Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

PHIÊN HỌP THAM VẤN VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) DO UỶ BAN KINH TẾ QUỐC HỘI TỔ CHỨC NGÀY 04/8/2023

Sáng ngày 04/8/2023, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), nhằm tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp. 

Tham gia Phiên họp có Đồng chí Vũ Hồng Thanh – Uỷ viên Trung ương Đảng, chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, đồng chí Phan Đức Hiếu – Uỷ viên thương trực Uỷ ban Kinh tế, đại diện các Uỷ ban của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, Ban Ngành TƯ, đại diện các Tỉnh, thành phố, đại diện của một số hiệp hội, Tập đoàn trong lĩnh vực BĐS và đại diện của một số công ty luật.


Ảnh: Cổng thông tin Điện tử Quốc hội Việt Nam

Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, tiếp thu nhiều ý kiến thẩm tra và ý kiến đại biểu Quốc hội với sự chủ trì của Thường trực Ủy ban Kinh tế và sự phối hợp của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan. Dự thảo Luật được chỉnh lý đã gửi tới các đại biểu để nghiên cứu. 

Tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế lấy ý kiến tham vấn của các đại biểu về một số nội dung liên quan đến: 

  • Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; 
  • Điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa; 
  • Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nguyên tắc phân bổ và việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất tại các quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện,..); 
  • Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất;…); 
  • Thu hồi đất chưa có trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh (trường hợp chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh nhưng cần thu hồi ngay để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; thu hồi đất quốc phòng, an ninh chưa được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh là đất chuyển giao cho địa phương để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; …)
  • Hoạt động lấn biển;
  • Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất;
  • Giá đất;
  • Đất sử dụng cho khu kinh tế;
  • Một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai của các Nghị quyết của Quốc hội


Ông Đinh Dũng Sỹ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Phiêp họp.
Nguồn ảnh: Cổng thông tin Điện tử Quốc hội Việt Nam

Các phương án dự thảo quy định liên quan đến đầu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện Dự án

Tại phiên họp, các nội dung liên quan đến việc đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện Dự án được nhiều Đại biểu quan tâm tham luận. Tại Điều 79 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến ĐBQH về việc không quy định dẫn chiếu sang các điều khác mà quy định rõ ngay tại Điều 79 về các trường hợp thu hồi đất và quy định rõ tại các điều 124, 125 và 126 về các trường hợp đấu giá, đấu thầu, không đấu giá, không đấu thầu và thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có, dự thảo Luật sửa đổi các điều, khoản có liên quan như sau:

Tại Điều 79, đối với dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng, dự thảo Luật đưa ra 02 phương án về xác định tiêu chí thu hồi và thực hiện đấu giá, đấu thầu: 

Phương án 1 quy định theo hướng giao Hội đồng nhân dân quyết định dự án trọng điểm thực hiện đấu thầu dựa trên các nguyên tắc: (1) bảo đảm hiệu quả sử dụng đất; (2) khả năng bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (3) quỹ đất hiện có tại địa phương; (4) nhu cầu thu hút đầu tư của địa phương; (5) bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện. Ngoài các trường hợp này mà Nhà nước thu hồi thì giao Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất (quy định tại Điều 112, Điều 125 và Điều 126 dự thảo Luật đã chỉnh lý). Quy định theo hướng này nhằm tạo điều kiện cho địa phương tự quyết định phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Tuy nhiên, việc thiếu quy định định lượng sẽ gây lúng túng cho địa phương trong tổ chức thực hiện.

Phương án 2 quy định tiêu chí phân định theo quy mô về diện tích dự án, trên 10 hécta là trường hợp đấu thầu, không phân biệt loại đất thực hiện dự án; dưới 10 hécta và không sử dụng đất ở là trường hợp đấu giá; dưới 10 hécta và có sử dụng đất ở là trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có (quy định tại Điều 112, Điều 125 và Điều 126 dự thảo Luật đã chỉnh lý). 

Quy định theo hướng này nhằm xác định rõ ràng ngay tại Luật các trường hợp đấu thầu, đấu giá, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có để địa phương thực hiện được ngay. Mức 10 hécta là mức cao của dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5; tại Báo cáo số 277/BC-CP của Chính phủ trong Hồ sơ dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 đã nêu mức quy mô này là phù hợp với khả năng sẵn có của quỹ đất tại các địa phương trong bối cảnh hiện nay. Dưới mức này thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất nếu trong diện tích dự án không có đất ở; nếu trong diện tích dự án có đất ở thực hiện thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có, đồng thời, cũng tạo điều kiện cho cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai thực hiện được trên thực tế. Tuy nhiên, mức quy mô 10 hécta này cũng cần tiếp tục nghiên cứu. Có ý kiến đề nghị quy định mức quy mô 20 hécta tương ứng với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị.

Để bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ và làm rõ lợi ích công cộng của việc thu hồi đất, dự thảo Luật quy định các dự án quy định tại điểm e khoản 3 Điều 79 giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện.

Tại các Điều 122, 124, 125, 126 và 127: (1) Quy định rõ đấu giá đối với dự án đầu tư sử dụng đất sạch có sẵn (không phải bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) giao Tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý và khai thác; (2) Đối với dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng: quy định rõ đấu giá đối với dự án quy định tại điểm e khoản 3 Điều 79; đấu thầu đối với dự án quy định tại điểm g khoản 3 Điều 79; thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có không thuộc trường hợp quy định tại Điều 79; (3) Bỏ quy định theo hướng bắt buộc mọi trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 124 đều phải xác định một hay hai nhà đầu tư đăng ký thực hiện; sửa đổi theo hướng quy định rõ các trường hợp phải xác định một hay hai nhà đầu tư đăng ký thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan tại điểm g khoản 1 Điều 126; (4) Trên cơ sở xác định rõ phạm vi các trường hợp đấu giá, đấu thầu, không đấu giá, không đấu thầu, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có, dự thảo Luật bỏ khoản 5 Điều 122 về xác định thứ tự ưu tiên đấu giá, đấu thầu, thỏa thuận.


Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban kinh tế tham luận tại Phiên họp. Nguồn ảnh: Cổng thông tin Điện tử Quốc hội Việt Nam

Thu hồi đất chưa có trong quy hoạch, hoạt động lấn biển

Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu tham gia ý kiến liên quan đến thu hồi đất chưa có trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh và quy định liên quan đến hoạt động lấn biển.

Về trường hợp chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh nhưng cần thu hồi ngay để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh: Ý kiến thẩm tra và ý kiến ĐBQH cho rằng quy định tại dự thảo Luật chưa rõ ràng về tính chất “cần thu hồi ngay” để lý giải cho trường hợp ngoại lệ thu hồi đất “chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”, tránh trùng lặp với quy định về trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. 

Về hoạt động lấn biển, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định rõ về 03 loại dự án có liên quan đến hoạt động lấn biển: 

(1) Một là, dự án đầu tư trên đất lấn biển sử dụng vốn của nhà đầu tư (vốn ngoài ngân sách nhà nước): trường hợp này, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là để thực hiện dự án đầu tư trên đất lấn biển.

Về dự án loại này, có 02 loại ý kiến như sau:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần xác định rõ các giai đoạn thực hiện khi nhà đầu tư trúng thầu thì giao khu vực biển để nhà đầu tư thực hiện lấn biển, khi hoàn thành lấn biển thì giao đất, cho thuê đất không đấu giá, không đấu thầu để thực hiện dự án.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị khi giao đất luôn từ thời điểm giao khu vực biển để nhà đầu tư trúng thầu thực hiện lấn biển. 

(2) Hai là, dự án đầu tư trên đất lấn biển là dự án đầu tư công: trường hợp này, Nhà nước đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện hoạt động lấn biển, sau khi hoàn thành lấn biển, đất lấn biển được dùng để thực hiện dự án đầu tư trên đất lấn biển đã được xác định khi phê duyệt dự án đầu tư công đó (quy định tại điểm d khoản 3 Điều 79, điểm h khoản 1 Điều 126, điểm b khoản 6 Điều 190).

(3) Ba là, dự án lấn biển đơn thuần, tạo quỹ đất, chưa xác định dự án đầu tư trên đất lấn biển: trường hợp này, Nhà nước đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện hoạt động lấn biển, sau khi hoàn thành lấn biển, đất lấn biển giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất quản lý để giao, cho thuê thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất (quy định tại điểm d khoản 3 Điều 79, điểm h khoản 1 Điều 112, điểm a khoản 6 Điều 190). Quy định như vậy để tạo cơ sở pháp lý về đất đai, cùng với các quy định khác có liên quan về đầu tư, cho phép thực hiện dự án lấn biển tạo quỹ đất, phù hợp với điều kiện thực tế về địa chất nơi thực hiện lấn biển và ngân sách cho việc thực hiện.

Theo Vietthink News.
Cập nhật: 04/08/2023
Lượt xem:1064