủ sở hữu và người thứ ba ngay tình có mục đích bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu hợp pháp trên tài sản, quyền lợi chính đáng, hợp lý hợp pháp của các bên tham gia giao dịch đồng thời xem xét đến việc đảm bảo tính ổn định của quan hệ dân sự, tránh những xáo trộn không cần thiết, khuyến khích các chủ thể tự bảo vệ quyền lợi của mình, góp phần xây dựng ý thức pháp luật của các bên trong quan hệ dân sự.
 
Quy định của pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự liên quan đến động sản hoặc là động sản phải đăng ký.

Tại Khoản 2 Điều 133 BLDS 2015 quy định về “ Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tàu sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đóa mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu. Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”.

Có thể thấy rằng, ngoài hai trường hợp được công nhận như BLDS năm 2005 là người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa thì BLDS năm 2015 có một quy định mới theo hướng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu. Do vậy, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, những giao dịch giữa A,B và C, giữa C và D ở ví dụ sau đều được công nhận hợp pháp, không bị vô hiệu:

Ví dụ: Ông A chuyển nhượng nhà cho ông B, ông B đã trả tiền, nhận nhà và đã được cấp giấy chứng nhận, sau đó ông B chuyển nhượng nhà cho ông C, C đã trả tiền, nhận nhà , được cấp giấy chứng nhận và đã chuyển nhượng cho D. Theo BLDS 2005, khi hợp đồng giữa A và B bị vô hiệu thì các hợp đồng chuyển nhượng giữa B và C, giữa C và D đều bị vô hiệu và nhà phải trả lại cho A trong khi việc mua bán giữa B và C, giữa C và D đều hợp pháp, hợp lệ, ngay tình nhưng đều bị hủy. Tuy nhiên tại BLDS mới 2015 thì những giao dịch dân sự này đều được công nhận.

Như vậy, quy định mới tại BLDS 2015 đã bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản hoặc động sản phải đăng ký. Vấn đề mấu chốt để giao dịch dân sự với người thứ ba ngay tình được công nhận là tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu. Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba vẫn bị vô hiệu.

Quyền của chủ sở hữu

Tại Khoản 3 Điều 133 BLDS năm 2015 có quy định về việc “ Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự này với người này không bị vô hiệu nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lí và bồi thường thiệt hại”. Do giao dịch với người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ nên chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình mà chỉ có quyền kiện chủ thể có lỗi làm cho giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí bồi thường thiệt hại. Nếu chỉ đánh giá ở phương diện quyền lợi thì quy định của BLDS năm 2015 có vẻ không ảnh hưởng đến chủ sở hữu nhưng xét ở khía cạnh đảm bảo thi hành án của tòa án thì chủ sở hữu tài sản có thể bị ảnh hưởng quyền lợi khi chủ thể có lỗi không có tài sản để thi hành án. DO vậy, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, các chủ sở hữu phải thực hiện đầy đủ các quyền của chủ sở hữu để tránh trường hợp tài sản của mình bị chuyển giao ngoài ý muốn cho người thứ ba ngay tình.

Kết luận

Như vậy, sau khi tìm hiểu về vấn đề trên, khi giao dịch dân sự vô hiệu, vấn đề bảo vệ người thứ ba ngay tình được đặt ra, tuy nhiên việc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình phải đặt trên sự cân bằng với lợi ích của chủ sở hữu ban đầu. Đồng thời, công nhận giao dịch có hiệu lực là cách tối ưu để bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình nhưng không phải trong mọi trường hợp giao dịch của người thứ ba ngay tình cũng được công nhận có hiệu lực. Nếu công nhận giao dịch của người thứ ba ngay tình có hiệu lực thì họ nhận được tài sản giao dịch, nếu giao dịch của người thứ ba ngay tình vô hiệu thì quyền lợi của họ được bảo vệ bằng cách yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cuối cùng, để góp phần bảo vệ hợp lý quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu, pháp luật cần phân chia trường hợp tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà người thứ ba ngay tình căn cứ vào tình trạng đăng ký để xác lập giao dịch thì giao dịch của người thứ ba không bị vô hiệu. 

Vietthink News.

Cập nhật: 12/12/2020
Lượt xem:85537