Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu (Phần II)

Tiếp Phần I - Hợp đồng vô hiệu và Quan hệ giữa hợp đồng chính, hợp đồng phụ khi một trong hai hợp đồng vô hiệu

Phần II - Tuyên bố Hợp đồng vô hiệu và Giải quyết hậu quả của Hợp đồng vô hiệu

Khi giao kết hợp đồng, điều quan trọng mà các bên mong muốn là hợp đồng luôn có hiệu lực và có thể thực thi nhưng vì nhiều lý do mà đôi khi hợp đồng có thể bị vô hiệu. Nhìn một cách tổng thể, quy định pháp luật cơ bản đã giải quyết được những vướng mắc về hợp đồng vô hiệu. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Toà án vẫn phát sinh nhiều bất cập do chưa thống nhất được cách hiểu các quy định pháp luật.

Phần II của bài viết sẽ phân tích và làm rõ các quy định pháp luật về điều kiện tuyên bố Hợp đồng vô hiệu và thực tiễn giải quyết hậu quả của Hợp đồng vô hiệu.



Ảnh: Vietthink.

III. Tuyên bố Hợp đồng vô hiệu

Theo các quy định tại Chương VIII (Giao dịch dân sự) về giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch sẽ bị “tuyên bố vô hiệu” chứ không có quy định “hủy giao dịch” và các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu được áp dụng cho hợp đồng vô hiệu. Vì vậy, đối với hợp đồng vô hiệu thì cũng phải “tuyên bố hợp đồng vô hiệu”. Một số bản án tuyên “hủy hợp đồng vô hiệu” là không đúng vì “hủy hợp đồng” hay “chấm dứt hợp đồng” là chế tài dành cho tranh chấp hợp đồng có hiệu lực.

Theo quy định của điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015, thì các giao dịch được xác lập trước ngày BLDS có hiệu lực thì “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”. Vì vậy, đối với việc xác định thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì không phải áp dụng pháp luật ở thời điểm xác lập mà chỉ áp dụng quy định của BLDS.

Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 132 BLDS, trong đó có một quy định rất quan trọng là: “Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực”. Như vậy, một hợp đồng chỉ vô hiệu về hình thức, sau 2 năm kể từ ngày giao kết không có yêu cầu tuyên bố vô hiệu thì sẽ có hiệu lực mà không cần phải tiếp tục hoàn thiện về hình thức. Chỉ có 2 trường hợp quy định ở khoản 3 Điều 132 thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố không bị hạn chế, đó là trường hợp vô hiệu do giả tạo (Điều 124 BLDS) và trường hợp vô hiệu do “có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội” (Điều 123 BLDS).

Nhưng cần lưu ý rằng không phải cứ thuộc một trong những trường hợp quy định trong BLDS đều bị tuyên bố vô hiệu, ví dụ:
Không phải cứ “vi phạm điều cấm của luật” là trường hợp vi phạm thuộc Điều 123 BLDS.
Ví dụ: Hợp đồng mua bán nhà ở thì pháp luật quy định là phải có công chứng (khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014). Một hợp đồng mua bán nhà ở chưa có công chứng, dù không có các vi phạm khác thì vẫn là vi phạm quy định của Luật Nhà ở. Theo quy định của khoản 9 Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014 thì “Thực hiện các giao dịch mua bán…không đúng quy định của Luật này” là “hành vi bị nghiêm cấm”. Do đó, hợp đồng mua bán nhà không có công chứng là một trường hợp “vi phạm điều cấm của luật”. Tuy nhiên, lại không phải là trường hợp quy định tại Điều 123 BLDS vì là vi phạm về hình thức của hợp đồng chứ không phải “có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của luật”. 

Bên cạnh đó, BLDS 2015 khác với Bộ luật dân sự 2005 ở chỗ BLDS 2015 đã thay đổi cụm từ “vi phạm điều cấm của pháp luật” thành “vi phạm điều cấm của luật” nên phạm vi hợp đồng bị tuyên vô hiệu đã thu hẹp hơn nhiều so với quy định trước đây. Ví dụ như: Hợp đồng mua bán hàng hóa có thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ vô hiệu do trái với quy định tại Pháp lệnh 06/2013/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN nên theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Dân sự 2005 thì khi xét xử Toà án hoàn toàn có thể tuyên bố hợp đồng này vô hiệu. Tuy nhiên, nếu áp dụng Bộ luật Dân sự 2015 để giải quyết thì trường hợp này không bị tuyên bố vô hiệu do căn cứ Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020 quy định Bộ luật, luật được ban hành bởi Quốc hội và Pháp lệnh và Thông tư không phải là những văn bản luật.

Không phải toàn bộ hợp đồng không tuân thủ quy định về hình thức theo Điều 129 BLDS đều bị tuyên bố vô hiệu.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 129 BLDS 2015 quy định giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Tuy nhiên, xoay quanh quy định này vẫn còn một số vấn đề còn bỏ ngỏ liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thứ nhất, quy định này có áp dụng cho giao dịch được xác lập trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực pháp luật (ngày 1-1-2017) hay không? Thứ hai, khi tòa án công nhận hiệu lực hợp đồng thì công việc tiếp theo của các bên là gì? Các bên phải tiến hành thủ tục chuyển nhượng hay bên nhận chuyển nhượng chỉ cần sử dụng bản án (đã công nhận hiệu lực hợp đồng) để được công nhận quyền sử dụng đất? Hai vấn đề trên vẫn chưa được hiểu thống nhất dẫn đến nhiều án bị hủy hoặc bị sửa.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, ngày 14/10/2022, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua Án lệ số 55/2022/AL ngày 07 tháng 9 năm 2022 với nội dung Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập trước ngày 01/01/2017 chưa được công chứng/chứng thực nhưng bên nhận chuyển nhượng đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ của mình thì trong trường hợp này, Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng.

Vì vậy, để đủ căn cứ tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì còn phải xem xét các điều khoản khác có liên quan trong BLDS và các luật chuyên ngành, văn bản hướng dẫn thi hành để xem xét vụ việc có thuộc trường hợp ngoại lệ của trường hợp hợp đồng vô hiệu theo BLDS hay không.

IV. Giải quyết hậu quả của Hợp đồng vô hiệu 

1. Về giải quyết hậu quả của Hợp đồng vô hiệu:

Theo quy định tại Điều 131 BLDS năm 2015, thì khoản 1 là quy định có tính nguyên tắc chung cho việc xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu, đó là: “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch dân sự được xác lập”. 

Tại Khoản 2 quy định: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận…Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả”. Theo quy định của khoản 2 này thì việc trả lại hiện vật là ưu tiên, không thể trả bằng hiện vật được thì mới trả bằng tiền. Trong thực tế, nhiều khi tài sản không còn nguyên vẹn như khi giao nhưng tài sản chính vẫn còn thì vẫn phải trả, phải nhận và được bổ sung bằng việc thanh toán cho nhau những chi phí hợp lý. Đó là hướng xử lý phù hợp với nguyên tắc quy định ở khoản 1.

Tại Khoản 3 quy định: “Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó”. Cần lưu ý phân biệt lợi tức với giá trị tăng thêm của tài sản do biến động của thị trường (lợi tức là “khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản”). Ví dụ: A bán một ngôi nhà cho B. B nhận nhà và trả đủ tiền mua nhà 5 tỷ đồng. B cho thuê nhà trong một năm được 150 triệu đồng. Sau một năm, A và B xác định hợp đồng mua bán nhà vô hiệu, giá nhà tăng lên là 7 tỷ đồng. Như vậy, lợi tức mà B được hưởng khi giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu là 150 triệu đồng chứ không phải là chênh lệch giá nhà 2 tỷ đồng.

Tại Khoản 4 quy định: “Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Khi giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, Toà án phải xác định lỗi của các chủ thể, làm căn cứ ấn định mức bồi thường thiệt hại. 

Hiện nay, việc xác định lỗi của các chủ thể khi giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu được hướng dẫn tại điểm a.1 Điều 2.4 Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP:
    • Một bên bị coi là có lỗi nếu bên đó có hành vi làm cho bên kia nhầm tưởng là có đầy đủ điều kiện để mua nhà ở hoặc bán nhà ở là hợp pháp (ví dụ, bên bán cung cấp thông tin sai làm cho bên mua hiểu nhầm về tư cách chủ thể, nhầm lẫn về đối tượng của hợp đồng nên đã giao kết hợp đồng với bên bán…). Khi hợp đồng được xác định là bị vô hiệu do lỗi của một bên, bên thực hiện hành vi có lỗi dẫn đến hợp đồng vô hiệu phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
    • Các bên cùng có lỗi nếu biết rõ việc giao kết hợp đồng là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện việc giao kết hợp đồng (ví dụ, các bên cùng cố ý giao kết hợp đồng có nội dung vi phạm điều cấm pháp luật, trái đạo đức xã hội…). Và cũng theo Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP thì thiệt hại từ hợp đồng vô hiệu còn bao gồm chênh lệch giá tài sản từ thời điểm giao dịch đến thời điểm giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu. 
Từ hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu quy định ở khoản 1 Điều 131 BLDS cho thấy mọi thỏa thuận trong hợp đồng vô hiệu là không có giá trị ràng buộc (trừ các thỏa thuận về biện pháp bảo đảm) nên không thể xác định lỗi căn cứ vào những thỏa thuận trong hợp đồng. Lỗi được xác định là lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu chứ không phải là lỗi vi phạm hợp đồng.

Thực tế, trong quá trình giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu hiện nay, do quy định tại khoản 1 Điều 131 BLDS chỉ mang tính nguyên tắc, không quy định cụ thể nên các nhà thực thi pháp luật có nhiều ý kiến khác nhau về đường lối giải quyết, nhưng phức tạp nhất vẫn là nhận thức về vấn đề “bên có lỗi thì phải bồi thường thiệt hại”. Thiệt hại vẫn xác định theo những quy định chung về xác định thiệt hại nhưng từ Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP thì thiệt hại từ giao dịch vô hiệu còn bao gồm chênh lệch giá tài sản từ thời điểm giao dịch đến thời điểm giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là hợp đồng chính vô hiệu nhưng những thỏa thuận về biện pháp bảo đảm có thể không vô hiệu nên Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP nêu trên đã quy định chỉ khi “không có đặt cọc và các bên không có thỏa thuận khác… thì thiệt hại còn bao gồm khoản tiền chênh lệch…”. Việc xác định lỗi cũng được hướng dẫn cụ thể trong Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP. Từ giá trị pháp lý của giao dịch vô hiệu quy định ở khoản 1 Điều 131 cho thấy mọi thỏa thuận trong hợp đồng là không có giá trị ràng buộc (trừ các thỏa thuận về biện pháp bảo đảm) nên không thể xác định lỗi căn cứ vào những thỏa thuận trong hợp đồng. Lỗi được xác định là lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu chứ không phải là lỗi vi phạm hợp đồng.

2. Về phần hậu quả hợp đồng vô hiệu chưa có yêu cầu giải quyết

Theo quy định của pháp luật thì việc giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu là khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên, có những vấn đề phát sinh sau khi giao nhận tài sản. Do đó, ngoài việc trả lại tài sản còn phải giải quyết những vấn đề phát sinh là sự thay đổi của tài sản, hoa lợi, lợi tức của tài sản, bồi thường thiệt hại.

Thực tế, pháp luật Dân sự hiện hành đang không có quy định bắt buộc phải giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu trong cùng một vụ án. Tuy nhiên, thực tế xét xử cho thấy có nhận thức khác nhau trong quá trình giải quyết và còn có rất nhiều bản án của cấp sơ thẩm bị cấp phúc thẩm huỷ với lý do tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng không đồng thời giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu.

Vì vậy, để giải quyết vướng mắc trên, vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn thực hiện Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015, tại Công văn số 01/2017/GĐ- TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân Tối cao về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ đã nêu rõ: “…Tòa án phải giải thích cho các đương sự về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu, việc giải thích phải được ghi vào biên bản và lưu vào hồ sơ vụ án...Trường hợp Tòa án đã giải thích nhưng tất cả đương sự vẫn không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu mà không phải giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu…” và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành Công văn 443/VKSTC-V9 ngày 15/02/2023 giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Trong đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao giải đáp vướng mắc về việc giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, cụ thể: liên quan đến vụ việc nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu. Trong thời gian chuẩn bị xét xử, Tòa án không hỏi, không giải thích cho các đương sự biết về hậu quả của hợp đồng vô hiệu mà đến phiên tòa mới hỏi các đương sự có đề nghị giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu không. Các đương sự trả lời không yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Tòa án căn cứ vào đó không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu là đúng hay sai? Do vậy, trong trường hợp này, việc Tòa án chỉ hỏi mà không giải thích rõ cho các đương sự về hậu quả khi tuyên hợp đồng vô hiệu, không lập biên bản xác định rõ yêu cầu của các đương sự là thiếu sót. Khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên cần yêu cầu Tòa án giải thích rõ cho các đương sự, nếu các đương sự vẫn không yêu cầu giải quyết thì Tòa án lập biên bản và lưu vào hồ sơ vụ án mới bảo đảm đúng quy định.

Vậy, để bảo đảm tính khả thi của các quy định của BLDS năm 2015 và tránh việc hiểu không đồng nhất, tuy một số vấn đề đã được giải đáp nhưng chúng tôi cho rằng để thống nhất cách hiểu quy định pháp luật, Toà án nhân dân tối cao cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về việc xác định lỗi gây thiệt hại phải bồi thường để tạo sự thống nhất trong khoa học pháp lý cũng như thực tiễn áp dụng. Đối với trường hợp hợp đồng bị vô hiệu do lỗi của các bên, cần xác định mức độ lỗi làm căn cứ ấn định mức bồi thường. Nếu các bên cùng có lỗi tương đương nhau, thì mỗi bên chịu trách nhiệm bồi thường ½ thiệt hại; nếu mức độ lỗi của các bên không tương đương nhau thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định theo mức độ lỗi của các bên.

Thông qua những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng khi tham gia giao kết hợp đồng, các bên cần lưu ý nắm rõ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng để tránh mâu thuẫn không đáng có xảy ra, khiến cho mọi quyền và lợi ích của các bên không được đảm bảo, không có căn cứ giải quyết nếu xảy ra tranh chấp.

Tài liệu tham khảo:
  1. Bộ luật dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành
  2. PGS.TS Đỗ Văn Đại - Luật Hợp đồng Việt Nam – Bản án và Bình luận bản án 
LS. Hoàng Phương Trang – Công ty Luật TNHH Vietthink




Cập nhật: 12/09/2023
Lượt xem:37211