Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Giám đốc Công ty Luật Vietthink dự Tọa đàm góp ý dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)

Ngày 06/5/2020 tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuộc Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tham gia Tọa đàm có ông Nguyễn Văn Phúc – Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, PGS. TS. Trần Chủng - Chủ tịch VARSI, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; Ls Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch VIAC, đại diện Cục Đấu thầu (Bộ KH-ĐT), đại diện một số bộ, ngành cùng các chuyên gia, trọng tài viên, các nhà đầu tư, lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ. Luật sư Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, Trọng tài viên VIAC được mời tham dự Tọa đàm với tư cách chuyên gia pháp lý và báo cáo viên.

 

Tại cuộc Tòa đàm, các chuyên gia pháp lý, luật sư, nhà làm luật và đại diện doanh nghiệp đã trao đổi, góp ý thẳng thắn về nhiều vấn đề trong Dự thảo Luật, như các lĩnh vực kêu gọi đầu tư PPP; trình tự, thủ tục lập và phê duyệt dự án PPP; thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; thành lập và hoạt động của doanh nghiệp PPP; ký kết và thực hiện hợp đồng PPP; vấn đề công nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với tài sản hình thành từ dự án PPP; vấn đề chia sẻ doanh thu dự án; quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng PPP và giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng PPP, v.v…


 

Phát biểu tại cuộc Tọa đàm, Luật sư Lê Đình Vinh cho rằng Luật PPP lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, do đó cần phải có sự tham khảo kinh nghiệm của các nước và thông lệ trên thế giới. Hầu hết các loại hợp đồng PPP được đưa vào Dự thảo Luật lần đều áp dụng phương thức nhượng quyền (concession). Về phương diện lý thuyết, phương thức này mức độ tham gia của nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án là rất sâu, và rủi ro cũng rất lớn, nên không thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư. Do vậy, dựa trên kinh nghiệm các nước, cần lựa chọn và bổ sung vào Dự thảo Luật các hình thức hợp đồng khác trong quan hệ đối tác công tư có tính linh hoạt hơn, có mức độ can dự của nhà đầu tư ít hơn và rủi ro thấp hơn để tăng thêm sự hấp dẫn và tăng cơ hội lựa chọn cho nhà đầu tư. 

Luật sư Lê Đình Vinh cũng cho rằng Dự thảo Luật cần bổ sung thêm một số vấn đề sau vào nội dung cơ bản của hợp đồng PPP để làm rõ cam kết và trách nhiệm của các bên khi tham gia vào dự án như: Lộ trình tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án PPP theo tiến độ triển khai dự án; Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trong hợp đồng dự án PPP, trong đó, cần nhấn mạnh trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP trong việc gánh chịu các rủi ro về tài sản và hoạt động đầu tư dự án PPP; Cam kết và bảo đảm của các bên trong hợp đồng PPP…


 

Ngoài ra, quy định về cơ chế chia sẻ doanh thu trong Dự thảo Luật cũng được các đại biểu bàn luận sôi nổi. Ông Nguyễn Ngọc Thảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng cho rằng nếu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chia sẻ phần tăng doanh thu Nhà nước đối với mọi dự án PPP thì Nhà nước cũng cần có sự chia sẻ tương xứng phần giảm doanh thu với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tại các dự án PPP nói chung chứ ko phải chỉ với các dự án đáp ứng đầy đủ các điều kiện như Dự thảo đặt ra như hiện nay.

Còn theo Luật sư Lê Đình Vinh, để đảm bảo sự công bằng thì cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu với Nhà nước cũng chỉ nên áp dụng với một số dự án PPP khi thỏa mãn những điều kiện nhất định, tương tự trường hợp áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu. Chẳng hạn, việc chia sẻ phần tăng doanh thu với Nhà nước chỉ nên áp dụng đối với một số loại hợp đồng PPP và đối với các dự án PPP có những lợi thế rõ rệt về tăng trưởng doanh thu ngay từ khi lập và phê duyệt dự án, không áp dụng đối với các dự án PPP đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng tại các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo… như một biện pháp ưu đãi đầu tư để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP đầu tư vào các địa bàn này.

Trước đó, tại phiên họp UBTV Quốc hội sáng 20/4, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh vấn đề chia sẻ rủi ro là một vấn đề quan trọng của Dự thảo Luật lần này và ủng hộ một cơ chế chia sẻ rủi ro công bằng, công khai, minh bạch và hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án PPP.

Kết quả cuộc Tọa đàm sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp và báo cáo đến Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu và hoàn thiện nội dung Dự thảo Luật PPP. Theo dự kiến, Luật PPP sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2020.
Vietthink News




Cập nhật: 08/05/2020
Lượt xem:3232