Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Quy định mới hướng dẫn chi tiết về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ

Ngày 26/05/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 36/2021/TT-BTC (“Thông tư 36”) hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP (“Nghị định 91”), Nghị định 32/2018/NĐ-CP (“Nghị định 32”), Nghị định 121/2020/NĐ-CP (“Nghị định 121”) và Nghị định 140/2020/NĐ-CP (“Nghị định 140”). Thông tư 36 có một số nội dung đáng chú ý như sau: 

Hướng dẫn điều chỉnh vốn Điều lệ tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 36, việc điều chỉnh vốn Điều lệ tại doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện như sau:
  • Đối với doanh nghiệp thành lập mới: Căn cứ Đề án thành lập doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định và số vốn nhà nước thực cấp (đối với doanh nghiệp thành lập mới không có dự án đầu tư xây dựng), vốn nhà nước đã cấp theo quyết toán công trình hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với doanh nghiệp thành lập mới trên cơ sở bàn giao dự án đầu tư xây dựng) để ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp, Doanh nghiệp thực hiện đăng ký mức vốn điều lệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi thành lập bằng mức vốn thực tế đã cấp và đầu tư của nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp. 
  • Đối với doanh nghiệp đang hoạt động: Việc điều chỉnh vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định 91, khoản 4 Điều 1 Nghị định 32 và khoản 7 Điều 2 Nghị định 140 của Chính phủ. Cụ thể, căn cứ phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản (kèm theo hồ sơ của doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định) để đề nghị cơ quan tài chính thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp. Trường hợp đầu tư bổ sung vốn điều lệ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước), cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện cấp vốn từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Ngoài ra, trường hợp cấp bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện cấp từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
  • Đối với các doanh nghiệp không có nhu cầu bổ sung vốn điều lệ hoặc không lập phương án xác định vốn điều lệ và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm rà soát, quyết định và chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện nộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước, việc nộp phần chênh lệch này không làm ảnh hưởng đến khả năng thanh toán và nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phần chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu, đồng thời thực hiện hạch toán giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu theo quy định hiện hành.
Lưu ý các doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2020 trở về trước phải rà soát, xây dựng phương án xác định vốn điều lệ và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo quy định tại khoản 21 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.


Hướng dẫn chi tiết việc phân phối lợi nhuận đối với Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và căn cứ trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên. 

  • Nguyên tắc phân phối lợi nhuận: Lợi nhuận của doanh nghiệp được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, phần lợi nhuận còn lại được phân phối theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 31 Nghị định 91 và Điều 2 Nghị định 32. Trong đó, nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp là sẽ trích không quá 30% lợi nhuận sau thuế vào quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp; trích quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động; trích quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên.  
  • Căn cứ để trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên là dựa trên xếp loại doanh nghiệp A, B, C và trung bình quỹ tiền lương, thù lao của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người lao động thực hiện trong năm. Trong đó:
+ Việc xếp loại doanh nghiệp A, B, C thực hiện theo quy định của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn nhà nước.  

+ Tiền lương tháng thực hiện làm căn cứ trích lập các quỹ là quỹ tiền lương người lao động, quỹ tiền thưởng, thù lao người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên chia (:) cho 12 tháng trong năm tài chính. Trường hợp, doanh nghiệp thực hiện cơ chế tiền lương, tiền thưởng theo quy định đặc thù thì thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ về đặc thù đó.

Bên cạnh đó, Thông tư 36/2021 cũng ban hành Quy chế mẫu về chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trên cơ sở Quy chế mẫu ban hành kèm theo Thông tư này, tình hình cụ thể của đơn vị có vốn góp và phần vốn cần chuyển nhượng, Tổ chức đấu giá có trách nhiệm ban hành quy chế đấu giá cổ phần/phần vốn góp, mẫu giấy tờ liên quan để tổ chức thực hiện đấu giá sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Các hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư 36 được đánh giá là rất rõ ràng, đảm bảo hiệu quả trong việc quản lý nguồn vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp. Thông tư 36/2021/TT-BTC chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 07 năm 2021. 

Vietthink News


Cập nhật: 22/07/2021
Lượt xem:38439