Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về giải quyết tranh chấp tài sản chung của dòng họ

Cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội thì tranh chấp về tài sản chung, trong đó có tranh chấp về tài sản chung của dòng họ (nhất là nhà thờ họ) cũng có chiều hướng gia tăng. Thực tiễn giải quyết, xét xử các vụ án liên quan đến tài sản chung của dòng họ thời gian qua đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhất là trong việc xác định về “tư cách đương sự của dòng họ” và “đại diện của dòng họ” khi tham gia tố tụng dẫn tới thời hạn giải quyết các vụ án tranh chấp bị kéo dài, thậm chí có những vụ việc bị Tòa án trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết gây bức xúc trong nhân dân. Trước tình trạng này, ngày 05/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2020/HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ (“Nghị quyết 01/2020/HĐTP”).

Nghị quyết 01/2020/HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về xác định thành viên dòng họ; quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích của dòng họ; đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ; địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…. Cụ thể như sau:

Về xác định thành viên dòng họ
Nghị quyết 01/2020/HĐTP hướng dẫn cách xác định thành viên dòng họ như sau: thành viên dòng họ là cá nhân trong dòng họ được xác định theo tập quán phổ biến, được thừa nhận nơi dòng họ tồn tại. Các bên tranh chấp có trách nhiệm cung cấp họ, tên, địa chỉ của thành viên dòng họ. 

Về quyền khởi kiện tranh chấp về tài sản chung dòng họ 
Theo hướng dẫn của Nghị quyết 01/2020/HĐTP, mỗi cá nhân thành viên của dòng họ đều có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Tập thể (ví dụ: chi họ, nhánh họ, hội đồng gia tộc...) không có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ.

    
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ

Đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ được quy định như sau:
  • Nguyên đơn là người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ (Dòng họ không phải là nguyên đơn).
  • Bị đơn là người bị kiện. Bị đơn có thể là thành viên dòng họ hoặc người không phải là thành viên dòng họ nhưng có quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản chung của dòng họ.
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bao gồm thành viên khác của dòng họ và người không phải là thành viên dòng họ. Thành viên khác của dòng họ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu được đương sự đề nghị và Tòa án chấp nhận trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Quy định về việc xác định đương sự và quyền khởi kiện trong vụ án tranh chấp về tài sản chung dòng họ nêu trên hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể:  
  • Theo quy định tại Khoản 1 Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.
  • Bên cạnh đó, Điều 211 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định:
  1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu chung của dòng họ, thôn, ấp, bản,…
  2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội…”.

Như vậy, dòng họ (tổ chức không có tư cách pháp nhân) không có tư cách chủ thể mà các thành viên của dòng họ mới là chủ thể của quan hệ dân sự, do đó, chỉ các thành viên của dòng họ mới có thể trở thành đương sự trong tố tụng dân sự. Các thành viên của dòng họ có quyền và nghĩa vụ bình đẳng đối với tài sản chung của dòng họ, khi thấy tài sản chung của dòng họ bị xâm phạm thì bất cứ thành viên nào của dòng họ cũng có quyền tự mình hoặc thông qua đại diện hợp pháp để khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ (Dòng họ không phải là đương sự như pháp nhân nên trưởng họ không được coi là đại diện theo pháp luật của dòng họ mà chỉ có thể là đại diện theo ủy quyền của các cá nhân là thành viên của dòng họ).

Về xác định địa chỉ của đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ
Theo hướng dẫn tại Điều 5 Nghị quyết 01/2020/HĐTP, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ được xác định như sau:
  • Địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ được xác định theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Điều 5, Điều 6 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.
  • Về địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thành viên dòng họ:
+ Trường hợp đương sự cung cấp được địa chỉ của thành viên dòng họ thì Tòa án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
+ Trường hợp đương sự không cung cấp được địa chỉ của thành viên dòng họ thì Tòa án không đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Quyền, nghĩa vụ của thành viên dòng họ chưa tham gia tố tụng sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác khi có yêu cầu. 

Đặc trưng của loại tranh chấp tài sản chung của dòng họ là đối với những người đã lâu không có liên lạc với dòng họ thì quyền lợi của họ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều ngay cả khi họ không được trực tiếp tham gia tố tụng. Do đó, quy định “trường hợp đương sự không cung cấp được địa chỉ của thành viên dòng họ thì Tòa án không đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…” sẽ tạo tâm lý tốt cho các đương sự trong vụ án, đảm bảo vụ án được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, dứt điểm.

Trường hợp có nhiều yêu cầu khởi kiện cùng liên quan đến tài sản chung của dòng hộ, Tòa án sẽ xem xét nhập các vụ án này vào làm một để giải quyết nếu việc nhập để giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật; và việc nhập để giải quyết trong cùng một vụ án không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Nghị quyết 01/2020/HĐTP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/04/2020. 
  • Đối với những vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ mà Tòa án đã thụ lý trước ngày Nghị quyết 01/2020/HĐTP có hiệu lực thi hành và đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thì áp dụng hướng dẫn của Nghị quyết 01/2020/HĐTP để giải quyết.
  • Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết 01/2020/HĐTP có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hướng dẫn của Nghị quyết 01/2020/HĐTP để kháng nghị và xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, trừ trường hợp kháng nghị theo căn cứ khác.

Nguyễn Thị Hà
Công ty Luật TNHH Vietthink







Cập nhật: 24/03/2020
Lượt xem:2299