Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

HỘI THẢO QUỐC TẾ: LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ: HIỆN TẠI VÀ MỘT THẬP KỶ TỚI

Ngày 11 và 12 tháng 7 năm 2023, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Luật Thương mại quốc: Hiện tại và một thập kỷ tới”. 

Hội thảo có sự tham gia của các Giáo sư, Phó giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nguyên cán bộ và đại diện các Cơ quan, tổ chức, các luật sư, chuyên gia pháp lý trong nước và quốc tế tham gia tham luận. 

Vietthink hân hạnh là Nhà tài trợ cho chương trình Hội thảo Quốc tế này, đồng thời, ThS., Ls. Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Công ty Luật Vietthink cùng tham gia tham luận tại Hội thảo.

Ảnh: Đại biểu tham gia tham luận trực tiếp tại Hội thảo 

Phát biểu mở màn Hội thảo, PGS., TS. Nguyễn Thị Quế Anh cho biết Trường Đại học Luật – ĐHQG HN hiện là thành viên của Hiệp hội Quốc tế các trường luật (IALS), Diễn đàn công lý thế giới (WJF) và tham gia nhiều mạng lưới học thuật uy tín như Hiệp hội Nghiên cứu Hiến pháp Châu Á (AACS), Hiệp hội Luật và Xã hội Châu Á (ALSA)…Ngoài công tác giảng dạy và hợp tác nghiên cứu qua các dự án khác, hàng năm Trường rất chú trọng đến việc tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế. Ngay cả trong thời gian ngành giáo dục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid (giãn cách, cách ly, việc giảng dạy thực hiện online,…), Trường đã phối hợp với nhiều cơ sở học thuật ở Việt Nam và một số nước như Úc, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ai-len, Ấn Độ…duy trì hoạt động này. Hội thảo này là một trong số các hội thảo quốc tế đó, được tổ chức dành riêng cho ngành Luật TMQT, nội dung tập trung đến các vấn đề từ tổng kết kinh nghiệm đào tạo giảng dạy, xem xét tiêu chuẩn tuyển dụng của các đơn vị trực tiếp sử dụng nguồn nhân lực ngành Luật TMQT, đến các vấn đề chuyên môn sâu và vấn đề mới có ảnh hưởng và định hình sự phát triển của Luật TMQT ở hiện tại và trong tương lai 1 thập kỷ tới.

Với đặc điểm và bối cảnh đó, hội thảo quốc tế với chủ đề “Luật Thương mại Quốc tế: Hiện tại và một thập kỷ tới” là cơ hội quý báu để các nhà khoa học ở các quốc gia trình bày và thảo luận các vấn đề quan tâm nêu trên. Hội thảo gồm 3 phiên và hơn 20 bài tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nguyên cán bộ các cơ quan, tổ chức về thương mại quốc tế.


Dẫn đề cho Phiên thảo luận thứ nhất, Ts. Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO hội nhập, VCCI đã chỉ ra những nhân tố làm thay đổi chính sách và pháp luật TMQT, đã đặt ra thách thức cho Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách và quy định của pháp luật về TMQT của Vietthink trong giai đoạn mới.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, có nhiều nhân tố gây ảnh hưởng tới chính sách TMQT trong giai đoạn hiện nay, nhưng có ba nhân tố chính gồm: (i) Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi sản xuất toàn cầu, thúc đẩy nhận thức về phát triển xanh, vai trò của công nghệ, vai trò điều tiết và hỗ trợ của Nhà nước trong bối cảnh mới; (ii) Chiến tranh Nga – Ukraina làm đứt gãy một số chuỗi cung liên quan đến Nga và Ukraina, đặc biệt liên quan đến năng lượng, thực phẩm; một số biện pháp “trả đũa” giữa các quốc gia làm ảnh hưởng đến TMQT; (iii) Một số yếu tố khác đã manh nha từ trước nhưng giai đoạn này bắt đầu thể hiện rõ ràng hơn và có xu hướng gia tăng mạnh hơn như: bảo hộ thương mại và các hành động đơn phương của một số quốc gia thay vì đa phương, dẫn đến việc tạo ra sự phân mảnh về chính sách quốc tế, dòng tiền đầu tư, phân chia lại các nhóm lợi ích.


Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trở thành quốc gia duy nhất đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh hay Nga. Nổi bật nhất trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các FTA này cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều lợi thế rất lớn, thúc đẩy hoạt động giao thương, xuất khẩu hàng hóa phát triển, mang sản phẩm Việt Nam, thương hiệu từ Việt Nam chạm đến tay người tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Chỉ sau vài năm, Hiệp định có hiệu lực, thực tiễn đã chứng minh hai khu vực thị trường CPTPP và EVFTA sở hữu dư địa lớn với rất nhiều tiềm năng khi liên tục gia tăng nhập khẩu hàng hóa đến từ Việt Nam.

Liên quan đến nội dung này, các diễn giả đã có nhiều tham luận về các lĩnh vực, nội dung quan trọng có tác động và liên quan đến việc xây dựng các chính sách, quy định pháp luật về TMQT của Việt Nam:

  • Tham luận về một số đặc thù của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên và xu hướng phát triển của các FTA giữa ASEAN và các đối tác ngoài khối của Ts. Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp luật thương mại, tài chính và tổng hợp, Vụ Pháp chế quốc tế, Bộ Tư pháp;
  • Tham luận về việc áp dụng quy định của WTO và FTA vào cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon và các khuyến nghị cho Việt Nam của PGS., TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng Khoa Luật, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội;
  • Tham luận về Xây dựng các quy tắc quốc tế về thương mại quốc tế, thương mại điện tử và truyền dữ liệu xuyên biên giới: Phân tích từ EVFTA và CPTPP của PGS., TS. Trần Anh Dũng - Trưởng khoa Khoa Luật Quốc tế, trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.
  • Tham luận về Lồng ghép các nhu cầu cấp khu vực vào cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp đã phương giữa nhà đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư: Đề xuất cho ASEAN của Ts. Charalampos Giannakopoulos – Trung tâm Luật Quốc tế (CIL), Đại học quốc gia Singapore.
  • Tham luận về Nghĩa vụ thương mại quốc tế của lệnh cấm nhập khẩu của Hoa Kỳ đối với đá quý Myammar và ý nghĩa của nó đối với ngành công nghiệp đã quý Thái Lan của Gs. Jaruprara Rakpong – Phó Giám đốc Chương trình Luật Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Khoa Luật, Đại học Thammasat, Thái Lan.
Một trong các lĩnh vực có vai trò quan trọng trong TMQT là hàng hải, đặt ra cho Việt nam nhiều cơ hội và thách thức trong việc xây dựng và hoàn thiện khung thể chế tạo thuận lợi cho TMQT trong lĩnh vực này như: cơ hội phát triển hệ thống cảng biển hiện đại, phát triển tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ hội tăng trường mạng cùng nên kinh tế toàn cầu nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức như: ùn tắc giao thông, hệ thống xử lý hàng háo và thanh toán hải quan chưa thực sự tân tiến, thách thức về yêu cầu chuyển đổi số, kết nối hệ thống cộng đồng cảng, …. là các nội dung được Ts. Nguyễn Thị Như Mai (Nguyên hàm Vụ trưởng Vụ pháp luật – Văn phòng Chính phủ, Giảng viên Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật ĐHQG HN) phát biểu tại Phiên 2 của Hội thảo. Cùng tham luận về khung pháp luật TMQT trong lĩnh vực hàng hải, ThS. Nguyễn Đình Thuý Hường – Phó trưởng khoa Khoa Hàng hải, trường Đại học Hàng hải) đã tham luận sâu hơn về những thách thức đặc thù về luật kinh doanh quốc tế trong bối cảnh kỷ nguyên số.


Thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới và là lĩnh vực có tác động rất mạnh mẽ đến TMQT. Trong số 15 FTA Việt Nam đã ký kết và tham gia, có 3 Hiệp định FTA thế hệ mới gồm: EVFTA, CPTPP và RCEP đều có những đàm phán và cam kết trong lĩnh vực này nhằm tạo thuận lợi và đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên. Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do cho thấy rõ mục tiêu của Việt Nam trong việc kết nối ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu.

Tham gia vào sân chơi kinh tế số toàn cầu nói chung và thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng là bài toán không ít thách thức và rào cản cần vượt qua. Về mặt pháp lý, Việt Nam đã có chính sách liên quan hoạt động thương mại điện tử nhưng  thực tế thương mại điện tử xuyên biên giới đã và đang phát triển đa dạng nên các quy định này chưa thực sự bao quát đầy đủ, đồng bộ, nhiều vấn đề chưa được đề cập đến, dẫn đến những khó khăn, bất cập trong quản lý. Do đó, tại Hội thảo, nhiều chuyên gia pháp lý đã tham luận liên quan đến lĩnh vực này:

  • Tham luận về Trách nhiệm pháp lý của Nhà cung cấp nền tảng và các vấn đề thương mại kỹ thuật số của Ts. Nany Hur - Học viện thương mại toàn cầu Lee & Ko, Hàn Quốc;
  • Tham luận về Thẩm quyền tài phán trong thương mại điện tử xuyên biên giowis của PGS., TS. Trần Thu Phương;
  • Tham luận về Các vấn đề bảo vệ dữ liệu trong luật kinh doanh quốc tế: Tác động của GDPR đối với thương mại quốc tế của Giáo sư Tamás Fézer – Khoa Luật, Đại học Debrecen, Hungary
  • Tham luận về Khung toàn cầu trong tương lai cho tố tụng thương mại quốc tế - Công ước La Haye năm 2005 và 2019 của Giáo sư Peter Arnt Nielsen - Trường Đại học kinh doanh Copenhagen.

ThS., Ls. Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Vietthink trình bày tham luận tại Hội thảo.
 
Có thể nói Việt Nam đang đứng trước thời cơ và vận hội to lớn để làm chủ sân chơi hội nhập và toàn cầu hóa. Nhưng để tận dụng được thời cơ vận hội đó, bên cạnh việc chuẩn bị thật tốt các nguồn lực khác thì đòi hỏi chúng ta phải xây dựng được một lực lượng nhân sự hùng hậu, am hiểu luật lệ và các quy tắc thực hành trong sân chơi toàn cầu, trong đó có pháp luật TMQT. Đó vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội to lớn cho lĩnh vực đào tạo ngành Luật TMQT. Bởi vậy, Hội thảo đã dành riêng Phiên ba cho chủ đề trên với nhiều tham luận rất đáng quan tâm như:

  • Tham luận về Nhu cầu nguồn nhân lực, yêu cầu về kỹ năng ngành luật thương mại quốc tế của ThS., Ls.  Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink
  • Tham luận về Đào tạo pháp luật thương mại quốc tế: Thời cơ và những Thách thức của GS., TS. Nguyễn Bá Diến – Khoa Luật Quốc tế.
  • Tham luận về Tích hợp “tính bền vững” vào chương trình giảng dạy Luật Thương mại quốc tế: Trường hợp Việt Nam của Ts. Đỗ Việt Cường và ThS. Nguyễn Đức Anh – Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật ĐHQG HN.
  • Tham luận về Án lệ trong giải quyết tranh chấp của WTO: Một số gợi mở trong việc lồng ghép án lệ trong chương trình giảng dạy Luật Thương mại quốc tế tại trường Đại học Luật, ĐHQG HN của PGS., Ts. Nguyễn Tiến Vinh - Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, ĐHQG HN.
Chương trình tham luận tại Hội thảo kết thúc thành công vào ngày 11 tháng 7 năm 2023. Các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia sẽ tiếp tục trao đổi về các chủ đề tham luận.

Vietthink News.

Cập nhật: 12/07/2023
Lượt xem:6174