Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Những thay đổi quan trọng của Luật Đấu thầu, Luật Điện lực theo Luật sửa đổi 9 luật

Về nguyên tắc, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật, bao gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (“Luật sửa đổi 9 luật”) chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề vướng mắc còn tồn tại, khó khăn lớn phải khắc phục để tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, xã hội hóa nguồn lực, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp.
Cụ thể tại bài viết này, Vietthink sẽ cập nhật và phân tích các quy định được sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi 9 luật về vấn đề sử dụng nguồn vốn ODA tại Luật Đấu thầu 2013 và vấn đề về xã hội hóa việc đầu tư lưới điện truyền tải tại Luật Điện lực 2004, sửa đổi 2012.
1. Luật sửa đổi 9 luật bổ sung Điều 33a và sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 34 của Luật Đấu thầu 2013
Điều 5 Luật sửa đổi 9 luật bổ sung quy định về các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi như sau:
Điều 33a. Các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi
1. Việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”.
2. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 34 như sau:
“c) Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đối với các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi, trừ trường hợp quy định tại Điều 33a của Luật này;”.
Nếu như trước đây, một trong các căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi là Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan thì nay, Điều 5 của Luật sửa đổi 9 luật quy định các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo hướng: Việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Quy định này nhằm bảo đảm tính thống nhất, thúc đẩy quá trình giải ngân, đưa dự án hoàn thành đúng thời hạn, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ, xây lắp trong các dự án ODA, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Tuy nhiên, có một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung) cho rằng các hoạt động trên cần được quy định cụ thể, mang tính khả thi, đồng bộ sao cho khi ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế không thành công thì sẽ không lãng phí tài nguyên, nhân lực, thời gian và tài chính, để đúng với tính chất và mục đích của Luật sửa đổi 9 luật này, đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức trong việc thực hiện các thủ tục hành chính [1]. Như vậy, Chính phủ có thể sẽ phải nghiên cứu để ban hành các Nghị định quy định chi tiết điều này.

Nguồn ảnh: Internet

2. Luật sửa đổi 9 luật sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 2a Điều 4 và bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 40 Luật Điện lực 2004
Thứ nhất, khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi 9 luật bổ sung các quy định về việc xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải như sau:
“1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 4 như sau:
“2. Xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực.
Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng.
2a. Nhà nước độc quyền trong các hoạt động sau đây:
a) Điều độ hệ thống điện quốc gia;
b) Xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;
c) Vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.”.
Đây là một quy định cần thiết để thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển về điện gió, điện mặt trời nói chung và lưới điện truyền tải nói riêng, cùng với đó là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể là Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về thu hút xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đây là một vấn đề cần phải nghiên cứu, rà soát toàn bộ Luật Điện lực để xem xét đẩy nhanh việc sửa đổi toàn diện, bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật và thật sự mở cửa cho các tổ chức kinh tế được thực hiện đầu tư một cách minh bạch, công bằng. Cùng với đó, việc quy định tư nhân có thể tham gia đầu tư truyền tải điện có một số vấn đề cần lưu ý như:
  • Lĩnh vực điện không còn là lĩnh vực Nhà nước độc quyền. Luật Điện lực hiện hành đã có các quy định về việc độc quyền kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động truyền tải điện thông qua các hoạt động điều độ, điều tiết hoạt động điện lực (chỉ huy, điều khiển, xử lý các tình huống khẩn cấp, huy động công suất, điện năng, chỉ huy việc thao tác lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối, ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến sự vận hành an toàn, tin cậy của hệ thống điện quốc gia; hướng dẫn điều kiện, trình tự, thủ tục ngừng cấp điện, cắt điện hoặc giảm mức tiêu thụ điện, điều kiện, trình tự, thủ tục đấu nối vào hệ thống điện quốc gia...). Tuy nhiên, việc quy định Nhà nước độc quyền “Vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng” chưa chặt chẽ, chưa cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền có thể dẫn tới sự tùy tiện khi áp dụng trong thực tiễn. Cụ thể, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai có ý kiến cho rằng: “Theo dự thảo luật sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân tham gia vận hành, điều này sẽ dẫn đến thực tế trong cùng hệ thống có những chủ thể vận hành khác nhau. Lưới điện truyền tải cần có sự quản lý vận hành thống nhất, đặc biệt với trình độ của Việt Nam hiện nay, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn hệ thống. Nên cần cân nhắc để tránh gây ra hậu quả sau này[2].
  • Chưa có quy định để đảm bảo quốc phòng, an ninh. Việc Nhà nước không độc quyền trong lĩnh vực điện có thể xảy ra các trường hợp tác động, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, nhất là khi công trình đó do nhiều chủ thể kinh tế ngoài nhà nước đầu tư, xây dựng. Theo đó, cần thiết phải có quy định rõ về vai trò cần và đủ của Nhà nước trong việc kiểm soát, đảm bảo các trường hợp lưới điện truyền tải có vai trò quan trọng đối với quốc phòng, an ninh, an toàn hệ thống điện quốc gia thì Nhà nước cần đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành.
  • Xã hội hóa hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải có thể tác động đến giá điện. Việc xã hội hóa này có thể tác động đến giá điện và giá điện có thể rất cao do nhiều chủ thể tham gia vào việc xây dựng lưới điện truyền tải. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh Luật Điện lực sao cho đánh giá được tác động, đảm bảo bình ổn giá và không làm ảnh hưởng đến người dân.
Thứ hai, việc mở rộng các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải đặt ra yêu cầu phải bổ sung thêm quyền của các chủ thể đó, cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật sửa đổi 9 luật như sau:
“2. Bổ sung một số điểm vào khoản 1 và khoản 2 Điều 40 như sau:
a) Bổ sung điểm d1 vào sau điểm d khoản 1 như sau:
“d1) Đấu nối vào lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật;”;
b) Bổ sung điểm h1 vào sau điểm h khoản 2 như sau:
“h1) Bảo đảm quyền đấu nối của các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực vào lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng; trường hợp từ chối đấu nối thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương;”.
Mặc dù tại Điều 40 Luật Điện lực đã có quy định chung về quyền, nghĩa vụ của đơn vị hoạt động truyền tải điện và việc bổ sung như trên đã quy định quyền của chủ đầu tư xây dựng công trình. Tuy nhiên, quy định trên vẫn chưa thật sự chi tiết và cụ thể để có tính khả thi trong thực tiễn. Như vậy, nếu cho phép các tổ chức kinh tế ngoài Nhà nước tham gia trong hoạt động truyền tải điện, cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định trong Luật Điện lực hiện hành, đặc biệt là bổ sung quy định về “quyền đấu nối”.
Trên đây là nội dung cập nhật và phân tích của Vietthink về các quy định được sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi 9 luật tại Luật Đấu thầu 2013 và Luật Điện lực 2004, sửa đổi 2012 được Quốc hội thông qua ngày 11/01/2022. Vietthink sẽ tiếp tục cập nhật và phân tích các điểm sửa đổi quan trọng của Luật Doanh nghiệp và các Luật khác được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi 9 luật tại các bài viết tiếp theo.

Bùi Thị Minh Thúy, Lưu Bảo Anh

Công ty Luật TNHH Vietthink


***Chú thích:

[1] Báo cáo tóm tắt Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự ngày 03/01/2022 của Ủy ban Kinh tế.
[2] Bài viết “Xã hội hóa hoạt động truyền tải điện: Cần thiết, nhưng quy định phải rõ ràng” đăng ngày 10/01/2022 trên Báo Công Thương (Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương): https://congthuong.vn/xa-hoi-hoa-hoat-dong-truyen-tai-dien-can-thiet-nhung-quy-dinh-phai-ro-rang-170510.html


Cập nhật: 30/01/2023
Lượt xem:6647