Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Hoạt động xúc tiến thương mại có nhiều thay đổi kể từ ngày 15/7/2018

Ngày 22/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại (“Nghị định 81/2018/NĐ-CP”) thay thế Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 04/04/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại (“Nghị định 37/2006/NĐ-CP”). Những quy định mới trong Nghị định 81/2018/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng hơn, bám sát thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động xúc tiến thương mại, từ đó khuyến khích sự phát triển của thị trường.

Dưới đây là một số thay đổi nổi bật trong hoạt động xúc tiến thương mại được ghi nhận tại Nghị định 81/2018/NĐ-CP:

Thứ nhất, Nghị định 81/2018/NĐ-CP xác định lại thương nhân thực hiện xúc tiến thương mại.

Theo đó, nếu như Nghị định 37/2006/NĐ-CP trước đây quy định chung thương nhân thực hiện xúc tiến thương mại bao gồm: Thương nhân trực tiếp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại và thương nhân kinh doanh dịch vụ xúc tiến thương mại thì Nghị định 81/2018/NĐ-CP đã quy định riêng đối với thương nhân thực hiện khuyến mại và thương nhân trực tiếp tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại. Cụ thể:

  • Thương nhân thực hiện khuyến mại, gồm: (i) Thương nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp thực hiện khuyến mại hoặc thực hiện khuyến mại thông qua các thương nhân phân phối (bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại và các thương nhân phân phối khác theo quy định của pháp luật); (ii) Thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác theo thỏa thuận với thương nhân đó.

  • Thương nhân trực tiếp tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại, gồm: (i) Thương nhân tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại hoặc tổ chức cho các thương nhân khác, tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm thương mại (thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại); (ii) Thương nhân trực tiếp hoặc thuê thương nhân khác tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại cho riêng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh.

Thứ hai, Nghị định 81/2018/NĐ-CP đã bổ sung thêm nguyên tắc không được sử dụng kết quả xổ số để làm kết quả xác định trúng thưởng, làm căn cứ để tặng, thưởng trong các chương trình khuyến mại theo hình thức quy định tại khoản 5, khoản 6 và khoản 9 Điều 92 Luật Thương mại.

Thứ ba, Nghị định 81/2018/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp được khuyến mại với mức giảm giá tối đa của hàng hóa, dịch vụ là 100%, thay vì chỉ giới hạn 50% như trước đây.

Đó là các trường hợp: Các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại); Các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Tuy nhiên, việc áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mại giảm giá được loại trừ đối với: (i) Hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước; (ii) Hàng thực phẩm tươi sống; (iii) Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm công khai thông tin về hoạt động xúc tiến thương mại (bao gồm: khuyến mại, hội chợ, triển lãm thương mại) của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp: (i) Đã được thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước; (ii) Đã được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận đăng ký; (iii) Đã bị cơ quan quản lý nhà nước xử lý vi phạm theo quy định.

Ngoài ra, Nghị định 81/2018/NĐ-CP cũng đã quy định rõ nội dung liên quan đến các hình thức khuyến mại; thủ tục thông báo, đăng ký hoạt động khuyến mại; trình tự, thủ tục đăng ký tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại,..
Nghị định 81/2018/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/07/2018./.
Vietthink News
Cập nhật: 02/10/2018
Lượt xem:3953