Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Người vay tiền qua App không chính thống phải đối mặt với những rủi ro gì? “Bùng nợ” vay online có vi phạm pháp luật không?

Khi thời đại công nghệ 4.0 ngày càng phát triển mạnh, hình thức vay tiền qua App khá phổ biến và được ưa chuộng bởi chỉ với vài thao tác đơn giản, không cần thế chấp, không cần tài sản đảm bảo, người vay chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, Căn cước công dân/ Chứng minh nhân dân và số tài khoản ngân hàng là người dân đã có thể được vay một khoản tiền khoảng từ 5 đến 100 triệu đồng. Vì sự dễ dàng, nhanh chóng được cho vay như vậy nên không ít người đặt ra câu hỏi: Vay tiền qua App có an toàn không?
Để trả lời cho câu hỏi này, người dân cũng cần phải phân biệt được App chính thống và App không chính thống.



Nguồn: Internet.

I. Những rủi ro khi vay tiền qua App không chính thống

App là viết tắt của Application, được hiểu là ứng dụng trên điện thoại di động. Vậy làm sao để biết App vay tiền nào chính thống, uy tín, hợp pháp. Câu trả lời là trước khi vay tiền, người dân cần tìm hiểu xem App đó thuộc sở hữu của công ty nào, có đầy đủ thông tin gồm Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ cụ thể, có các chính sách cụ thể về lãi suất vay, xem lãi suất vay đó có nằm trong giới hạn theo quy định của Bộ luật Dân sự (không quá 20%/năm) hay không, có bắt cung cấp danh bạ cá nhân không? Trường hợp kiểm tra thông tin không đáp ứng được một trong các điều kiện trên thì App đó có khả năng là không chính thống, nếu vay tiền thì người dân rất dễ bị rủi ro. Vậy những rủi ro người dân có thể gặp phải là gì?

Thứ nhất, dễ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Để hoàn tất thủ tục vay nhanh chóng, các App vay yêu cầu khách hàng chuyển trước một khoản tiền để thanh toán phí hồ sơ hoặc bảo hiểm khoản vay, nhưng sau khi đóng phí, các đối tượng lập ra các App này sẽ chiếm đoạt luôn số tiền này và thực tế thì khách hàng không được giải ngân. Hoặc các đối tượng lừa đảo đưa ra các lời mời gọi hấp dẫn, quảng cáo các chương trình vay hấp dẫn để thu hút khách hàng. Sau khi cung cấp các thông tin và hoàn thành đăng ký khoản vay, khách hàng không nhận được bất kì khoản tiền nào nhưng trên hệ thống lại xác nhận việc đăng ký vay. Khi đến hạn, các đối tượng sẽ thực hiện nhắc nợ, nếu khách hàng không trả được thì sẽ bị các đối tượng đe dọa, hoặc gọi điện cho người thân thậm chí đến tận nhà để yêu cầu trả nợ. 

Thứ hai, phải chịu mức lãi suất “cắt cổ”: Nhiều App cho vay thực tế là các đối tượng cho vay “tín dụng đen”. Mặc dù được nhận được khoản tiền đã vay, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nếu không trả được ngay khoản gốc thì sau đó số tiền nợ sẽ được nhân lên hàng nghìn lần. Con số tiền vay lúc đầu không chỉ là chục triệu, mà đã vài trăm triệu hoặc thậm chí lên đến vài tỷ đồng. 

Chính vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác cân nhắc kỹ trước khi vay tiền qua App online để tránh những rủi ro phát sinh như lãi suất cao, vay nhầm tín dụng đen.

II. “Bùng nợ” vay online có được không?

Trên các trang mạng xã hội có hàng chục, hàng trăm các hội nhóm chia sẻ, hướng dẫn cách bùng App vay tiền và các đối phó, với số lượng hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn người tham gia mỗi nhóm, thậm chí hàng trăm nghìn người. Những phương thức bùng nợ chủ yếu là sử dụng thông tin giả, sử dụng CMND/CCCD giả, sử dụng danh bạ giả để đăng ký khoản vay, sau đó sẽ lấy tiền từ các App đó mà không trả lại. Vậy, câu hỏi đặt ra là bùng tiền, trốn nợ online có vi phạm pháp luật không? Câu trả lời là có vi phạm, cụ thể:

1. Về trách nhiệm dân sự

Hoạt động cho vay và đi vay là một giao dịch dân sự, có thể thực hiện dưới nhiều hình thức thỏa thuận. Điều 119 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS) quy định “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản". Như vậy, vay tiền qua App được coi là giao dịch dân sự.

Điều 463 BLDS quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Do đó, dù vay tiền qua App online bên vay phải có nghĩa vụ trả lại đúng số tiền đã vay khi đến hạn trả và lãi suất vay nếu có thỏa thuận.

Như vậy, về dân sự, việc vay tiền online qua App là hình thức vay tài sản được pháp luật quy định, người vay nợ buộc phải trả đủ số tiền đã vay. Nếu người vay có mục đích “bùng”, cố tình không trả nợ cũng chính là hành vi vi phạm pháp luật.

2. Về xử lý vi phạm hành chính

Theo Điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định người nào có hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả, gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt tiền từ 2 đến 03 triệu đồng.

3. Về trách nhiệm hình sự

Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Trường hợp ngay khi có ý định vay tiền qua App, người vay tiền dùng thủ đoạn gian dối là làm giả giấy tờ tùy thân và có ý định chiếm đoạt tiền vay như làm giả chứng minh nhân dân/căn cước công dân, chứng minh thu nhập giả, cung cấp số điện thoại giả, danh mục điện thoại ảo để vay khiến App cho xác nhận thông tin và giải ngân cho người vay rồi sau đó người vay thực hiện chiếm đoạt số tiền vay được. Người sở hữu, quản lý các App cho vay sẽ không có thông tin thật của người vay để liên hệ đòi nợ. Nếu như thực hiện chiếm đoạt thành công có thể bị truy tố hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với mức phạt cao nhất là tù chung thân.

Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Trường hợp mặc dù người vay cung cấp đúng đầy đủ thông tin cá nhân theo đúng quy định, sau khi nhận được khoản tiền vay này rồi, người vay nghe lời kích động, dụ dỗ của người khác nên nảy sinh ý định quỵt nợ. Sau đó thực hiện những hành vi gian dối để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản và không trả lại tài sản đã vay thì có thể bị truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với mức phạt tù cao nhất đến 20 năm.

Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản – vai trò đồng phạm: Đối với những người kích động, tư vấn, hướng dẫn, chia sẻ cách bùng tiền, quỵt nợ trong hội nhóm “bùng nợ” cho vay qua App hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết để cho người khác thực hiện hành vi lừa đảo, nếu như cơ quan điều tra thấy có đủ căn cứ để khởi tố thì có thể sẽ bị khởi tố hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 với vai trò đồng phạm.

Như vậy, ngoài bị xử phạt hành chính ra, căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi trốn nợ khi vay tiền qua App online có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức phạt tù cao nhất là tù chung thân hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức phạt tù cao nhất đến 20 năm. 

Mặc dù hiện nay trên hầu hết các kênh truyền thông, báo đài đều cảnh báo rất nhiều những hội nhóm lôi kéo, dụ dỗ, hướng dẫn người dân thực hiện vay tiền qua App và cảnh báo trách nhiệm pháp lý khi thực hiện hành vi “bùng App vay” này. Nhưng những hội nhóm dạy cách quỵt tiền qua App vẫn được lập ra tràn lan để lôi kéo nhiều người thực hiện và vẫn đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh,  trật tự, an toàn xã hội. Chính vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác cân nhắc kỹ trước khi vay tiền qua App online để tránh những rủi ro phát sinh như lãi suất cao, vay nhầm tín dụng đen, không tin vào lời chào mời sử dụng các dịch vụ làm giả thông tin, làm giả giấy tờ để vay nợ, bùng nợ như lời quảng cáo trên mạng xã hội, không tham gia chia sẻ, bình luận trên các hội nhóm bùng tiền qua App tránh những hệ lụy không đáng.

Xoay quanh vấn đề vay tiền online, ngoài những nội dung trên, còn rất nhiều những vấn đề pháp lý khác cần người dân tìm hiểu, chúng tôi sẽ tiếp tục có những câu chuyện, nhận định pháp lý liên quan đến vấn đề này ở những bài viết tiếp theo để giúp Quý độc giả rõ hơn với những thủ đoạn, phương thức lừa đảo tinh vi của các đối tượng xấu để tránh được những thiệt hại về người và tài sản. 

Phòng Tranh tụng – Công ty Luật TNHH Vietthink.


Cập nhật: 19/04/2023
Lượt xem:90570