Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành 02 thông tư mới trong tháng 6 năm 2021.

Trước đây, Luật Giám định Tư pháp 2012 (Luật GĐTP) không có bất kỳ quy định nào về thời hạn thực hiện giám định, dẫn đến việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án, làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra, giải quyết, đặc biệt những vụ án có tính chất phức tạp, hoạt động giám định lại càng lâu, mà tính chất vụ án cần kết quả giám định sớm để phục vụ cho các hoạt động điều tra khác. Nhiều vụ án, hoạt động giám định kéo dài 08 tháng. Để khắc phục những tồn đọng này, ngày 10/6/2020, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp năm 2020 (Luật sửa đổi Luật GĐTP), có hiệu lực ngày 01/01/2021 đã bổ sung, hoàn thiện một số quy định pháp luật để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Trong đó bổ sung thêm Điều 26a quy định về thời hạn giám định trong các trường hợp trưng cầu giám định. Theo đó, Thời gian giám định theo quy định của Luật này chỉ áp dụng đối với các vụ án không thuộc trường hợp bắt buộc về tố tụng hình sự và có thời hạn tối đa là 03 tháng, nếu vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng. Thời hạn giám định có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá ½ thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định biết và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.


Nguồn: Internet

Để phù hợp với quy định mới này, ngày 01/6/2021, Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BVHTTDL bổ sung một số điều các Thông tư quy định quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa. Cụ thể Thông tư bổ sung Điều 6a vào sau Điều 6 Thông tư số 02/2019/TT-BVHTTDL ngày 05/7/2019 của Bộ VHTT&DL quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan; Bổ sung Điều 6a vào sau Điều 6 Thông tư số 03/2019/TT-BVHTTDL ngày 05/7/2019 của Bộ VHTT&DL quy định quy trình giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật; và Bổ sung Điều 6a vào sau Điều 6 Thông tư số 08/2019/TT-BVHTTDL ngày 03/9/2019 của Bộ VHTT&DL quy định quy trình giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa.

Theo đó, thời gian giám định tư pháp về quyền tác giả tối đa 03 tháng tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, thông tin, tài liệu cần thiết cho việc giám định quyền tác giả. Đối với di vật, cổ vật, thời gian giám định đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể là thời hạn giám định không quá 09 ngày đối với di vật, cổ vật trong trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Ngược lại, trường hợp không bắt buộc phải trưng cầu giám định, thì thời hạn giám định tối đa là 02 tháng tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật liên quan đến di vật, cổ vật đó. Bên cạnh đó, đối với sản phẩm văn hóa, thời hạn giám định tối đa là 02 tháng tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, thông tin, tài liệu liên quan đến sản phẩm văn hóa. Thời gian giám định đối với cả 3 trường hợp trên đều có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá ½ thời gian giám định tối đa. Người trưng cầu giám định có thể thống nhất về thời hạn giám định với tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định trước khi trưng cầu giám định nhưng không quá thời hạn tối đa và thời hạn gia hạn thêm. Trong Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở để cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

Sau Thông tư số 03/2021/TT-BVHTTDL, ngày 08/6/2021, Bộ VHTT&DL tiếp tục ban hành Thông tư số 04/2021/ TT-BVHTTDL quy định một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa. Nội dung của Thông tư này chủ yếu quy định về phạm vi giám định tư pháp, tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; công nhận và đăng tải danh sách, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp và thành lập hội đồng giám định trong lĩnh vực văn hóa.

Thông tư quy định rõ, tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp như sau: (1) Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt. (2) Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo sau: Mỹ thuật/ Mỹ thuật ứng dụng/ Nghệ thuật trình diễn/ Nghệ thuật nghe nhìn/ Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam/ Thư viện/ Bảo tàng/ Luật/ Chuyên ngành khác về nghệ thuật và nhân văn có liên quan. (3) Đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên. 

Thông tư cũng quy định cụ thể hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp gồm: (1) Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của thủ trưởng cơ quan, đơn vị; (2) Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên; (3) Sơ yếu lý lịch và Phiếu lý lịch tư pháp. Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức thì không cần có phiếu lý lịch tư pháp; (4) Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc.

Về Thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp. Trường hợp nhận được trưng cầu, yêu cầu giám định có nội dung thuộc phạm vi quản lý của Bộ, Vụ Pháp chế phải chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị  liên quan lựa chọn giám định viên tư pháp. Trường hợp yêu cầu trưng cầu, giám định đó không thuộc phạm vi quản lý của Bộ, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trình Lãnh đạo Bộ từ chối giám định tư pháp. Tương ứng với nội dung trên, tại Sở, Giám đốc Sở là người lựa chọn giám định viên tư pháp nếu thuộc phạm vi quản lý của Sở hoặc có văn bản từ chối giám định tư pháp nếu không thuộc phạm vi quản lý của Sở. Người được phân công giám định tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận nội dung trưng cầu giám định, tổ chức thực hiện giám định, kết luận về các nội dung giám định và trả lời cơ quan trưng cầu giám định tư pháp theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giám định các nội dung được giao, người được phân công giám định tư pháp phải từ chối bằng văn bản. Văn bản từ chối được gửi cho cơ quan trưng cầu giám định và cơ quan cử người giám định.

Về thành lập Hội đồng giám định. Hội đồng giám định trong lĩnh vực văn hóa được thành lập trong các trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện. và Trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định. Bộ trưởng là người quyết định thành lập Hội đồng giám định. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan lựa chọn giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp với nội dung trưng cầu giám định, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng quyết định thành lập hội đồng; Thành phần, số lượng thành viên và cơ chế hoạt động của hội đồng giám định thực hiện theo Điều 30 Luật Giám định tư pháp.
 
Thông tư số 03/2021/TT/BVHTTDL và Thông tư số 04/2021/TT/BVHTTDL đều có hiệu lực ngày 01/8/2021.
Vietthink News./.

Cập nhật: 05/07/2021
Lượt xem:3355