Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Chính phủ ban hành quy định mới hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế năm 2019

Mặc dù Luật Quản lý thuế năm 2019 đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020, tuy nhiên việc chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý thuế cũng như cá nhân, doanh nghiệp lúng túng, vướng mắc trong quá trình thực thi. Để sớm đưa Luật Quản lý thuế năm 2019 vào thực tế, ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP (“Nghị định 126/2020/NĐ-CP”) thay thế cho Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 (“Nghị định 83/2013/NĐ-CP”) quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2019. Qua đó, tạo cơ sở cho quản lý thuế cũng như cho người nộp thuế thực hiện thống nhất, đúng quy định của pháp luật. Nghị định 126/2020/NĐ-CP có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh người nộp thuế có quyền và nghĩa vụ sau:
  • Không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
  • Không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.
  • Phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Nguồn ảnh: Internet

Thứ hai, bổ sung quy định về hồ sơ khai thuế trong trường hợp người nộp thuế có nhiều hoạt động kinh doanh. Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, trường hợp cùng một loại thuế mà người nộp thuế có nhiều hoạt động kinh doanh thì sẽ thực hiện khai chung trên một hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp trong các hoạt động kinh doanh của người nộp thuế có một trong các hoạt động kinh doanh dưới đây sẽ phải lập hồ sơ khai thuế riêng, tương ứng với từng loại thuế, cụ thể:
  • Nếu có hoạt động xổ số kiến thiết, xổ số điện toán thì người nộp thuế phải lập hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, lợi nhuận sau thuế riêng cho hoạt động xổ số kiến thiết, xổ số điện toán.
  • Nếu có hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì người nộp thuế phải lập hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng riêng cho hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý.
  • Nếu có khoản thu hộ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thì người nộp thuế phải lập hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng riêng cho hoạt động thu hộ.
  • Người nộp thuế đang hoạt động có dự án đầu tư thuộc diện được hoàn thuế giá trị gia tăng thì phải lập hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng riêng cho từng dự án đầu tư; đồng thời phải bù trừ số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho từng dự án đầu tư với số thuế giá trị gia tăng phải nộp (nếu có) của hoạt động, kinh doanh đang thực hiện cùng kỳ tính thuế.
  • Người nộp thuế được giao quản lý hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổ chức nhưng không thành lập pháp nhân riêng thì thực hiện khai thuế riêng đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh theo thỏa thuận tại hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Thứ ba, bổ sung quy định chi tiết về việc khai bổ sung hồ sơ thuế. Theo đó, khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định người nộp thuế sẽ khai bổ sung cho từng hồ sơ thuế có sai, sót kèm theo các hồ sơ, tài liệu sau:
  • Trường hợp khai bổ sung không làm thay đổi nghĩa vụ thuế thì người nộp thuế chỉ phải nộp Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan, không phải nộp Tờ khai bổ sung. Trong đó: 
    1. Trường hợp người nộp thuế chưa nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì sẽ khai bổ sung hồ sơ khai thuế của tháng, quý có sai, sót, đồng thời tổng hợp số liệu khai bổ sung vào hồ sơ khai quyết toán thuế năm.
    2. Trường hợp người nộp thuế đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm; riêng trường hợp khai bổ sung tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công thì đồng thời phải khai bổ sung tờ khai tháng, quý có sai, sót tương ứng.
  • Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung dẫn đến tăng số thuế phải nộp hoặc giảm số thuế đã được ngân sách nhà nước hoàn trả thì phải nộp đủ số tiền thuế phải nộp tăng thêm hoặc số tiền thuế đã được hoàn thừa và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước (nếu có).
Trường hợp khai bổ sung chỉ làm tăng hoặc giảm số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau thì phải kê khai vào kỳ tính thuế hiện tại. Người nộp thuế chỉ được khai bổ sung tăng số thuế giá trị gia tăng đề nghị hoàn khi chưa nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế tiếp theo và chưa nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế.

Ngoài các nội dung nổi bật nói trên, Nghị định 126/2020/NĐ-CP còn quy định chi tiết một số nội dung liên quan đến việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, trừ nội dung quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, áp dụng hoá đơn, chứng từ, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hoá đơn, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan,..

Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 05/12/2020.

Vietthink News.







Cập nhật: 01/12/2020
Lượt xem:5244