Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

NGHỀ LUẬT TRƯỚC NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA CHATGPT, TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI) VÀ NHỮNG YÊU CẦU ĐẶT RA ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO LUẬT Ở VIỆT NAM

ThS, Ls. Nguyễn Thanh Hà 
ThS, Ls. Lê Văn Tiến
 Bùi Ninh Đăng
Công ty Luật TNHH Vietthink



Bước vào thời đại Cách mạng Công nghệ 4.0, thế giới chứng kiến làn sóng bùng nổ về công nghệ chưa từng có với nhiều tiến bộ vượt bậc. AI không còn là khái niệm xa lạ mà đã xuất hiện trong từng hoạt động, lĩnh vực đời sống của con người bởi tính ưu việt của nó trong việc tối ưu “tự động hóa” (automation) bằng ứng dụng khoa học công nghệ và internet. Gần đây đã được hàng loạt các hãng công nghệ lớn trên thế giới đã nghiên cứu và đã ra mắt các công cụ ngôn ngữ AI như ChatGPT của OpenAI, BingAI của Microsolft, GoogleBard của Google, tạo ra sự đột phá trong việc tìm kiếm, tổng hợp thông tin ưu việt so với các công cụ tìm kiếm truyền thống. Việc ứng dụng công nghệ và AI trong lĩnh vực có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, tư vấn giúp tối ưu hoá chi phí, thời gian, dễ dàng tạo sự kết nối toàn cầu, tận dụng và tổng hợp được các công trình nghiên cứu một cách nhanh chóng và dễ dàng. Riêng đối với nghề luật, việc ứng dụng AI trong việc tạo lập và khai thác nguồn hồ sơ, kho tàng nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới thông qua máy tính và internet sẽ tạo ra rất nhiều tiện ích trong việc tiếp cận các nguồn, dữ liệu pháp luật, công trình nghiên cứu toàn cầu.

Nhưng bên cạnh những tác động mang tính thúc đẩy của AI và các công cụ AI như ChatGPT, BingAI, Bard,… thì người ta cũng đặt ra câu hỏi: Liệu khi AI “thống trị” thế giới, thì nó là động lực phát triển nghề luật, hay là mối đe dọa cho ngành luật và hoạt động đào tạo luật tại Việt Nam?, khi mà yếu tố “con người” và những hành vi truyền thống trong nghiên cứu và đào tạo sẽ bị thay thế bởi AI? Tại bài viết này, nhóm tác giả đưa ra các phân tích, dự đoán về tác động của AI, ChatGPT tới nghề luật và hoạt động đào tạo luật tại Việt Nam hiện tại và trong tương lai.


Ảnh: Hội thảo khoa học quốc gia: “Đổi mới dạy và học ngành Luật trước tác động của ChatGPT” tại Trường Đại học Công đoàn

I. Những tác động của Trí tuệ nhân tạo (AI), ChatGPT đến nghề luật

AI  có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, theo Từ điển Larousse, AI là “tập hợp các lý thuyết và kỹ thuật được sử dụng để tạo nên những máy có khả năng mô phỏng trí thông minh của con người”1. Trong những năm gần đây, AI có sự phát triển đáng kể nhờ vào sự kết hợp giữa quy mô tính toán lớn, dữ liệu khổng lồ (Big Data) và tiến bộ trong lĩnh vực học sâu (Machine Learning). 

ChatGPT là một ví dụ về ứng dụng của AI được phát triển bởi Công ty công nghệ OpenAI. ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ tự động dựa trên kiến trúc GPT (Generative Pre-trained Transformer) do OpenAI phát triển. ChatGPT được huấn luyện trên một lượng lớn dữ liệu văn bản từ Internet, cho phép nó có khả năng tạo ra các phản hồi tự nhiên và hợp lý dựa trên thông tin đầu vào. AI và các sản phẩm dựa trên công nghệ AI (như ChatGPT, Bard) được đánh giá là là xu thế công nghệ AI trong tương lai. Chính những đặc điểm ưu việt của AI và ChatGPT đã được ứng dụng vào mọi mặt lĩnh vực của đời sống xã hội, điển hình như trong Công nghiệp, Y tế, Giáo dục,.. 

Ở Việt Nam, ngày 21/8/2023, Công ty cổ phần VinBigdata là đơn vị đi đầu, đánh dấu bước phát triển đầu tiên của một “ChatGPT phiên bản Việt” khi công bố xây dựng thành công mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt. Dự kiến tháng 12/2023, VinBigdata sẽ công bố nền tảng AI đa nhận thức VinBase 2.0 với các giải pháp phục vụ doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và ứng dụng ViGPT- “ChatGPT phiên bản Việt”. Người dùng có thể hỏi đáp các thông tin đặc thù của Việt Nam (quy định, văn bản pháp luật),.. Trong hành nghề luật, thời gian gần đây, nhất khi Đại dịch Covid -19 diễn ra, việc ứng dụng công nghệ ngày càng phổ biến, từ các nền tảng ứng dụng trong học tập, trao đổi công việc chuyên môn (như nền tảng Zoom, Microsoft Teams, Google Meet, Zavi, v.v...), cho đến sự ra đời của các công ty áp dụng công nghệ vào lĩnh vực pháp lý (Legal Tech),.. 

Dù có nhiều quan điểm trái chiều liên quan đến tác động của AI, ChatGPT đối với nghề luật, nhưng các chuyên gia đều thừa nhận rằng sự phát triển của AI và các công cụ như ChatGPT, BingAI, Bard,… là xu hướng không thể đảo ngược hay ngăn chặn. Bởi vậy, ngành tư pháp nói chung, nghề luật và hoạt động đào tạo luật nói riêng sẽ không thể nằm ngoài xu thế đó. Bởi vậy, thay vì chối bỏ hay trốn tránh, cần phải hiểu về những tác động tích cực và tiêu cực có thể dự đoán của nó để nhận định được các cơ hội, thách thức đối với nghề luật và hoạt động đào tạo luật trong kỷ nguyên số. 

1. Những tác động tích cực tới nghề luật

Thứ nhất, AI và ChatGPT cung cấp công cụ để tối ưu hóa hiệu suất làm việc cho nhân sự nghề luật

So với các công cụ tìm kiếm phổ biến được sử dụng như Google Search, Wikipedia,..  thì ChatGPT được đánh giá có nhiều tính năng ưu việt hơn do có khả năng tổng hợp và sàng lọc thông tin để đưa ra một câu trả lời. Ứng dụng vào nghề luật, ChatGPT, AI có khả năng giải phóng cho nhân sự ngành luật khỏi một số công việc hành chính, văn phòng, hay các công việc đơn giản (như viết email phản hồi, trả lời câu hỏi pháp lý,..). Đây vốn là những công việc đang chiếm nhiều thời gian của nhân sự tại các công ty luật, các cơ quan tư pháp. Theo nghiên cứu của Ts. Ngô Anh Cường tại bài viết “Sự nổi dậy của Trí tuệ nhân tạo”, tại một số quốc gia đã áp dụng AI nghiên cứu các hồ sơ tố tụng qua các phần mềm (software), từ nghiên cứu hồ sơ (legal research) cho đến soạn thảo văn bản (drafting legal documents). Hay “Large Language Models” (LLM) là một phần mềm tích hợp, học hỏi từ các dữ liệu và được đào tạo từ các chuyên gia, đang cách mạng hóa ngành Luật. Những Bộ Luật thế giới hàng trăm nghìn trang, những hồ sơ liên quan đến tố tụng, hàng triệu trang, LLM chỉ cần tham khảo thông tin “input”, so sánh với các dữ liệu trên mạng và các phần mềm của ngành luật, áp dụng các thuật toán liên quan và soạn thảo đưa ra ý kiến trong vòng vài phút, góp ý cho luật sư một cách tích cực2.

Do đó, ứng dụng ChatGPT, AI có thể giúp tăng cường năng suất, hiệu quả trong việc nghiên cứu, phân tích và xử lý thông tin nhanh chóng và chính xác hơn, giúp giảm thời gian và công sức cho các luật sư và nhân viên pháp lý, tối ưu hóa chi phí cho các doanh nghiệp. Từ đó, tạo ra không gian để nhân sự ngành luật có thể tập trung phát triển những năng lực lõi phục vụ cho sự phát triển nghề nghiệp của cá nhân mình, xử lý những công việc AI, ChatGPT chưa thể đảm nhiệm như: đàm phán hay tư vấn cấu trúc các giao dịch phức tạp, tranh tụng tại phiên tòa,..

Đối với hoạt động của luật sư, việc sử dụng AI, ChatGPT có thể giúp nhân sự nghề luật có thể tự động hóa các nhiệm vụ hành chính và lặp đi lặp lại, các công việc đòi hỏi phân tích, quản lý tài liệu và tính phí dịch vụ như3: Nghiên cứu pháp lý, xem xét tài liệu, kiểm tra tính hợp pháp của quy định, xem xét hợp đồng, soạn thảo văn bản pháp luật,..

Để kiểm tra khả năng của ChatGPT, Đại học Stanford, Trường Luật Đại học Duke và Đại học Nam California đã thực hiện thí nghiệm bởi nền tảng AI pháp lý LawGeex4, làm bài kiểm gia giữa 20 luật sư giàu kinh nghiệm với một AI được đào tạo để đánh giá các hợp đồng pháp lý. Kết quả trung bình cho thấy, các luật sư đạt được tỷ lệ chính xác 85%, trong khi AI đạt được độ chính xác 95%. AI cũng hoàn thành nhiệm vụ trong 26 giây, trong khi luật sư mất trung bình 92 phút. AI cũng đạt được độ chính xác 100% trong một hợp đồng, trong đó luật sư đạt điểm cao nhất chỉ đạt 97%.

Trước dự đoán về ảnh hưởng, tác động của ChatGPT, AI, các công ty luật đã sớm nhận thức và tìm hiểu để áp dụng công nghệ pháp lý mới vào trong công việc. Vào năm 2018, một cuộc khảo sát đối với 100 công ty luật hàng đầu của Vương quốc Anh5 thì 48% đã sử dụng phần mềm, công cụ AI và 41% sắp có kế hoạch sử dụng. Thomson Reuters Institute đã thực hiện một cuộc khảo sát vào tháng 6/2023 đối với bộ phận pháp chế và công ty luật đều tin rằng AI có tương lai ứng dụng trong ngành luật và “nên” được áp dụng cho công việc pháp lý.

Đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp: Việc sử dụng AI, ChatGPT trong các hệ thống tư pháp được nghiên cứu cẩn trọng và dưới góc độ khác nhau. Ví dụ, trong lĩnh vực tư pháp hình sự, việc sử dụng hệ thống AI để hỗ trợ điều tra và tự động hóa quy trình ra quyết định6.

Đối với hoạt động xét xử của thẩm phán, mặc dù thẩm phán là chủ thể thực hiện chức năng xét xử và bản án là sản phẩm trí tuệ của con người, chưa có sự thay thế, can thiệp của AI. Tuy nhiên, ChatGPT, AI có thể được sử dụng để hỗ trợ Tòa án tiếp cận dưới góc độ sử dụng làm công cụ để hỗ trợ thẩm phán, hội thẩm nhân dân trong việc đưa ra bản án được nhanh và minh bạch hơn7. Ngoài ra, với một thuật toán đúng và công bằng, AI có thể đưa ra những đánh giá ít bị định kiến của con người để hạn chế sai lệch, thiếu công bằng của các thẩm phán với độ chính xác cao. Tại Estonia8, đã triển khai các dự án AI như: dự án phiên âm cho các phiên tòa và hỗ trợ quyết định của tòa án.

Đối với công tác phổ biến pháp luật: Bên cạnh khả năng tìm kiếm nhanh chóng các quy phạm pháp luật điều chỉnh, ChatGPT, AI có thể tổng hợp có hệ thống và tạo lập cơ sở dữ liệu để tạo nguồn cho tất cả đối tượng tiếp cận một cách dễ dàng hơn.

Thứ hai, các công ty LegalTech ra đời cung cấp các giải pháp pháp lý

Các công ty LegalTech (legal technology) ra đời ngày càng nhiều, đưa công nghệ số vào lĩnh vực pháp luật và sẽ cung cấp dịch vụ pháp lý, vốn do các công ty luật và luật sư đang thực hiện. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của AI, LegalTech cung cấp ngày càng đa dạng các dịch vụ pháp lý cho phép cá nhân và doanh nghiệp giảm bớt các chi phí tư vấn pháp lý và dịch vụ luật sư. Có thể kể ra một số dịch vụ sau9: Tính toán khả năng, xác suất liên quan đến các phán quyết, quyết định của tòa án; Chi phí tố tụng; Nền tảng để kết nối với các chuyên gia pháp lý; Xây dựng các phần mềm pháp lý chuyên biệt; Thực hiện thủ tục và hồ sơ trực tuyến;,.. Chẳng hạn, Công ty luật Bakerhostetler10 bắt đầu sử dụng phần mềm AI Ross để giải quyết các vấn đề về phá sản doanh nghiệp. Một ứng dụng AI khác trong lĩnh vực pháp lý vừa được ra mắt như CoCounsel11, có thể hỗ trợ rà soát tới 100 hợp đồng cùng một lúc.

Thứ ba, AI và ChatGPT sẽ tác động tới mô hình kinh doanh của ngành luật 

Mặc dù AI, ChatGPT chưa có khả năng thay thế nhân sự ngành luật, nhưng đòi hỏi ngành luật cần xem xét, cân nhắc sự thay đổi về mô hình, cách thức hoạt động:
  • Cấu trúc, quy mô của công ty luật sẽ giảm bớt các vị trí trợ lý, giúp việc vì sẽ có ít công việc hành chính hơn. Các công việc tổng hợp, tìm kiếm các quy định pháp luật, án lệ có thể được ChatGPT, AI đưa ra câu trả lời một cách nhanh chóng;
  • Các nhân sự ngành luật sẽ phải chuyên môn hóa các năng lực chuyên môn và kỹ năng của mình để ứng dụng vào các công việc mà AI, ChatGPT chưa có khả năng tiệm cận;
  • Các công ty cung cấp các dịch vụ nghề luật sẽ phải thu hẹp phạm vi hoạt động đối với các công việc đơn giản, chỉ mang tính thủ tục mà các công ty LegalTech cung ứng;
  • Tính cạnh tranh trong nghề luật sẽ cao hơn, khi việc xác định điều chỉnh lại thù lao vì các công ty LegalTech công khai chi phí trên internet. Xu hướng khách hàng yêu cầu nhiều dịch vụ hơn với chi phí thấp hơn, xu hướng chuyển dịch một phần hoặc toàn bộ dịch vụ pháp lý tới các nước có chi phí rẻ hơn…. Theo khảo sát của Thomson Reuters Institute12 vào tháng 6/2023, các doanh nghiệp cho biết họ phản đối các công ty luật sử dụng AI vì lý do liên quan đến độ chính xác, quyền riêng tư và bảo mật. Nếu AI được sử dụng cho công việc tư vấn có tính phí dịch vụ thì chi phí cho khách hàng cần phải giảm đáng kể.
2. Một số thách thức đối với nghề luật trước kỷ nguyên của Trí tuệ nhân tạo

Thứ nhất, AI, ChatGPT sẽ thay thế một số công việc nghề luật

Một số người cho rằng AI có thể thay thế luật sư. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ sở rõ ràng để chứng minh điều đó vì nghề luật đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng mang tính “con người” mà máy móc không thể thay thế được như: sự thấu cảm, tư duy linh hoạt theo hoàn cảnh, khả năng đàm phán,.. Một số công việc như: giao tiếp với khách hàng, đại diện khách hàng tham gia tố tụng tại tòa án/cơ quan trọng tài,.. vẫn phải do con người đảm nhiệm13. Điều này càng thực tế nếu đặt trong bối cảnh hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, đòi hỏi sự linh hoạt, ứng biến, sáng tạo dựa trên nền tảng lý luận nhưng phù hợp với thực tiễn mà không theo những nguyên tắc định sẵn. 

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn quan ngại về nguy cơ gia tăng tỷ lệ nhân sự nghề luật thất nghiệp trong kỷ nguyên số. Theo báo cáo của Công ty tư vấn The Boston Consulting Group và Trường Luật Bucerius, cho rằng các phần mềm AI LegalTech có thể thực hiện được 30% đến 50% công việc mà các luật sư mới vào nghề đang làm14

Tuy nhiên, như phân tích nêu trên, nhóm Tác giả cho rằng các công cụ, sản phẩm của AI tất yếu sẽ thâm nhập vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống, bao gồm cả ngành luật. Nhìn ở một góc độ hội nhập, thì AI, ChatGPT hay các công cụ tương tự lại tạo ra động lực cạnh tranh vô cùng quan trọng để ngành luật phải có những sự chuyển biến mang tính cách mạng, đồng thời cũng tạo động lực để nhân sự ngành luật phải cập nhật và trở nên “tinh hoa” hơn để làm những việc mà các thuật toán, công cụ không thể xử lý thay con người. Sử dụng được AI trong công tác nghiên cứu, hành nghề luật sẽ giúp cải tiến quy trình, tối ưu chi phí và thúc đẩy sự phát triển của nghề luật.

Thứ hai, vấn đề bảo mật thông tin 

Do ChatGPT hoạt động dựa trên cơ sở thu thập và phân tích dữ liệu, nên để có thể sử dụng một cách hiệu quả, người dùng cần cung cấp thông tin đầu vào hay kênh khai thác dữ liệu sẽ tiềm ẩn rủi ro về nguy cơ các dữ liệu cá nhân bị khai thác trái phép mà chưa có cơ chế giám sát, kiểm soát hiệu quả. Thực tế đã xảy ra việc rò rỉ thông tin cá nhân qua mạng xã hội Facebook vào năm 2019 hay tại Ngân hàng MSB. Bảo mật thông tin không chỉ đặt ra thách thức về kỹ thuật, công cụ bảo vệ dữ liệu số, mà còn đặt ra thách thức về việc phải có khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh các hành vi truy cập, sử dụng, khai thác và bảo vệ dữ liệu số; phát hiện và xử lý vi phạm (quốc gia và xuyên biên giới) đối với các hành vi xâm phạm hoặc tội phạm về an ninh mạng.

Thứ ba, việc ứng dụng AI, ChatGPT cũng đặt ra các vấn đề pháp lý mới

Một là, vấn đề pháp lý liên quan đến xác định trách nhiệm pháp lý trong trường hợp AI, ChatGPT gây thiệt hại cho người dùng. Bởi ChatGPT, AI chưa được thừa nhận là một chủ thể trong quan hệ pháp luật, nên nếu coi ChatGPT là một loại tài sản thì về nguyên tắc, chủ sở hữu tài sản có nghĩa vụ bồi thường đối với thiệt hại do tài sản của mình sở hữu gây ra. Tuy nhiên với sự tiến bộ đáng kinh ngạc của AI, ChatGPT, với khả năng vận hành độc lập, nếu ChatGPT, AI có khả năng tự lập trình, thiết kế phần mềm, từ đó thiết kế những phần mềm virus độc hại hay thu thập trái phép dữ liệu cá nhân… không dựa trên chỉ dẫn của người dùng/công ty quản lý phần mềm thì trách nhiệm pháp lý sẽ thuộc về ai. Đây là vấn đề pháp lý cần được làm rõ để xây dựng chính sách, pháp luật điều chỉnh kịp thời.

Hai là, vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm do ChatGPT, AI sáng tạo. Với sự phát triển và hoàn thiện tính năng, ChatGPT, AI sẽ có thể tự tạo ra nội dung tổng hợp mang tính mới so với các nội dung có sẵn trên các nền tảng. Vấn đề là, sẽ có những sản phẩm được sáng tạo ra do ChatGPT, AI thực hiện theo chỉ dẫn/lập trình của người dùng, của bên sáng tạo phần mềm nhưng cũng có thể chính ChatGPT, AI sáng tạo một cách độc lập. Từ đó đặt ra các vấn đề pháp lý liên quan đến xác định đối tượng nào được bảo hộ, chủ thể nào có quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng đó, phù hợp với đặc điểm riêng biệt về trí tuệ nhân tạo. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý mới điều chỉnh việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với những tác phẩm, sáng chế mà tác giả là AI, nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích của các chủ thể. 

Thứ tư, về độ tin cậy và xác thực đối với các thông tin do ChatGPT, AI cung cấp

Vì AI, ChatGPT vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển nên vẫn còn bị giới hạn về chức năng, các thông tin được ChatGPT cung cấp đôi khi thiếu chính xác hoặc không thể xác thực. Do đó, nếu việc sử dụng AI, ChatGPT không cẩn trọng, không chỉ tiềm ẩn rủi ro gây ra thiệt hại về vật chất và danh tiếng cho Công ty luật, luật sư mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng. Một vụ việc thực tế vào ngày 22/6/2023, thẩm phán quận Manhattan P.Kevin Castel đã yêu cầu các luật sư Steven Schwartz và Peter LoDuca nộp phạt do đã nộp một hồ sơ pháp lý trong đó có 6 nội dung trích dẫn vụ kiện không có thật, được tạo ra bởi chatbot ứng dụng ChatGPT.

Thứ năm, ChatGPT, AI tiềm ẩn những gian lận, vi phạm về đạo đức trong hoạt động hành nghề luật.

Bản thân nghề luật, luôn đòi hỏi nhân sự hành nghề có chuẩn mực cao về đạo đức và được hệ thống thành những quy tắc nghề nghiệp riêng, chẳng hạn: Thẩm phán, Luật sư, Kiểm sát viên,.. Xã hội và khách hàng đặt kỳ vọng cao vào sản phẩm của người hành nghề phải xuất phát từ quá trình nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện và chính xác. Do đó, khi ứng dụng AI, ChatGPT, các nhân sự hành nghề cần quan tâm đến khía cạnh đạo đức khi hành nghề. Việc lạm dụng và phó mặc AI, ChatGPT giải quyết thay các công việc của người hành nghề luật có thể tạo ra những hậu quả xấu cho chính khách hàng, người hành nghề và vị thế xã hội của nghề luật.


Ảnh: Ls Lê Văn Tiến tham dự Hội thảo khoa học quốc gia: “Đổi mới dạy và học ngành Luật trước tác động của ChatGPT” tại Trường Đại học Công đoàn

II. Những yêu cầu đặt ra đối hoạt động đào tạo luật ở Việt Nam

Trước những tác động của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 nói chung, ảnh hưởng của AI và ChatGPT nói riêng, Đảng, Chính phủ đã tích cực chủ động đưa ra các chính sách  thích ứng và nắm bắt cơ hội phát triển hoạt động đào tạo nói chung, cũng như ngành Luật nói riêng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 là một bước quan trọng trong việc đề ra Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng (AI) đến năm 2030. Trong đó có 5 nhóm định hướng chiến lược, bao gồm: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến AI; Xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; Phát triển hệ sinh thái AI; Thúc đẩy ứng dụng AI; Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực AI. 

Nắm bắt được tác động của ChatGPT, AI đối với nghề luật, trong thời gian qua, các cơ sở đào tạo Luật ở Việt Nam cũng tích cực tổ chức các hội thảo để nghiên cứu, nắm bắt và đánh giá tác động của AI đối với nghề luật như: Hội thảo chuyên đề “Tác động của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số mới đối với sự phát triển của Luật sư” ngày 16/10/2021 do Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; Hội thảo: “Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam” ngày 12/11/2022 do Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp tổ chức; hội thảo “Công nghệ AI và tác động đến đào tạo, giảng dạy Luật” ngày 28/02/2023 do Khoa Luật của Đại học Kinh tế tài chính tổ chức. 

Nhu cầu đào tạo ngành Luật được dẫn dắt và quyết định bởi nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực pháp luật trong các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội. Với mức độ phổ biến và tác động ngày càng lớn của ChatGPT, AI, đặt ra các yêu cầu lớn đến hoạt động đào tạo ngành Luật ở Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, chương trình đào tạo nghề luật cần cập nhật, bổ sung các vấn đề liên quan đến AI, ChatGPT

Các Chương trình đào tạo ngành Luật tại Việt Nam hiện nay, chủ yếu được xây dựng theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dựa trên 03 trụ cột: Pháp luật nền tảng và pháp luật các chuyên ngành chuyên sâu (hành chính, dân sự, hình sự, Thương mại,..); Kỹ năng cơ bản hành nghề và tiếng Anh pháp lý. Qua đó trang bị cho sinh viên những kiến thức pháp lý nền tảng và kiến thức, tư duy pháp lý mang tính hệ thống về ngành Luật. Hiện các chương trình học chưa đề cập và đưa các vấn đề liên quan đến công nghệ nói chung, AI, ChatGPT vào nội dung giảng dạy.

Ở một số quốc gia đi đầu như Anh và Úc cho thấy các trường Đại học đã có những chuyển đổi trong lĩnh vực đào tạo luật để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh công nghệ đóng vai trò quan trọng trong đời sống pháp lý và ngành công nghiệp pháp lý. Việc tích hợp công nghệ vào chương trình đào tạo đại học và tạo cơ hội cho người học phát triển kỹ năng liên quan đến công nghệ và pháp lý. Cụ thể15:
  • Trường Luật của Đại học Manchester (Anh): Trường đã đưa môn học tùy chọn "Công nghệ pháp lý và Tiếp cận Công lý" vào chương trình đào tạo đại học. Môn học này được thực hiện với sự hợp tác của công ty AI Neota Logic và công ty luật Freshfields Bruckhaus Deringer. Người học được hướng dẫn sử dụng phần mềm của Neota để xây dựng các ứng dụng nhằm cải thiện khả năng tiếp cận công lý.
  • Trường Đại học Luật Melbourne (Úc): Trường đã tổ chức khoá học ngắn hạn về công nghệ và thiết kế pháp lý để phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo về pháp lý thực tế. Khoá học này được phối hợp với công ty luật Maddocks và tổ chức thiết kế kỹ thuật số Portable. Người học được đào tạo về làm việc nhóm, thiết kế pháp lý và logic pháp lý.
Bằng cách sử dụng công nghệ giáo dục mới (EdTech) và công nghệ pháp lý, các trường luật đã cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong ngành luật. Do đó, tại Việt Nam, việc xây dựng một chương trình học trong đó có những học phần, chương trình giảng dạy về AI, ChatGPT, những ứng dụng và tác động của AI trong lĩnh vực học tập và nghiên cứu pháp luật là cần thiết. Đồng thời, cần tạo ra môi trường thực hành để học viên áp dụng kiến thực lý thuyết vào thực tế, từ đó nếu gặp tình huống tượng tự ngoài đời sống học viên có thể xử lý thành thạo. Các nhiều vấn đề pháp lý và thực tiễn chưa có tiền lệ liên quan đến AI, ChatGPT cũng cần được đưa ra để nhận diện và đánh giá. Để đảm bảo hiệu quả, trong nội dung chương trình đào tạo nghề luật, cần sử dụng công nghệ ChatGPT, AI trong đào tạo nghề luật.

Ngoài bồi dưỡng về chuyên môn, việc giảng dạy về đạo đức hành nghề trong thời đại cách mạng công nghệ cũng cần được đặt ưu tiên, là một nội dung bắt buộc trong chương trình giảng dạy. Điều này cũng đặt ra yêu cầu đòi hỏi người học phải có năng lực tự học, có kiến thức và kỹ năng tiếp cận, cập nhật và thích ứng với những giao thức làm việc, kinh doanh và những nền tảng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả công việc.

Thứ hai, khuyến khích sử dụng ChatGPT và các công cụ AI tương tự trong nghiên cứu, nhưng đồng thời cần xây dựng cơ chế kiểm soát, giám sát kết quả đào tạo nghề luật

Từ khi ChatGPT, GPT xuất hiện, các quốc gia dường như có cách tiếp cận khác nhau về việc tiếp nhận và ứng dụng công nghệ này: Cấm, phớt lờ hoặc hào hứng sử dụng16. Với xu hướng thứ nhất, để tránh học sinh, sinh viên chây lười, lạm dụng công cụ này trong việc học tập, các bang New South Wales (NSW), Queensland và Tasmania ở Úc đã cấm truy cập ChatGPT trong các trường học của bang vì lo ngại công cụ này có thể được sử dụng để gian lận trong các bài đánh giá hoặc bài tập về nhà. Các trường công ở thành phố New York và TP Seattle (Mỹ) cũng đã cấm giáo viên và học sinh dùng ChatGPT trong trường học. 

Với xu hướng thứ hai, như tại Đại học Adelaid, Đại học Nam Australia và Đại học Flinder, một mặt cho phép sinh viên sử dụng AI để hỗ trợ quá trình đào tạo nhưng cũng đưa ra các các yêu cầu chặt chẽ với sinh viên khi sử dụng AI. 

Với xu hướng còn lại, như trường Islamic College of Brisbane hay trường Sydney Catholic School, cho rằng công nghệ có khả năng gợi mở sự sáng tạo, tăng thêm cơ hội tự học hỏi và tốt nhất trong bối cảnh hiện tại chúng ta nên giúp học sinh chuẩn bị để có thể làm việc trong môi trường có sử dụng AI.

Ở Việt Nam, việc cực đoan cấm sử dụng AI, ChatGPT để thuận lợi cho việc giám sát, quản lý vừa không phù hợp với xu hướng phát triển chung và có thể gặp sự phản đối từ cộng đồng. Do đó, vấn đề đặt ra là việc sử dụng ChatGPT, AI trong đào tạo ngành luật cần có cơ chế kiểm soát, giám sát phù hợp. Trong bối cảnh các thư viện, nguồn tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy tại Việt Nam còn nhiều hạn chế so với các nước trên giới, việc sử dụng các công cụ tìm kiếm và tổng hợp kiến thức từ AI là một giải pháp để dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận với nguồn tài nguyên dữ liệu trên thế giới, bên cạnh các phương pháp đọc, tổng hợp và nghiên cứu truyền thống. Việc sử dụng các công cụ AI cũng không làm mất đi khả năng nghiên cứu, phản biện của học viên, nghiên cứu sinh, bởi các công cụ này đến nay chỉ hỗ trợ được phần nào thời gian tổng hợp thông tin từ dữ liệu có sẵn trên internet, còn người dùng vẫn phải có sự nghiên cứu độc lập để kiểm chứng lại kết quả tổng hợp, phân tích dữ liệu từ AI.

Như vậy, thay vì cấm, hạn chế người học và người dạy sử dụng các công cụ này, nhóm tác giả lại cho rằng có thể khuyến khích việc sử dụng các công cụ AI này ứng dụng cho việc học, dạy học và nghiên cứu, nhưng cần trang bị những kiến thức và kỹ năng cho người học, người dạy về cách thức tư duy, kiểm chứng lại kết quả phân tích, tổng hợp của các công cụ AI này.

Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động phát triển đào tạo

Là quốc gia tiếp cận sau về ứng dụng AI, ChatGPT trong đào tạo luật, Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo luật trong nước với nước ngoài đã có nhiều ứng dụng thực tế ChatGPT, AI để trao đổi học thuật, trao đổi nội dung chương trình, giáo trình, trao đổi giảng viên và sinh viên ngành Luật, giúp cho các sinh viên mở rộng tầm nhìn, phương pháp tư duy và bổ sung kinh nghiệm thực tiễn. Các trường đại học và tổ chức quốc tế có thể cung cấp sách giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo và các nguồn tài nguyên trực tuyến để hỗ trợ việc đào tạo, nghiên cứu và học tập.

III. KẾT LUẬN

Sự phát triển của AI, các công cụ về ngôn ngữ và tìm kiếm, phân tích, tổng hợp dữ liệu có sử dụng AI như ChatGPT, BingAi, Bard,…. là xu hướng ứng dụng tất yếu len lỏi vào từng lĩnh vực, trong đó nghề luật không thể đứng ngoài xu hướng tất yếu đó. Bởi vậy, thay vì quan điểm cho rằng AI, ChatGPT có thể tác động tiêu cực và gây “thoái trào” nghề luật, thì cần thay đổi tư duy tiếp cận theo hướng đón nhận nó và sẵn sàng thay đổi, thích ứng linh hoạt để đón nhận nó, biến nó trở thành động lực cạnh tranh và phát triển nghề luật, tận dụng chúng như những công cụ hữu ích để đẩy mạnh chất lượng nghề luật, đào tạo luật.

Chú thích:
(1) Từ điển Larousse, Intelligence artificielle, Larousse: https://www.larousse.fr/encyclopedie/divers/intelligence_artificielle/187257, truy cập ngày 25/9/2023;
(2) Ts. Ngô Anh Cường (2023), Sự "nổi dậy" của Trí tuệ nhân tạo “AI”: ngành Luật Việt Nam có cần phải đối phó, Tạp chí điện tử Pháp lý: https://phaply.net.vn/su-noi-day-cua-tri-tue-nhan-tao-ai-nganh-luat-viet-nam-co-can-phai-doi-pho-a256672.html, truy cập ngày 26/9/2023;
(3) Fitri Astari Asril (2023), Will Artificial Intelligence (AI) Displace Legal Practitioners?, Global Law Experts: https://globallawexperts.com/will-artificial-intelligence-ai-displace-legal-practitioners/, truy cập ngày 25/9/2023;
(4) LawGeex (2018), Comparing the Performance of Artificial Intelligence to Human Lawyers in the Review of Standard Business Contracts, LawGeex: https://images.law.com/contrib/content/uploads/documents/397/5408/lawgeex.pdf, truy cập ngày 25/9/2023;
(5) Karl Flinders (2018), Almost all London law firms are using or plan to use artificial intelligence, ComputerWeekly.com: https://www.computerweekly.com/news/252439978/Almost-all-London-law-firms-are-using-or-plan-to-use-artificial-intelligence,  truy cập ngày 25/9/2023.
(6) Joshua Park (2020), Your honor, AI, Havard International Review: https://hir.harvard.edu/your-honor-ai/, truy cập ngày 25/9/2023;
(7) Jean-Pierre Buyle et Adrien van den Branden (2017), La robotisation de la justice,Alexandre de Streel, Hervé Jacquemin, L'intelligence artificielle et le droit, trang 315, NXB Larcier, truy cập ngày 25/9/2023;
(8) Republic of Estonia (2022), Estonia does not develop AI Judge, Republic of Estonia: https://www.just.ee/en/news/estonia-does-not-develop-ai-judge, truy cập ngày 25/9/2023;
(9) TS. Nguyễn Văn Quân (2019),  Một số tác động của trí tuệ nhân tạo tới nghề luật, Nghiên cứu Lập pháp: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210361,  truy cập ngày 25/9/2023. 
(10) Le Monde (2016), Une intelligence artificielle fait son entrée dans un cabinet d’avocats , Le Monde: https://www.lemonde.fr/pixels/article/2016/05/27/une-intelligence-artificielle-fait-son-entree-dans-un-cabinet-d-avocats_4927806_4408996.html, truy cập ngày 25/9/2023;
(11) Casetext (2023), Legal AI is helping lawyers leave tedious contract work behind, Casetext: https://casetext.com/blog/legal-ai-is-helping-lawyers-leave-tedious-contract-work-behind/, truy cập ngày 25/9/2023.
(12) Zach Warren (2023), Corporate attorneys don’t want to pay law firms for Chat GPT when they use it themselves, Reuters: https://www.reuters.com/legal/legalindustry/corporate-attorneys-dont-want-pay-law-firms-chatgpt-when-they-could-use-it-2023-06-30/,  truy cập ngày 25/9/2023;
(13) Pierre Aidan Et Florence G'sell (2017), Les robots seront-ils vraiment les avocats de demain?, Les Echos Executives: https://business.lesechos.fr/directions-juridiques/avocats-et-conseils/actualite-des-cabinets/0211658104975-les-robots-seront-ils-vraiment-les-avocats-de-demain-304361.php, truy cập ngày 25/9/2023.
(14) Christian Veith, Michael Bandlow, Michael Harnisch, Hariolf Wenzler, Markus Hartung, and Dirk Hartung (2016), How Legal Technology Will Change the Business of Law, The Boston Consulting Group: https://docs.wixstatic.com/ugd/b30d31_7b407b2c8c6b44d697957b7fa5db48c8.pdf, truy cập ngày 25/9/2023;
(15) Joseph Lee, Peter Underwood (2021), AI in the Boardroom: Let the Law be in the Driving Seat, SSRNN: https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3874588,  truy cập ngày 25/9/2023;
(16) Việt Nga/VOV-Australia (2023), Ý kiến đa chiều về sử dụng ChatGPT tại trường học ở Australia, VOV: https://vov.vn/the-gioi/y-kien-da-chieu-ve-su-dung-chatgpt-tai-truong-hoc-o-australia-post999647.vov, truy cập ngày 25/9/2023.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Từ điển Larousse, Intelligence artificielle, Larousse: https://www.larousse.fr/encyclopedie/divers/intelligence_artificielle/187257, truy cập ngày 25/9/2023;
2. Ts. Ngô Anh Cường (2023), Sự "nổi dậy" của Trí tuệ nhân tạo “AI”: ngành Luật Việt Nam có cần phải đối phó, Tạp chí điện tử Pháp lý: https://phaply.net.vn/su-noi-day-cua-tri-tue-nhan-tao-ai-nganh-luat-viet-nam-co-can-phai-doi-pho-a256672.html, truy cập ngày 26/9/2023;
3. Fitri Astari Asril (2023), Will Artificial Intelligence (AI) Displace Legal Practitioners?, Global Law Experts: https://globallawexperts.com/will-artificial-intelligence-ai-displace-legal-practitioners/, truy cập ngày 25/9/2023;
4. LawGeex (2018), Comparing the Performance of Artificial Intelligence to Human Lawyers in the Review of Standard Business Contracts, LawGeex: https://images.law.com/contrib/content/uploads/documents/397/5408/lawgeex.pdf, truy cập ngày 25/9/2023;
5. Karl Flinders (2018), Almost all London law firms are using or plan to use artificial intelligence, ComputerWeekly.com: https://www.computerweekly.com/news/252439978/Almost-all-London-law-firms-are-using-or-plan-to-use-artificial-intelligence,  truy cập ngày 25/9/2023.
6. Joshua Park (2020), Your honor, AI, Havard International Review: https://hir.harvard.edu/your-honor-ai/, truy cập ngày 25/9/2023;
7. Jean-Pierre Buyle et Adrien van den Branden (2017), La robotisation de la justice,Alexandre de Streel, Hervé Jacquemin, L'intelligence artificielle et le droit, trang 315, NXB Larcier, truy cập ngày 25/9/2023;
8. Republic of Estonia (2022), Estonia does not develop AI Judge, Republic of Estonia: https://www.just.ee/en/news/estonia-does-not-develop-ai-judge, truy cập ngày 25/9/2023;
9. TS. Nguyễn Văn Quân (2019),  Một số tác động của trí tuệ nhân tạo tới nghề luật, Nghiên cứu Lập pháp: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210361,  truy cập ngày 25/9/2023.
10. Le Monde (2016), Une intelligence artificielle fait son entrée dans un cabinet d’avocats , Le Monde: https://www.lemonde.fr/pixels/article/2016/05/27/une-intelligence-artificielle-fait-son-entree-dans-un-cabinet-d-avocats_4927806_4408996.html, truy cập ngày 25/9/2023;
11. Casetext (2023), Legal AI is helping lawyers leave tedious contract work behind, Casetext: https://casetext.com/blog/legal-ai-is-helping-lawyers-leave-tedious-contract-work-behind/, truy cập ngày 25/9/2023.
12. Zach Warren (2023), Corporate attorneys don’t want to pay law firms for Chat GPT when they use it themselves, Reuters: https://www.reuters.com/legal/legalindustry/corporate-attorneys-dont-want-pay-law-firms-chatgpt-when-they-could-use-it-2023-06-30/,  truy cập ngày 25/9/2023;
13. Pierre Aidan Et Florence G'sell (2017), Les robots seront-ils vraiment les avocats de demain?, Les Echos Executives: https://business.lesechos.fr/directions-juridiques/avocats-et-conseils/actualite-des-cabinets/0211658104975-les-robots-seront-ils-vraiment-les-avocats-de-demain-304361.php, truy cập ngày 25/9/2023.
14. Christian Veith, Michael Bandlow, Michael Harnisch, Hariolf Wenzler, Markus Hartung, and Dirk Hartung (2016), How Legal Technology Will Change the Business of Law, The Boston Consulting Group: https://docs.wixstatic.com/ugd/b30d31_7b407b2c8c6b44d697957b7fa5db48c8.pdf, truy cập ngày 25/9/2023;
15. Joseph Lee, Peter Underwood (2021), AI in the Boardroom: Let the Law be in the Driving Seat, SSRNN: https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3874588,  truy cập ngày 25/9/2023;
16. Việt Nga/VOV-Australia (2023), Ý kiến đa chiều về sử dụng ChatGPT tại trường học ở Australia, VOV: https://vov.vn/the-gioi/y-kien-da-chieu-ve-su-dung-chatgpt-tai-truong-hoc-o-australia-post999647.vov, truy cập ngày 25/9/2023.


Cập nhật: 15/11/2023
Lượt xem:5912