Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Một số lưu ý quan trọng khi đăng ký và sử dụng nhãn hiệu tại Mỹ


Nguồn ảnh: Vietthink

Theo quy định, sau khi được cấp đăng ký tại Mỹ, từ năm thứ 5 đến năm thứ 6 và từ năm thứ 9 đến năm thứ 10 kể từ ngày cấp đăng ký, chủ sở hữu nhãn hiệu phải nộp Tuyên bố sử dụng nhãn hiệu tại Mỹ cho các sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu để duy trì hiệu lực của nhãn hiệu. Nếu Tuyên bố sử dụng nhãn hiệu không được nộp đúng hạn, nhãn hiệu sẽ bị đình chỉ hiệu lực tại Mỹ.

Thêm vào đó, để đảm bảo chỉ những nhãn hiệu thực sự sử dụng tại Mỹ được duy trì trong hệ thống đăng ký liên bang, Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ ("USPTO") sẽ lựa chọn một cách ngẫu nhiên các nhãn hiệu đã nộp Tuyên bố sử dụng để tiến hành kiểm tra lại (“audit”) về việc sử dụng.

Nếu một nhãn hiệu được lựa chọn để kiểm tra, USPTO sẽ gửi Thư thông báo cho chủ sở hữu, trong Thư thông báo có xác định MỘT SỐ sản phẩm/dịch vụ trong mỗi nhóm cần kiểu tra. Chủ sở hữu sau đó phải trả lời Thư thông báo của USPTO kèm bằng chứng sử dụng nhãn hiệu tại Mỹ.

Nếu chủ sở hữu nộp được bằng chứng sử dụng nhãn hiệu như yêu cầu, USPTO sẽ ra Thông báo chấp thuận và hoàn tất quy trình "audit". Tuy nhiên, trường hợp chủ sở hữu không nộp được bằng chứng đáp ứng quy định về việc sử dụng nhãn hiệu cho MỘT SỐ sản phẩm được xác định ban đầu thì USPTO sẽ yêu cầu chủ sở hữu nộp bằng chứng sử dụng cho TẤT CẢ các sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu. Khi đó, bất cứ sản phẩm/dịch vụ nào mà chủ sở hữu không cung cấp được bằng chứng sử dụng đều bị yêu cầu xóa khỏi danh mục sản phẩm dịch vụ đăng ký và chủ sở hữu sẽ phải nộp phí loại bỏ sản phẩm/dịch vụ không sử dụng cùng với các khoản phí “audit” theo quy định. Trường hợp chủ sở hữu không trả lời Thông báo của USPTO đúng hạn, nhãn hiệu sẽ bị đình chỉ hiệu lực hoàn toàn đối với tất cả các sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu.

Yêu cầu cung cấp bằng chứng sử dụng ở giai đoạn “audit” nghiêm ngặt hơn so với giai đoạn nộp Tờ khai tuyên bố sử dụng. Ví dụ, ở giai đoạn nộp Tờ khai tuyên bố sử dụng, chủ sở hữu có thể nộp hình ảnh của nhãn hiệu sử dụng trên sản phẩm/dịch vụ đăng ký nhưng ở giai đoạn “audit”, chủ sở hữu phải nộp hình ảnh chứng minh nhãn hiệu đang được gắn trên sản phẩm/dịch vụ đăng ký. Hơn nữa, bất cứ nhãn hiệu nào cũng có khả năng được chọn ngẫu nhiên để kiểm tra, do vậy chủ sở hữu nhãn hiệu nên chủ động loại bỏ trước các sản phẩm/dịch vụ không sử dụng hoặc loại bỏ ở giai đoạn nộp Tuyên bố sử dụng để tránh trường hợp phải nộp các khoản phí không hề nhỏ liên quan đến loại bỏ các sản phẩm/dịch vụ không sử dụng ở giai đoạn “audit”.

Ngoài ra theo Luật nhãn hiệu sửa đổi 2020 (Trademark Modernisation Act 2020) có hiệu lực từ 18/12/2021, bất cứ bên thứ ba nào cũng có quyền nộp yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu đối với một một phần hoặc toàn bộ danh mục sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu (Expungement proceeding) nếu một một phần hoặc toàn bộ danh mục sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu không được sử dụng hợp lệ tại Mỹ. Luật nhãn hiệu sửa đổi 2020 cũng cho phép một bên thứ ba nộp yêu cầu thẩm định lại việc sử dụng của một nhãn hiệu trước khi được cấp đăng ký mà khi nộp đơn nhãn hiệu này được nộp trên cơ sở sử dụng hoặc có ý định sử dụng tại Mỹ (Reexamination proceeding).

Vietthink News.

-----------------------

Tài liệu tham khảo:
  • https://www.uspto.gov/trademarks/laws/2020-modernization-act?utm_campaign=subscriptioncenter&utm_content=&utm_medium=email&utm_name=&utm_source=govdelivery&utm_term=#proceedings
  • https://iclg.com/practice-areas/trade-marks-laws-and-regulations/02-major-changes-to-u-s-trade-mark-law-will-result-in-the-cancellation-of-many-registrations


Cập nhật: 01/02/2023
Lượt xem:1560