Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Hàng loạt các quy định quan trọng có hiệu lực từ ngày 1/3/2016

Nâng tốc độ của xe cơ giới khi qua khu đông dân cư

Theo quy định của Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/3/2016 về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ, tốc độ tối đa của hầu hết phương tiện tăng thêm 10 km/h cả trong và ngoài khu dân cư. Cụ thể: tốc độ tối đa trên đường bộ (trừ đường cao tốc), trong khu vực đông dân cư của ô tô là 60km/h nếu chạy trên đường đôi (có dải phân cách giữa) hoặc đường một chiều có từ hai làn xe trở lên và 50km/h nếu chạy trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có một làn xe.

Tốc độ tối đa trên đường bộ (trừ đường cao tốc), trong khu vực đông dân cư của ô tô là 60km/h nếu chạy trên đường đôi (có dải phân cách giữa) hoặc đường một chiều có từ hai làn xe trở lên.

Ở ngoài khu vực đông dân cư, tốc độ tối đa cho phép của xe ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ hai làn xe là 90km/h; xe ô tô chở người trên 30 chỗ là 80km/h; xe bus là 70km/h… Trên đường hai chiều không có dải phân cách hoặc đường một chiều có một làn, tốc độ tối đa cho phép của các loại xe ô tô này lần lượt là 80km/h; 70km/h và 60km/h…

Đối với xe máy khi tham gia giao thông (trừ đường cao tốc), tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ nhưng không quá 40km/h. Trên đường cao tốc, người điều khiển ô tô, xe máy phải tuân thủ tốc độ tối đa không quá 120km/h.

 


Hộ gia đình phải nộp tiền để bảo vệ đất trồng lúa

Theo Thông tư 18/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều Nghị định35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7/3/2016 quy định, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để bảo vệ phát triển đất trồng lúa.

Cụ thể, mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa = Tỷ lệ phần trăm (x) Diện tích (x) Giá của loại đất trồng lúa.

Trong đó: Tỷ lệ phần trăm (%) xác định số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa bàn của địa phương, nhưng không thấp hơn 50%.

Diện tích là phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp ghi cụ thể trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.

Giá của loại đất trồng lúa tính theo bảng giá đất đang được áp dụng tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Tăng viện phí 2-7 lần từ ngày 1/3/2016

Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch 37/2016/TTLT-BYT-BTC  quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó, kể từ ngày 1/3/2016, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ tăng từ 2 - 7 lần khi cộng thêm các chi phí tiền lương, chi phí phẫu thuật, thủ thuật vào giá.

Lần điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này được tính các chi phí: Trực tiếp (thuốc, dịch truyền, hóa chất, điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ…); chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; chi phí tiền lương theo lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Thông tư, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh gồm: Giá dịch vụ khám bệnh; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá các dịch vụ kỹ thuật.

Thông tư được chia làm 2 lộ trình thực hiện: từ 1/3 thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật); từ 1/7 mức giá gồm cả tiền lương. Thời điểm thực hiện cụ thể của các đơn vị, địa phương do Bộ Y tế xem xét, quyết định.

Thông tư nêu rõ, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương kể từ ngày 1/3/2016.

Cụ thể, tiền khám bệnh từ 1/3/2016 vẫn không thay đổi so với khung giá "kịch trần" quy định trong Thông tư 04 của Bộ Y tế mà hiện các bệnh viện (BV) đang áp dụng. Cụ thể, tiền khám bệnh trong tháng 3 ở BV hạng 1 vẫn là 20.000 đồng/lượt khám; BV hạng 2 là 15.000 đồng, BV hạng 3 là 10.000 đồng, BV hạng 4 là 7.000 đồng. Và từ 1/7, tiền khám sẽ tăng lên tương đương các hạng BV là 39.000 đồng; 35.000 đồng, 31.000 đồng và 29.000 đồng.

Còn tiền giường bệnh có sự thay đổi mạnh mẽ. Tháng 3, tiền giường điều trị hồi sức tích cực ở BV hạng đặc biệt tăng từ 335.000 lên 354.000 đồng, còn tháng 7 tăng lên 677.000 đồng/người, BV hạng 1 là 354.000 và 632.000 đồng; BV hạng 2 là 350.000 và 568.000 đồng… Tiền giường bệnh nội khoa BV hạng 1 tăng từ 80.000 đồng lên 99.000 và 215.000 đồng (vào tháng 7)…

Ngoài ra, các dịch vụ thủ thuật, phẫu thuật khác đều có giá như nhau ở mọi hạng BV. Cụ thể, nội soi dịch vụ có sinh thiết, giá cũ 410.000 đồng, giá mới 525.000 đồng, giá tháng 7 là 621.000 đồng. Nội soi ổ bụng giá "kịch trần" trong Thông tư 04 là 575.000 đồng tăng lên 684.000 đồng vào tháng 3, tháng 7 là 793.000 đồng...

 


Trợ cấp khó khăn đột xuất cho thân nhân chiến sĩ công an

Có hiệu lực từ 1/3, Nghị định số 05/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong ngành Công an nhân dân. Theo đó, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị một lần tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần.

Gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến nhà ở bị sập, trôi, cháy hoặc phải di dời chỗ ở được trợ cấp 3.000.000 đồng/suất/lần. Mỗi đối tượng trên chỉ được trợ cấp không quá 2 lần trong năm.

Ngoài ra, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần, mất tích cũng được trợ cấp 2.000.000 đồng/suất.

Nhiều quy định mới về thành lập Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam

Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ 10/3/2016.

Nghị định quy định cụ thể về lập văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; nghĩa vụ của thương nhân nước ngoài đối với hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh; thẩm quyền cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện; quy định về việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện, giấy phép thành lập chi nhánh; hoạt động, quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện, chi nhánh; chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh; quản lý Nhà nước đối với hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh.

Vietthink News

Cập nhật: 03/10/2016
Lượt xem:3821