Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Những tranh chấp phổ biến trong lĩnh vực xây dựng và các phương thức giải quyết tranh chấp

Gắn với sự phát triển của nền kinh tế nước ta hiện nay, lĩnh vực xây dựng được coi là một trong các lĩnh vực thể hiện được nhiều đột phá nhất trong quá trình đất nước phát triển. Tuy vậy, các tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng này cũng ngày càng tăng cao. Theo Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của tòa án congbobanan.toaan.gov.vn của Tòa án nhân dân Tối cao, tính từ đầu năm 2022 đến tháng 6 năm 2023 đã có 200 bản án, quyết định về tranh chấp Hợp đồng xây dựng tại Tòa án, chưa tính các vụ án được giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ trong khoảng thời gian ngắn mà có nhiều tranh chấp trong lĩnh vực này như vậy, nguyên nhân phát sinh từ đâu? Và phương thức giải quyết những tranh chấp này như thế nào?


Ảnh: Vietthink

1. Đầu tiên cần phải hiểu thế nào là tranh chấp về Hợp đồng xây dựng?

Theo Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng. 

Tranh chấp hợp đồng xây dựng là sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến của một hoặc cả hai bên chủ thể của hợp đồng về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng. 

2. Các loại tranh chấp hợp đồng xây dựng phổ biến

Các loại tranh chấp xây dựng thường phát sinh do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu từ các vi phạm của chủ đầu tư hoặc của các nhà thầu. Ví dụ, đối với chủ đầu tư có thể sai phạm tiến độ thanh toán theo khối lượng công việc, tự ý thay đổi khối lượng công trình hoặc yêu cầu kỹ thuật mà không có sự thống nhất của nhà thầu thi công xây dựng công trình,… Còn đối với các nhà thầu, việc tranh chấp phát sinh có thể do sự vi phạm thi công không đúng thiết kế, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng công trình, không hoàn thiện đúng và đủ hồ sơ thanh toán, hồ sơ quyết toán hợp đồng, không thực hiện nghĩa vụ bảo hành sau khi hoàn thành công trình,…

Từ nguyên nhân đó, một số tranh chấp hợp đồng phố biến như:

  • Tranh chấp xây dựng do vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng
Loại tranh chấp do vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo tiến độ hợp đồng được coi là tranh chấp phổ biến nhất trong các loại tranh chấp về xây dựng. Các bên tranh chấp có thể là giữa chủ đầu tư với nhà thầu hoặc giữa nhà thầu chính với nhà thầu phụ. Đặc trưng chung của cả hai mối quan hệ tranh chấp này đều xuất phát từ việc các nhà thầu đã hoàn thành nghĩa vụ thi công theo hợp đồng nhưng chủ đầu tư/nhà thầu chính lại không tiến hành thanh toán đầy đủ khối lượng mà nhà thầu đã thi công hoặc có thể tìm cách gây khó khăn, chậm trễ thanh toán làm thiệt hại kinh tế cho nhà thầu, dẫn đến phát sinh tranh chấp. 

  • Tranh chấp Hợp đồng xây dựng do không đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình
Trong lĩnh vực thi công xây dựng vấn đề tiến độ và chất lượng công trình là các yếu tố quan trọng thường được quy định chặt chẽ tại các hợp đồng thi công xây dựng giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thi công do tác động của nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau như thời tiết, dịch bệnh, điều kiện về vốn, về nhân lực… dẫn đến nhà thầu đã thi công công trình không đảm bảo về tiến độ hoặc không đảm bảo về chất lượng công trình. Điều này dẫn tới phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công về việc yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc vi phạm hợp đồng gây nên. 

  • Tranh chấp Hợp đồng xây dựng do không thực hiện nghĩa vụ bảo hành
Theo quy định của pháp luật về xây dựng, thời hạn bảo hành đối với các hạng mục công trình, công trình xây dựng từ 12 tháng hoặc 24 tháng trở lên (tùy thuộc vào cấp công trình và nguồn vốn đầu tư) kể từ ngày nghiệm thu đưa vào sử dụng. Theo đó để đảm bảo cho việc bảo hành, khi ký kết hợp đồng các bên thỏa thuận giữ lại % giá trị hợp đồng nhất định (thông thường khoảng 3% đến 5%) để đảm bảo cho nghĩa vụ bảo hành công trình. Trường hợp sau khi đưa vào sử dụng, trong thời hạn bảo hành chủ đầu tư phát hiện ra một số lỗi kỹ thuật của công trình nên yêu cầu nhà thầu sửa chữa những khiếm khuyết đó, tuy nhiên nhà thầu không thực hiện hoặc thực hiện không hết, không đảm bảo được đúng nghĩa vụ bảo hành mà cố tình kéo dài thời gian cho đến khi hết thời gian bảo hành để yêu cầu chủ đầu tư thanh toán nốt số tiền còn giữ lại, dẫn đến các bên xảy ra tranh chấp.  

  • Tranh chấp Hợp đồng xây dựng do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn
Trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư và nhà thầu không tránh khỏi việc có xung đột lợi ích, không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc vì các lý do riêng mà một trong hai bên đã tiến hành chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Khi một trong hai bên chấm dứt hợp đồng có thể sẽ xảy ra thiệt hai cho bên còn lại. Hệ quả tất yếu đó là tranh chấp sẽ xảy ra giữa các bên về yêu cầu xử phạt vi phạm hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do bên vi phạm gây ra.

3.  Các phương thức giải quyết tranh chấp Hợp đồng xây dựng

Thông thường, khi giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng có thể giải quyết bằng 3 phương thức gồm: Thương lượng, hòa giải, khởi kiện ra Trung tâm trọng tài hoặc khởi kiện ra Tòa án. Cụ thể:

  • Thương lượng

Thương lượng là phương thức được áp dụng đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Một bên đề nghị các bên gặp mặt trao đổi trực tiếp hoặc thương lượng gián tiếp thông qua mail, điện thoại để thỏa thuận, thống nhất giải quyết tranh chấp. Phương thức này rất linh hoạt, nhanh chóng và tiết kiệm cho các bên, tuy nhiên lại chưa có cơ chế bắt buộc, nên vẫn có thể một trong các bên không thực hiện mặc dù kết quả thương lượng thành công. 

  • Hòa giải

Hòa giải là phương thức với sự tham gia của bên thứ ba, độc lập với Tòa án. Trường hợp các bên không thương lượng được, có thể nhờ đến cá nhân/ tổ chức thứ ba để đứng ra hòa giải. Các bên sẽ phải thống nhất lựa chọn bên thứ ba để đứng ra hòa giải tranh chấp. Ưu điểm của phương thức này là nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cho các bên nếu hòa giải thành công. Nhưng nếu kết quả hòa giải không thành thì đây lại là nhược điểm của phương thức này. Bởi dù kết quả hòa giải không thành công thì các bên vẫn phải trả một khoản chi phí cho hòa giải viên. Ngoài ra, thời gian hòa giải kéo dài có thể ảnh hưởng đến quyền khởi kiện của các bên do hết thời hiệu khởi kiện. 

  • Khởi kiện ra Trung tâm Trọng tài

Tại Việt Nam, hiện nay có nhiều trung tâm trọng tài, trong đó có thể kể đến Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm trọng tài thương mại Á Châu (ACIAC), Trung tâm trọng tài thương mại Phí Nam (STAC), Trung tâm trọng tài quốc tế Việt – Trung (VCITAC),… Để giải quyết tranh chấp bằng phương thức này, các bên phải có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực dưới dạng điều khoản trong hợp đồng hoặc một thỏa thuận trọng tài riêng có hiệu lực độc lập với hợp đồng. Sau khi tiếp nhận Đơn khởi kiện, Trung tâm trọng tài sẽ thành lập Hội đồng trọng tài để nghiên cứu hồ sơ vụ việc, tổ chức phiên họp để giải quyết tranh chấp và ban hành Phán quyết trọng tài. Mặc dù Phán quyết trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực kể từ ngày ban hành nhưng trong một số trường hợp Phán quyết trọng tài vẫn có thể bị hủy khi thuộc vào một trong các trường hợp như thỏa thuận trọng tài trái với quy định của pháp luật, chứng cứ do các bên cung cấp là giả mạo hoặc phán quyết trọng tài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên đó chỉ là một số ít trường hợp, nhìn chung thì phương thức giải quyết bằng trọng tài vẫn được ưu tiên do thời gian giải quyết bằng phương thức trọng tài được rút ngắn hơn rất nhiều so với giải quyết tranh chấp tại Tòa án, và đảm bảo được thông tin của các bên. 

  • Khởi kiện tại Tòa án

Khởi kiện tại Tòa án là phương thức truyền thống thường được lựa chọn. Việc giải quyết tại tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các luật khác có liên quan. Trước khi khởi kiện, nguyên đơn cần xác định đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết để nộp đơn. Sau khi thụ lý đơn khởi kiện, trước tiên Tòa án giải quyết vụ án sẽ triệu tập các đương sự lên làm việc, tổ chức các buổi giao nộp chứng cứ và hòa giải. Nếu hòa giải thành thì Tòa án sẽ ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Trường hợp các bên không hòa giải thành, Tòa án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và mở phiên tòa xét xử. Tuy phương thức khởi kiện tại Tòa án là phương thức truyền thống và phổ biến, nhưng lại có nhược điểm là quá trình giải quyết kéo dài rất lâu do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau, khiến cho các bên tranh chấp phải tốn rất nhiều công sức và tiền bạc.

Trên đây là một số tranh chấp về lĩnh vực xây dựng phổ biến và các phương thức giải quyết tranh chấp. Để tránh những tranh chấp trong các quan hệ hợp tác nói chung, trong lĩnh vực xây dựng nói riêng, ngay từ thời điểm ký hợp đồng xây dựng, các chủ thể ký kết nên nhờ sự tư vấn của những người có chuyên môn như Luật sư, chuyên viên tư vấn luật trong lĩnh vực đó. Khi xảy ra tranh chấp, các bên nên thuê dịch vụ tư vấn pháp lý ngay để đưa ra được hướng giải quyết đúng đắn, kịp thời, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 


Cao Thị Hải - Công ty Luật TNHH Vietthink
Cập nhật: 27/06/2023
Lượt xem:15316