Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Gỡ “nút thắt” hưởng Bảo hiểm thất nghiệp hậu Covid 19

Dịch Covid-19 đã tác động toàn diện tới nền kinh tế thế giới và Việt Nam, trong đó người lao động là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê ghi nhận đến giữa tháng 4-2020 có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên do ảnh hưởng của Dịch. Nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/05/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) (“Nghị định 61/2020/NĐ-CP”), trong đó có nhiều điều chỉnh kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động được hưởng BHTN.

“Nới lỏng” điều kiện nhận hỗ trợ BHTN

Mặc dù thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ Người sử dụng lao động (NSDLĐ) về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động (NLĐ) như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội,... Tuy nhiên, trên thực tế số lượng NSDLĐ được hỗ trợ còn hạn chế, xuất phát từ điều kiện tương đối cao so với khả năng đáp ứng trên thực tế của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh cả NLĐ và NSDLĐ đều gặp khó khăn trong Đại dịch Covid-19, để tháo gỡ vướng mắc nói trên, Nghị định 61/2020/NĐ-CP đã giảm điều kiện để NSDLĐ được nhận hỗ trợ, cụ thể: NSDLĐ gặp khó khăn dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 30 lao động trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng dưới 200 lao động (Khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2015/NĐ-CP trước đây quy định từ 30% hoặc từ 50 lao động trở lên đối với NSDLD có sử dụng từ 300 lao động trở xuống); từ 50 lao động trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng từ 200 đến 1.000 lao động (Khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2015/NĐ-CP trước đây quy định từ 50 lao động trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng từ 300 lao động trở xuống); từ 100 lao động trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng trên 1000 lao động, không kể lao động giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 1 tháng (Khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2015/NĐ-CP trước đây quy định từ 100 lao động trở lên đối với NSDLĐ có sử dụng trên 300 lao động, không kể lao động giao kết HĐLĐ với thời hạn dưới 03 tháng).

 
(Nguồn ảnh: Internet)

Mở rộng đối tượng được tham gia BHTN

Theo đó, khoản 4 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP cũng mở rộng các trường hợp NLĐ được xác định là đang đóng BHTN, bao gồm:
  • Thứ nhất, NLĐ đã đóng BHTN của tháng chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
  • Thứ hai, NLĐ đã đóng BHTN của tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
  • Thứ ba, NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
  • Thứ tư, NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
  • Thứ năm, NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Theo khoản 6, khoản 12 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP quy định thành phần hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề, NLĐ sẽ không bắt buộc phải nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc mà có thể nộp bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho NLĐ. 
Ngoài ra, Nghị định 61/2020/NĐ-CP còn có nhiều sửa đổi đáng chú ý khác về phương thức chuyển kinh phí chi quản lý BHTN, thủ tục để được hưởng bảo hiểm y tế, thành phần Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề,... 

Nghị định 61/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020.

Vietthink News.

Cập nhật: 04/06/2020
Lượt xem:3903