Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Quy định mới về hủy thầu trong Luật Đấu thầu 2023

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 123 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, hủy thầu là biện pháp người có thẩm quyền, chủ đầu tư và bên mời thầu xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và các quy định khác của pháp luật liên quan đến tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động đấu thầu bằng cách ban hành quyết định hủy thầu theo quy định.


(Nguồn: Vietthink)

Trước đây, tại Điều 17 Luật Đấu thầu 2013 quy định các trường hợp hủy thầu bao gồm: (1) Tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; (2) Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; (3) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án; (4) Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu đẫn đến sau lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. 

Thay vì gộp chung các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư thực hiện dự án như quy định tại Luật Đấu thầu 2013, Luật Đấu thầu 2023 đã tách biệt các trường hợp hủy thầu tại Khoản 1 và 2 Điều 17 như sau:
  • Các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu bao gồm: 
      • Tất cả hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
      • Thay đổi về mục tiêu, phạm vi đầu tư trong quyết định đầu tư đã được phê duyệt làm thay đổi khối lượng công việc, tiêu chuẩn đánh giá đã ghi trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; 
      • Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu 2023, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu; 
      • Nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm theo quy định của Luật Đấu thầu 2023; 
      • Tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm theo quy định của Luật Đấu thầu 2023 dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
  • Các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư gồm: 
      • Tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
      • Thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư kinh doanh vì lý do bất khả kháng, làm thay đổi tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đã phát hành;
      • Hồ sơ mời thầu có một hoặc một số nội dung không tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu 2023, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn không còn đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh; 
      • Nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm theo quy định của Luật Đấu thầu 2023; 
      • Tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm theo quy định của Luật Đấu thầu 2023 dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Như vậy, có thể thấy rằng Luật Đấu thầu 2023 vừa mở rộng phạm vi các trường hợp hủy thầu theo hướng khái quát hóa nhưng cũng bổ sung các quy định chi tiết để phù hợp với quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong thực tế, đảm bảo tính khách quan, nâng cao hơn trách nhiệm của nhà thầu trúng thầu, khắc phục những vướng mắc của Luật Đấu thầu 2013. Nhìn chung, các quy định mới về hủy thầu mang tính cải tiến, tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan, từ đó đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong quá trình đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện dự án.

Hoàng Thị Phương - Công ty Luật TNHH Vietthink
Cập nhật: 27/02/2024
Lượt xem:1975