Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Chính phủ tăng cường siết chặt quản lý trong lĩnh vực Du lịch

Ngày 21/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch (“Nghị định 45/2019/NĐ-CP”). Nghị định 45/2019/NĐ-CP được kết cấu gồm 4 Chương, 29 Điều, được xây dựng trên cơ sở: (i) Chi tiết hóa các quy định mới được quy định trong Luật Du lịch 2017; (ii) Điều chỉnh các quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP, Nghị định 28/2017/NĐ-CP hiện không phù hợp, đồng thời; (iii) Phù hợp với chủ trương cải cách hành chính trong lĩnh vực Du lịch cũng như tinh thần hội nhập quốc tế của Chính phủ.
 

(Ảnh minh họa: Nguồn: Internet)

Dưới đây là một số nội dung đáng chú ý của Nghị định 45/2019/NĐ-CP:

Thứ nhất, bổ sung các hành vi vi phạm mới để phù hợp với quy định của Luật Du lịch 2017, chẳng hạn:
- Bổ sung hành vi “kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa không ký quỹ tại ngân hàng” bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng (Quy định tại khoản 11 Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP);
- Bổ sung hành vi “phân biệt đối xử với khách du lịch, tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ” bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định 45/2019/NĐ-CP);

Thứ hai, bỏ các hành vi vi phạm không còn phù hợp với quy định của Luật Du lịch 2017 hiện đang được quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP, Nghị định 28/2017/NĐ-CP, chẳng hạn:
- Bỏ hành vi “không thông báo bằng văn bản về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh lữ hành cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp chính thức hoạt động kinh doanh” (Quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định 158/2013/NĐ-CP);
- Bỏ hành vi “sử dụng người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa không đủ ba năm làm việc trong lĩnh vực lữ hành” (Quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định 158/2013/NĐ-CP);

Thứ ba, bổ sung một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch hiện được quy định rải rác tại một số các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính khác của Chính phủ có liên quan, chẳng hạn:
- Bổ sung hành vi “không xuất trình được danh sách khách du lịch theo quy định” tại điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 45/2019/NĐ-CP. Hành vi này hiện được quy định tại điểm h Khoản 5 Điều 23 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
- Bổ sung hành vi “Không có hợp đồng vận tải khách du lịch theo quy định” tại điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định 45/2019/NĐ-CP. Hành vi này hiện được quy định tại điểm h Khoản 5 Điều 23 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Ngoài ra, Nghị định 45/2019/NĐ-CP còn bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính,.. Thông qua việc ban hành Nghị định 45/2019/NĐ-CP, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao độ trong việc tăng cường siết chặt quản lý trong lĩnh vực Du lịch, nhất là trong bối cảnh Du lịch được xác định là ngành “mũi nhọn” của nền kinh tế.
Nghị định 45/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2019.

Vietthink News.
Cập nhật: 12/07/2019
Lượt xem:2336