Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Chính Phủ siết chặt quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Ngày 05/9/2019 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2019/NĐ-CP quy định Quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước ("Nghị định 73/2019/NĐ-CP"). Nghị định 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin bao gồm: (1) Dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước; (2) Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước; (3) Dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên hoặc lớn nhất trong tổng mức đầu tư của dự án. Chính phủ khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn khác áp dụng các quy định tại Nghị định 73/2019/NĐ-CP. Nghị định 73/2019/NĐ-CP không điều chỉnh các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin thuộc diện bí mật nhà nước.
Nghị định 73/2019/NĐ-CP được ban hành trong bối cảnh Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục những nỗ lực nhằm thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, đón đầu cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của nhà nước và quản lý của địa phương sẽ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương. Việc quản lý và thực hiện các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin cũng phải được quản lý chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả, an toàn nguồn vốn nhà nước. Nghị định 73/2019/NĐ-CP có các điểm đáng chú ý sau đây:
Thứ nhất, Nghị định 73/2019/NĐ-CP khuyến khích áp dụng hình thức gói thầu hỗn hợp đối với các dự án có hạng mục đầu tư xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ. Tùy theo tính chất, quy mô của dự án, người có thẩm quyền quyết định đầu tư có trách nhiệm xem xét, quyết định hình thức thực hiện phù hợp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hiệu quả của dự án. Trường hợp áp dụng hình thức gói thầu hỗn hợp thì việc triển khai thực hiện dự án theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và quy trình đấu thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các văn bản pháp luật có liên quan.
 
Nguồn ảnh: Internet.

Thứ hai, quy định về dự án ứng dụng công nghệ thông tin phải được quản lý phù hợp với nguồn vốn sử dụng và tính chất, cụ thể: 
  • Đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước, thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công và các quy định về quản lý chi phí, quản lý chất lượng tại Mục 2 Chương II của Nghị định này.
  • Đối với dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước (dự án thuê), trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công và các quy định về quản lý chi phí, quản lý chất lượng tại Mục 3 Chương II của Nghị định này.
  • Trường hợp dự án có sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin chưa sẵn có trên thị trường, nếu cần thiết, chủ đầu tư xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền để lựa chọn các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất giải pháp, phương án kỹ thuật, công nghệ; xây dựng, thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ. Các tổ chức, cá nhân nói trên chịu mọi chi phí phát sinh (nếu có). Sau khi thử nghiệm thành công, xác định được giải pháp kỹ thuật, công nghệ, chi phí, chủ đầu tư tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định.
  • Đối với trường hợp dự án trong lĩnh vực khác có hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin, việc quản lý chi phí, quản lý chất lượng hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin đó thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Thứ ba, Nghị định cũng quy định về quản lý hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm:
  • Nghị định quy định về quản lý thực hiện hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước.
  • Nghị định cũng quy định cụ thể thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng, việc lập kế hoạch thuê, dự toán thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng, thẩm định, phê duyệt kế hoạch thuê...
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, Nghị định 102/2009/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Vietthink News.

Cập nhật: 27/09/2019
Lượt xem:3649