Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho làng nghề

Căn cứ Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 của HĐND Thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội, ngày 04/05/2020, Ủy ban nhân dân (“UBND”) thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND về việc Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho làng nghề trên địa bàn Thành phố năm 2020.

Thế nào là nhãn hiệu tập thể?

Căn cứ theo quy định tại khoản 17 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa/dịch vụ của các thành viên tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa/dịch vụ của cá nhân, tổ chức khác không phải là thành viên của tổ chức sở hữu nhãn hiệu đó.

Ví dụ: Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê được thành lập với mục đích tập hợp hàng ngàn hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất, chế biến kinh doanh hồ tiêu Chư Sê. Năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho Hiệp hội. Việc xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu của Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu của Hiệp hội trên thị trường.

  

Kế hoạch hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho làng nghề trên toàn quốc

Trước đây, Kế hoạch này đã được triển khai và thực hiện tại nhiều tỉnh thành Việt Nam, ví dụ:
  • Tại Long An: Thực hiện Kế hoạch số 150/KH-SKHCN, ngày 27/02/2018 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An về thực hiện hỗ trợ xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sáng tạo và nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh, Sở cùng các đơn vị liên quan đã tiến hành lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Rừng Dầu.
      

Việc xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu của HTX từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu của HTX trên thị trường theo xu thế đổi mới, cạnh tranh để phát triển.
  • Tại Quảng Trị: Năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã hỗ trợ đăng ký xác lập, bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rượu nếp truyền thống men lá Ba Nang. Nhãn hiệu này hiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể cho Hội Sản xuất và Kinh doanh rượu men lá Ba Nang, xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Việc được xác lập, bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rượu nếp truyền thống men lá Ba Nang là tiền đề đưa ngành dịch vụ ẩm thực phục vụ du lịch của huyện Đakrông có bước phát triển mới.
   
  • Tại Gia Lai: Dưới sự hỗ trợ của Sở Khoa học & Công nghệ, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang - HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, đã xác định tầm quan trọng của việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm của đơn vị mình và nhanh chóng đăng ký, xây dựng thành công thương hiệu Tiêu Lệ Chí.
 

Triển khai thực hiện kế hoạch Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho làng nghề tại Hà Nội.

Nhận biết được tầm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho làng nghề, ngày 04/05/2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND về việc Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho làng nghề trên địa bàn Thành phố năm 2020.

Theo số liệu của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội, trong số 8.852 làng có nghề và 965 làng nghề được công nhận của cả nước, Hà Nội có 1.350 làng có nghề (15,25%) và 286 làng nghề được công nhận (30%). Các làng nghề đã thu hút hàng vạn lao động thời vụ, tạo việc làm thường xuyên và là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn gia đình.

Theo Kế hoạch đề ra, đối tượng được hỗ trợ là các làng nghề đang làm thủ tục đề nghị công nhận và các làng nghề đã được UBND Thành phố công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống có nhu cầu hỗ trợ và được UBND quận, huyện, thị xã có văn bản đề nghị hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể từ nguồn ngân sách Thành phố. Đại diện làng nghề sẽ là đơn vị được các thành viên của làng nghề, làng nghề truyền thống ủy quyền có xác nhận của UBND cấp xã, gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệp hội làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác.

Nội dung hỗ trợ bao gồm:
  • Đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và phát triển thương hiệu;
  • Tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho thương hiệu làng nghề;
  • Đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (logo) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho thương hiệu làng nghề;
  • Hỗ trợ các hoạt động truyền thông, maketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề; và
  • Tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Thành phố.
Phối hợp thực hiện nội dung nêu trên sẽ gồm có các tổ chức: (1) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (2) Sở Tài chính, (3) Sở Công Thương, (4) UBND các quận, huyện, thị xã và (5) Đại diện của các làng nghề.

Ý nghĩa của việc Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể

Một mặt, việc Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề nhằm phát huy giá trị văn hóa của các làng nghề truyền thống dân tộc, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, nâng cao danh tiếng vốn có của các làng nghề trên thị trường trong và ngoài nước;

Mặt khác, do sự đô thị hóa mà các sản phẩm làng nghề đang dần bị mai một bởi những sản phẩm công nghệ hiện đại. Trong nền kinh tế hội nhập, các sản phẩm này có nguy cơ phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại kém chất lượng, gắn nhãn hiệu giả mạo, vì vậy, việc xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu tập thể là giải pháp tạo ra bước phát triển bền vững, phát huy lợi thế của làng nghề, đồng thời bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm làng nghề đối với người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ.

Khi nhãn hiệu tập thể của sản phẩm làng nghề được bảo hộ, trong quá trình phát triển trên thị trường sẽ trở thành thương hiệu có vị thế và uy tín với người tiêu dùng, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cũng như góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thông tin tham khảo:
  • https://congthuong.vn 
  • http://baolongan.vn
  • http://quangtritv.vn 
  • https://gialai.gov.vn
Vietthink News.








Cập nhật: 19/02/2021
Lượt xem:5998