Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 - Tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng

Kể từ ngày 1/1/2021, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 (Sau đây gọi tắt là “Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020”) chính thức có hiệu lực, được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng (i); đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp(ii); khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng của Luật Xây dựng năm 2014 (iii).

Dưới đây là một số điểm mới nổi bật của Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020: 

1. Làm rõ trách nhiệm thẩm định của người quyết định đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng
Theo quy định tại Điều 57 Luật Xây dựng 2014, Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng và Nghị định 42/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì cơ quan chủ trì thẩm định là các cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành. Người quyết định đầu tư chỉ chủ trì thẩm định thiết kế công nghệ (nếu có) và các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng khi dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách và một số dự án sử dụng vốn khác và dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng. 

Tuy nhiên, theo khoản 14 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, người quyết định đầu tư xây dựng sẽ có thẩm quyền và trách nhiệm tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng. Trường hợp không có cơ quan chuyên môn trực thuộc làm cơ quan chủ trì thẩm định, người quyết định đầu tư xây dựng sẽ giao cho cơ quan chuyên môn trực thuộc hoặc tổ chức, cá nhân có chuyên môn phù hợp với tính chất, nội dung của dự án. Cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ thực hiện thẩm định một số nội dung liên quan tới sự tuân thủ quy định pháp luật của dự án và năng lực của tổ chức đối với các công trình thuộc quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Xây dựng 2014. 

Quy định này sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải tại các cơ quan chuyên môn về xây dựng, đẩy nhanh tốc độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hiện nay. 

2. Làm rõ trách nhiệm thẩm định của chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác thẩm định thiết kế xây dựng
Trước đây, trách nhiệm thẩm định thiết kế xây dựng chủ yếu thuộc về cơ quan chuyên môn về xây dựng nhằm: (i) Đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn nhà nước trong xây dựng; cũng như (ii) đảm bảo tính an toàn, thực tiễn của các công trình trong tương lai. Tuy nhiên, do đặt phần lớn gánh nặng lên cơ quan chuyên môn về xây dựng nên không tránh khỏi việc chậm trễ trong công tác thẩm định và làm chủ đầu tư không thể chủ động trong quản lý dự án. 

Do đó, nhằm khắc phục hạn chế này, vai trò của Chủ đầu tư đã được nâng cao đáng kể trong Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, thể hiện ở việc sửa đổi các Điều 82, 83, 85, 87 và bổ sung thêm Điều 83a. Theo đó, chủ đầu tư được người quyết định đầu tư giao quyền phê duyệt Thiết kế dự toán và được cơ quan chuyên môn về xây dựng chuyển trách nhiệm chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở. 

Các cơ quan chuyên môn về xây dựng vẫn có thẩm quyền thẩm định nhưng chỉ trong một số nhóm dự án nhất định như: công trình thuộc dự án PPP sử dụng vốn đầu tư công; công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công và công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công thuộc dự án có quy mô nhóm B trở lên hoặc công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng…

 
(Nguồn ảnh: Internet)

3. Đơn giản hoá thủ tục cấp giấy phép xây dựng
Thứ nhất, về các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, hiện Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 chỉ quy định 10 trường hợp (ít hơn 01 trường hợp so với Luật Xây dựng 2014). Tuy nhiên, về mặt nội dung, quy định mới được đánh giá là bao trùm lên nhiều loại công trình hơn, đồng nghĩa với việc nhiều công trình không cần xin cấp giấy phép xây dựng hơn. Trong đó có trường hợp đáng chú sau:
  • Công trình đã thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định thì được miễn giấy phép xây dựng và;
  • Các công trình phải thực hiện cấp phép xây dựng thì không phải thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế triển khai sau cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng. 
Quy định này đã giải quyết được vấn đề trùng lặp trong hai khâu là thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng. Theo quy định cũ, đây là hai bước riêng biệt, một công trình sẽ chỉ được cấp phép xây dựng sau khi hoàn thành thẩm định thiết kế xây dựng.
Tuy vậy, nhiều nội dung như xem xét phù hợp quy hoạch, đánh giá về an toàn công trình, năng lực hoạt động của đơn vị tư vấn thiết kế, tuân thủ quy định môi trường, phòng cháy chữa cháy lại bị lặp lại, dẫn tới tình trạng mất thời gian một cách không cần thiết. 

Thứ hai, về thẩm quyền cấp phép xây dựng, cũng dựa trên nguyên tắc giảm bớt gánh nặng cho Bộ Xây dựng, thẩm quyền cấp phép nay được phân cấp giao cho chính quyền địa phương. Cụ thể:
  • Bộ Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt đã bị bãi bỏ bởi khoản 37 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020;
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép và phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này; 
  • Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép đối với các công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý. 
Thứ ba, về thời gian cấp giấy phép xây dựng, theo quy định tại Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, thời hạn cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh và giấy phép di dời chỉ còn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (Giảm 10 ngày so với quy định cũ là 30 ngày theo điểm e khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng năm 2014). 

Cùng với việc ban hành Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014 nhằm cụ thể hóa chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thời gian qua hứa hẹn sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam theo hướng thuận tiện hơn, từ đó thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực đầu tư xây dựng.   

Vietthink News.



Cập nhật: 20/01/2021
Lượt xem:3621