Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Những điểm mới nổi bật của Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, sau Đại dịch Covid-19, nhờ những thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh, nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam sẽ là điểm đến tin cậy của nhiều đầu tư nước ngoài trong xu thế dịch chuyển sản xuất, tránh lệ thuộc vào Trung Quốc như trước đây. Trên thực tế, dù là trước hay sau Đại dịch Covid-19, các xung đột về quyền và lợi ích giữa nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ Việt Nam và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dẫn đến tranh chấp đầu tư quốc tế xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Do đó, để phù hợp với tình hình thu hút, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhưng cũng đảm bảo khung pháp lý để có thể giải quyết trong trường hợp phát sinh các tranh chấp đầu tư quốc tế xảy ra thì ngày 8/4/2020 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ("Quyết định 14/2020/QĐ-TTg"). Quyết định 14/2020/QĐ-TTg có một số điểm mới nổi bật như sau:

Thứ nhất, Quy chế quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán khác không phải của Việt Nam. Quy chế quy định rõ ràng việc Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại trọng tài quốc tế, và không áp dụng đối với các việc giải quyết khiếu kiện về đầu tư được giải quyết tại trọng tài, tòa án hoặc cơ quan, tổ chức của Việt Nam theo pháp luật Việt Nam. 

Thứ hai, liên quan đến việc xác định cơ quan chủ trì giải quyết vụ việc tranh chấp, Cơ quan chủ trì là bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có biện pháp bị kiện hoặc đe dọa bị kiện, trừ các trường hợp sau:
  • Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì đàm phán, ký hoặc thay mặt Nhà nước, Chính phủ Việt Nam ký hợp đồng, thỏa thuận, cam kết với nhà đầu tư nước ngoài là cơ quan chủ trì giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, cam kết đó.
  • Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh khi nhà đầu tư nước ngoài kiện Nhà nước, Chính phủ Việt Nam liên quan đến khoản vay, nợ của Chính phủ hoặc khoản vay, nợ được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật quản lý nợ công; tranh chấp đầu tư quốc tế liên quan đến việc áp dụng pháp luật về tài chính, thuế.
  • Trong trường hợp tranh chấp đầu tư quốc tế phức tạp có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ đối ngoại, an ninh hoặc quốc phòng, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ quan chủ trì.
Quy định mới này cũng đã rút ngắn thời hạn thống nhất cơ quan chủ trì trong trường hợp tranh chấp đầu tư quốc tế có các biện pháp bị kiện của hai hoặc nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, theo đó, các cơ quan này phải thống nhất cơ quan chủ trì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo ý định khởi kiện, thay vì thời hạn sau 07 ngày làm việc nếu không thống nhất được sẽ báo cáo lên Thủ tướng và thông báo cho Bộ tư pháp như quy định trước đây.

Trường hợp không thống nhất được cơ quan chủ trì, cơ quan nhận được thông báo ý định khởi kiện thông báo cho cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ quan chủ trì trên nguyên tắc cơ quan chủ trì là cơ quan có liên quan nhiều nhất tới biện pháp bị kiện và có năng lực phù hợp nhất để giải quyết vụ tranh chấp đầu tư quốc tế.

Đây là một trong những quy định mới nổi bật của QĐ 14/2020/QĐ-TTg phân chia đều quyền và nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà đã từng chủ trì đàm phán, ký hoặc thay mặt Nhà nước, Chính phủ Việt Nam ký hợp đồng, thỏa thuận, cam kết với nhà đầu tư nước ngoài sẽ trở thành cơ quan chủ trì giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, cam kết đó thay vì toàn bộ sẽ do Bộ Tư pháp là Cơ quan chủ trì giải quyết tất cả các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh khi Nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam như quy định trước đây.

 
(Nguồn ảnh: Internet)

Thứ ba, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cần phải tuân thủ thực và hiện việc:
  • Cung cấp đầy đủ, hiệu quả, kịp thời, chính xác thông tin, hồ sơ, chứng cứ, tài liệu và ý kiến về các nội dung liên quan theo yêu cầu của cơ quan chủ trì và/hoặc cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ; trường hợp đặc biệt không thể cung cấp, phải nêu rõ lý do;
  • Cử thành viên tham gia Tổ công tác liên ngành theo đúng yêu cầu của cơ quan chủ trì;
  • Giữ bí mật thông tin, tài liệu và bí mật nhà nước có được trong quá trình giải quyết tranh chấp;
  • Phối hợp hiệu quả với cơ quan chủ trì và cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo đúng yêu cầu của cơ quan chủ trì và cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ phù hợp với khả năng chuyên môn hoặc lĩnh vực quản lý chuyên ngành.
Thứ tư, Quy chế đã bổ sung quy định về trách nhiệm thương lượng với nhà đầu tư nước ngoài, theo đó, cơ quan chủ trì được xác định nhận được yêu cầu thương lượng hoặc thông báo ý định khởi kiện của nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến tranh chấp, bất đồng trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải phối hợp ngay với cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ để chủ trì thương lượng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thương lượng.

Thứ năm, quy định mới cũng đã điều chỉnh rút ngắn các thời hạn thực hiện giải quyết công việc để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cần khẩn trương triển khai và có kết quả thực hiện công việc như:
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo ý định khởi kiện hoặc thông báo trọng tài hoặc thông báo tương tự của nhà đầu tư nước ngoài về việc khởi kiện vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế tại trọng tài quốc tế, cơ quan chủ trì phải thông báo bằng văn bản kèm theo các thông tin, tài liệu liên quan đến cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ.
  • Liên quan đến việc xây dựng chiến lược giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế: 
           + Ngay khi nhận được thông báo ý định khởi kiện, thông báo trọng tài hoặc thông báo tương tự của nhà đầu tư nước ngoài về việc khởi kiện vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế tại trọng tài quốc tế, cơ quan chủ trì khẩn trương phối hợp với cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và Tổ công tác liên ngành (nếu đã được thành lập), luật sư (nếu có) xây dựng Bản đánh giá ban đầu về vụ việc và đề xuất phương án giải quyết. 
           + Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được Đơn khởi kiện chính thức của nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan chủ trì phối    hợp với cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và Tổ công tác liên ngành (nếu đã được thành lập), luật sư (nếu có) xây dựng chiến lược tổng thể giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
           + Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được chiến lược tổng thể giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế,  cơ quan có thẩm quyền phê duyệtcó trách nhiệm phê duyệt chiến lược này và gửi cơ quan chủ trì, cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ.

  • Liên quan đến việc xây dựng, hoàn thiện các bản tự bảo vệ, bản kháng biện và các văn bản nộp hội đồng trọng tài quốc tế: Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm góp ý bằng văn bản đối với dự thảo các bản tự bảo vệ, bản kháng biện và các văn bản nộp hội đồng trọng tài quốc tế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị bằng văn bản của cơ quan chủ trì, trừ khi cơ quan chủ trì có yêu cầu thời hạn trả lời khác để đảm bảo thời hạn tố tụng.
  • Kinh phí phục vụ giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự toán kinh phí của cơ quan chủ trì, cơ quan tài chính cùng cấp có trách nhiệm thẩm định kinh phí phục vụ giải quyết vụ tranh chấp đầu tư quốc tế và phối hợp với cơ quan chủ trì báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Quyết định 14/2020/QĐ-TTg chính thức có hiệu lực từ ngày 01/06/2020 và thay thế Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Vietthink News.



Cập nhật: 27/05/2020
Lượt xem:2884