Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Tăng cường tính minh bạch trong quản trị công ty đại chúng

Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán Việt Nam, các công ty đại chúng cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh một số công ty đại chúng hoạt động theo đúng chuẩn mực, coi trọng uy tín trên thương trường và quan tâm bảo vệ quyền lợi cổ đông thì cũng còn không ít công ty đại chúng hoạt động một cách thiếu minh bạch, chụp giật, dùng nhiều chiêu trò để trục lợi cho một số ít người trong công ty và sẵn sàng hy sinh lợi ích của các cổ đông. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do những bất cập trong các quy định pháp luật về quản trị công ty đại chúng. 
Sau khi Luật doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, các công ty đại chúng đã gặp phải một số khó khăn về quản trị, điều hành, đặc biệt là trong việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên hoặc bất thường. Đó là bởi vì các quy định về quản trị công ty cổ phần trong Luật Doanh nghiệp 2014 có một số điểm mới và khác biệt so với quy định tại Thông tư 121/2012/TT-BTC. Để tháo gỡ vấn đề này, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã ban hành Văn bản số 2463/UBCK-QLCB ngày 11/5/2016 về việc lưu ý thực hiện Thông tư 121/2012/TT-BTC theo tinh thần Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, Văn bản số 2463/UBCK-QLCB không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nên hiệu lực pháp lý không cao. Mặt khác, văn bản này chỉ được áp dụng tạm thời trong khi chờ đợi Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét sửa đổi Thông tư 121/2012/TT-BTC.

Ngày 06/6/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng (có hiệu lực từ 01/8/2017). Đây là lần đầu tiên việc quản trị công ty đại chúng được quy định riêng tại một Nghị định, đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ về vấn đề này. Thông tư số 121/2012/TT-BTC cũng bị bãi bỏ kể từ ngày Nghị định 71/2017/NĐ-CP có hiệu lực. 
So với các quy định trước đây về quản trị công ty đại chúng, Nghị định 71/2017/NĐ-CP có một số điểm mới như sau:
Thứ nhất, tăng thời hạn tối thiểu phải công bố thông tin về việc lập danh sách cổ đông có quyền dự họp trước ngày đăng ký cuối cùng từ 05 ngày (Khoản 2 Điều 6 Thông tư 121/2012/TT-BTC) thành 20 ngày (Khoản 1 Điều 8 Nghị định 71/2017/NĐ-CP). Quy định này là phù hợp vì trên thực tế có những cổ đông nước ngoài, cổ đông ở xa địa điểm tổ chức họp cần nhiều thời gian để sắp xếp công việc và phương tiện đi lại để dự họp. Mặt khác, việc tăng thời hạn lên 20 ngày cũng là một cú huých làm gia tăng lượng giao dịch cổ phiếu của doanh nghiệp trong khoảng thời gian này, khiến cho thị trường chứng khoán thêm sôi động.
Thứ hai, Nghị định 71/2017/NĐ-CP có quy định mới nhằm hạn chế tình trạng “lạm quyền” của Hội đồng quản trị trong việc ban hành các quy chế nội bộ áp dụng trong Công ty. Trước đây, các quy chế nội bộ của Công ty chủ yếu đều do Hội đồng quản trị thông qua, do đó không tránh khỏi việc tùy tiện, thiếu công khai, minh bạch, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ. Theo quy định mới này, các quy chế nội bộ của Công ty do Hội đồng quản trị ban hành hoặc phê chuẩn chỉ có hiệu lực thi hành khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Thứ ba, theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP, từ ngày 01/8/2020, Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng Giám đốc) của cùng một công ty đại chúng. Còn từ ngày 01/8/2019 trở đi, thành viên Hội đồng quản trị của một công ty đại chúng không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị tại quá 05 Công ty đại chúng khác. Quy định mới này sẽ hạn chế bớt việc lạm quyền khi một cá nhân vừa có quyền biểu quyết lại vừa quyền điều hành trong công ty. Mặt khác, việc giới hạn một người không thể tham gia làm thành viên HĐQT của quá 05 công ty đại chúng cũng góp phần hạn chế tình trạng liên kết ngầm, sở hữu chéo giữa các công ty vốn rất khó kiểm soát hiện nay.
Thứ tư, Nghị định 71/2017/NĐ-CP lần đầu tiên quy định cho phép các công ty đại chúng có thể áp dụng tiêu chuẩn về giới tính để lựa chọn thành viên Hội đồng quản trị, (Khoản 1 Điều 13 Nghị định 71/2017/NĐ-CP). Quy định mới này tạo cơ sở pháp lý cho một số doanh nghiệp đặc thù có thể xác định giới tính là tiêu chí lựa chọn người quản lý, điều hành doanh nghiệp của mình. 
Thứ năm, về việc hạn chế xung đột lợi ích trong các giao dịch của công ty đại chúng với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và những người có liên quan. Nghị định 71/2012/NĐ-CP đã xác định và phân loại đối tượng áp dụng một cách rất chi tiết. Việc phân loại vẫn đảm bảo quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ nhưng đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động hỗ trợ tài chính của doanh nghiệp trong nhóm công ty và hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Các quy định hạn chế xung đột lợi ích trong các giao dịch của Công ty đại chúng trước đây trong Thông tư 121/2012/TT-BTC chưa hoàn toàn hợp lý đối với các công ty hoạt động theo nhóm công ty hay đối với các tổ chức tín dụng. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp hoạt động theo nhóm công ty, như các công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, tập đoàn kinh tế, sự liên kết theo nhóm giúp các doanh nghiệp hoạt động vững mạnh hơn, các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động đặc biệt là hỗ trợ về tài chính; đối với các tổ chức tín dụng, một trong những nghiệp vụ chính của các tổ chức tín dụng là hoạt động cho vay và bảo lãnh. Do đó với quy định như hiện tại, các tổ chức tín dụng bị giảm số lượng khách hàng đáng kể khi không được thực hiện nghiệp vụ cho vay hay bảo lãnh đối với các đối tượng là cổ đông hay người liên quan đến các cổ đông đó. Ngoài ra, quy định này cũng không đạt được mục tiêu là bảo vệ quyền lợi của cổ đông khi việc không cho vay hay bảo lãnh sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của tổ chức tín dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông.
Nhìn chung, Nghị định 71/2017/NĐ-CP đã xử lý được rất nhiều vướng mắc mà các công ty đại chúng cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang gặp phải. Nghị định cũng hạn chế việc “lạm quyền” của Hội đồng quản trị, giúp cổ đông có thể kiểm soát chặt chẽ hơn tình hình quản trị công ty đại chúng, qua đó tăng cường tính minh bạch, chuẩn mực của các công ty đại chúng và thị trường chứng khoán nói chung./.
Luật sư Hoài Anh – Công ty Luật Vietthink

Cập nhật: 26/08/2017
Lượt xem:4246