Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

TS. LS Lê Đình Vinh tham gia Toạ đàm Tìm kiếm phương thức hợp tác công tư hiệu quả trong các Dự án BOT do VIAC, VCCI và USAID tổ chức

Sáng ngày 21/6/2022 tại Toà tháp VCCI, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) đã phối hợp tổ chức thành công Toạ đàm “Tìm kiếm phương thức hợp tác công – tư hiệu quả trong các Dự án xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng giao thông theo mô hình BOT tại Việt Nam”.

Nguồn ảnh: VIAC


Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHARM), các chuyên gia, diễn giả, đại diện các Nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực PPP; và các cơ quan báo chí trung ương, tạp chí chuyên ngành xây dựng, giao thông. 


Tiến sĩ, Luật sư Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật Vietthink, Chuyên gia độc lập của USAID về PPP tham gia với tư cách Diễn giả tại Toạ đàm và Chuyên gia pháp lý do USAID mời đánh giá các vướng mắc pháp lý trong việc triển khai các hợp đồng mẫu PPP tại Việt Nam và đưa ra các đánh giá, khuyến nghị để xây dựng các loại hợp đồng mẫu PPP trong thời gian tới.


Nguồn ảnh: Vietthink


Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Đại diện Uỷ ban PPP, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng phương thức đối tác công tư (PPP) là một phương thức hiệu quả để Nhà nước cùng doanh nghiệp hợp tác triển khai các công trình giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Hiện nay, Nhà nước có chủ trương triển khai xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc mới, kỳ vọng có thể tạo nên sự đột phá mạnh mẽ trong việc phát triển các tuyến đường giao thông tại Việt Nam. Vì vậy, triển vọng của hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công – tư là rất lớn. 


Tại Báo cáo dẫn đề cho Phiên đầu tư của Toạ đàm, Bà Vũ Quỳnh Lê – Đại diện Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ khung pháp lý hiện hành về PPP tại Việt Nam. Theo Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (“Luật PPP”) đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 với kỳ vọng đạt được những bước tiến mới trong thu hút đầu tư từ khối tư nhân thông qua hợp tác công – tư để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, cung cấp dịch vụ công. Phương thức đối tác công – tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông theo mô hình Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (BOT) đã được triển khai nhiều tại Việt Nam và trên thực tế đã góp phần thúc đẩy sự phát triển, nâng tầm của hạ tầng giao thông đất nước. Tiếp nối Luật PPP, đã có các văn bản hướng dẫn Luật PPP, bao gồm: Nghị định 28/2021/NĐ-CP, Nghị định 35/2021/NĐ-CP, Nghị định 69/2019/NĐ-CP, Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư dự án đầu tư có sử dụng đất, Thông tư 08/2022/TT-BTC hướng dẫn khoản thu chi trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.


Tại Phụ lục 06 của Nghị định 35 đã có hướng dẫn cách lập hợp đồng mẫu, phù hợp với đặc thù của từng ngành. Nội dung mẫu Hợp đồng BOT đã đề cập đến đặc thù của ngành, nhưng vẫn chưa đầy đủ (tiêu chuẩn, chỉ số đánh giá chất lượng công trình, áp dụng thu phí không dừng, huy động tín dụng;…)


Hợp đồng BOT lĩnh vực giao thông có nhiều bên tham gia, bao gồm: Mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; Mối quan hệ giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và bên cho vay; Mối quan hệ giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và người sử dụng dịch vụ; Mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và người dân, người sử dụng dịch vụ.


Tiếp theo báo cáo dẫn đề của Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tham luận của Đại diện Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Hợp đồng BOT. Phát biểu tại Toạ đàm, Ông Lê Bách Cương - Trưởng phòng Pháp chế - Đấu thầu, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông, Bộ Giao thông Vận tải đã phát biểu về việc xây dựng Thông tư hướng dẫn một số nội dung về phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư và mẫu hợp đồng BOT thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Theo đó, Cục Quản lý Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng dự thảo Thông tư, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan; tiếp thu góp ý của các cơ quan, đơn vị và hoàn thiện trình Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành theo quy định. Dự thảo Thông tư hướng dẫn 02 nội dung chính bao gồm (i) phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư theo nội dung hướng dẫn tại Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT, Nghị định 35/2021/NĐ-CP và (ii) mẫu hợp đồng dự án BOT được xây dựng cơ bản bám theo nội dung tại Phụ lục VI Nghị định 35/2021/NĐ-CP. Nội dung Hợp đồng BOT gắn với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chứ không quy định cụ thể để các bên đàm phán hợp đồng một cách có hiệu quả và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.


Nguồn ảnh: Vietthink

PGS., TS. Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đưa ra một số vướng mắc trong việc triển khai phương thức PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ trên thực tế khiến phương thức này chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Qua theo dõi và tổng kết một số dự án đầu tư theo phương thức PPP đã khắc phục được 3 vấn đề chính: chậm tiến độ, đội vốn và chất lượng công trình dự án. Theo PGS., TS. Trần Chủng, bản chất của PPP là sự bình đẳng của Nhà nước và tư nhân để cùng tham gia công trình và dịch vụ công nhưng thực tế hiện nay cơ quan quản lý Nhà nước vẫn bị nặng việc áp đặt tư duy quản lý nhà nước trong mối quan hệ này nên dẫn đến sự bất bình đẳng giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, không phù hợp với nguyên tắc “đối tác” song phương của hợp đồng; do vậy cần thiết bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong hợp đồng trên tinh thần cân bằng lợi ích và đảm bảo sự bình đẳng giữa hai bên. 


PGS., TS. Trần Chủng chỉ ra nhiều vấn đề vướng mắc, bức xúc thực tế trong việc triển khai các dự án BOT hiện nay như: Vấn đề bất cập về tỷ lệ vốn và giải ngân vốn ngân sách của Nhà nước, qua đó PGS., TS đề cập đến phương án Nhà nước sử dụng vốn “mồi” để hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân tham gia, đặc biệt đối với các dự án vùng sâu, vùng xa mà lưu lượng xe thấp hoặc nhà nước đầu tư vào các hạng mục công trình có suất đầu tư lớn như cầu, hầm lớn và bằng các chính sách khác hấp dẫn thêm nhà đầu tư. Ngoài ra, nhà đầu tư gặp vướng mắc về nguồn vốn huy động bởi chỉ có thể tìm nguồn vốn huy động từ kênh tín dụng của các Ngân hàng thương mại (điển hình là sự “thất bại” của 8 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017 – 2021) khi 5 dự án không có ngân hàng bảo lãnh và 2 dự án phải kéo dài thời gian đàm phán tín dụng); bài toán “nghịch” giữa trả lãi vay và doanh thu các dự án BOT giao thông. Công tác giải phóng mặt bằng cũng gây bức xúc kéo dài nhiều năm đối tác các dự án hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc. 


Phương thức đối tác công tư là cơ hội để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng mạng lưới đường cao tốc nhưng các nhà đầu tư rất cần các điều kiện thông qua các chính sách cụ thể để nắm bắt được cơ hội đầu tư trong đó cần mở rộng các hình thức hợp đồng trong đó, điều kiện về vốn huy động ít áp lực hơn hình thức hợp đồng BOT. Ngoài ra, cần khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Việc quản lý đơn giá, định mức hiện nay đã hạn chế các nhà thầu, nhà đầu tư ứng dụng các giải pháp vật liệu mới, công nghệ mới nhằm đảm bảo chất lượng khai thác, kéo dài tuổi thọ công trình, mang lại lợi ích to lớn (ví dụ áp dụng vật liệu polymer làm lớp áo đường để không bị hằn lún vệt bánh xe, thời gian trùng tu kéo dài,…).


Ảnh: TS. LS. Lê Đình Vinh tham gia trả lời phỏng vấn tại Toạ đàm


Ông Nguyễn Hải Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHARM) cho biết, trong 10 năm qua (2010 – 2020), thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng gần 3 lần từ mức 17,6 tỷ USD năm 2010 lên 55,3 tỷ USD năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD (14,2%) nhập khẩu đặt 15,3 tỷ USD (chiếm 5,8%). Hình thức hợp tác công – tư tại Châu Âu rất phổ biến, chủ yếu trong lĩnh vực giao thông vận tải. Tuy nhiên, trên thực tế các dự án PPP được kiểm toán không phải lúc nào cũng được quản lý hiệu quả và mang lại lợi ích kinh tế. Đồng thời, các lợi ích tiềm năng của PPP thường không đạt được, vì bị trì hoãn, tăng chi phí và được sử dụng quá mức, dẫn đến chi tiêu không hiệu quả. Với bề dày kinh nghiệm, ứng dụng PPP trong các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, kỳ vọng của các Nhà đầu tư Châu Âu tại Việt Nam là khá lớn. Quan tâm đến việc đầu tư theo hình thức PPP thì vấn đề tài trợ vốn từ các định chế tài chính là vấn đề ưu tiên hàng đầu với các doanh nghiệp nước ngoài. Việc sử dụng ngoại tệ cho các nhà thầu phụ cũng là một nhu cầu khá cao. Các Nhà đầu tư hy vọng sẽ có cơ chế và chính sách minh bạch hơn để thu hút nhà đầu tư trong tương lai.


Ông Đoàn Tiến Giang, chuyên gia về Hợp tác công tư (PPP), Dự án AEO, USAID chia sẻ tại Toạ đàm về cấu trúc hợp đồng BOT cùng các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng thu xếp vốn vay của các dự án BOT đường bộ và chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế có liên quan đến lĩnh vực này. Theo đó, nhà đầu tư cần xem xét tính khả thi về khả năng thu xếp vốn vay, tài chính và việc cấp vốn của các tổ chức cấp tín dụng cũng là một nhân tố quyết định thành công của dự án để cân đối lợi ích về mặt kinh tế và lợi ích cho xã hội. Khi thực hiện các dự án PPP, cần quan tâm nhiều hơn tới khả năng và năng lực của bên cung cấp tài trợ vốn và đảm bảo các nguồn thu, nguồn chi của dự án phải thực hiện được các nghĩa vụ nợ, vốn vay. Có 5 nhân tố chính ảnh hưởng đến khả năng thu xếp vốn vay của các dự án BOT đường bộ, bao gồm: (i) dòng doanh thu ổn định, rõ ràng và có rất ít rủi ro, đảm bảo có luồng tiền minh bạch, đầy đủ, và thường yêu cầu mở một tài khoản dự trữ đủ để thanh toán các nghĩa vụ nợ khi đến hạn; (ii) biện pháp rõ ràng để hạn chế và phòng ngừa rủi ro trong ván đề về ngoại hối và tiền tệ; (iii) việc thay đổi luật pháp; (iv) quyền của tổ chức tín dụng trong việc tiếp quản dự án trong trường hợp doanh nghiệp dự án không thực hiện được nghĩa vụ của mình; và (v) đảm bảo mua bảo hiểm cho tất cả các rủi ro trong quá trình xây dựng và vận hành dự án.


Nguồn ảnh: Vietthink


TS. LS. Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, Chuyên gia độc lập của USAID đang thực hiện Báo cáo pháp lý về dự thảo hợp đồng mẫu PPP cũng tham gia và có ý kiến tại Toạ đàm. Hiện nay TS. LS. Lê Đình Vinh và các cộng sự đang thực hiện đánh giá và đưa vào báo cáo đánh giá các mẫu hợp đồng PPP để các cơ quan soạn thảo tham khảo. Báo cáo sẽ tập trung đánh giá vào một số vấn đề chính như: 

  • Mối quan hệ bình đẳng giữa đối tác công và tư, trong đó ông Vinh nhấn mạnh rằng quan hệ này được hình thành khi các bên thực sự nhìn nhận và ứng xử với nhau như những “đối tác” thực sự theo đúng phương thức “đối tác công-tư” mà Luật và các văn bản dưới luật đang quy định, cũng như phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế; 
  • Xây dựng một bộ mẫu hợp đồng PPP mang tính bình đẳng, minh bạch và thoả đáng, hài hoà quyền và lợi ích của cả bên công – và bên tư, để các bên trong Hợp đồng có thể hiểu rõ hơn về các quyền và nghĩa vụ của mình; 
  • Bảo vệ tốt hơn sự an toàn pháp lý trong quan hệ công – tư, hướng tới đảm bảo lợi ích của các bên, đặc biệt là lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các thực thể tư nhân khác như ngân hàng, nhà thầu; 
  • Đảm bảo cơ chế để xử lý các xung đột và giải quyết tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện dự án PPP (ví dụ tiêu biểu như việc xả trạm, dừng thu phí sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nhà đầu tư,..); 
  • Đưa vào những khuyến nghị để các bên trong hợp đồng BOT các cơ chế rút lui khỏi dự án PPP trong các trường hợp cụ thể như mục đích hoặc lợi ích của các bên không đạt được như mong muốn (ví dụ như án BOT Cai Lậy, giữa nhà đầu tư và Nhà nước vẫn chưa đạt được đồng thuận sau gần 5 năm xảy ra sự việc). 

Về phương pháp đánh giá, Báo cáo theo yêu cầu của USAID sẽ tập trung bình luận, đánh giá trực tiếp các dự thảo mẫu hợp đồng PPP đã có sẵn; còn đối với các hợp đồng PPP chưa có mẫu, TS. Lê Đình Vinh và chuyên gia USAID đề xuất phối hợp, lấy ý kiến của các Bộ, Ngành hiện đang được Chính phủ giao chủ trì hoặc/và tham gia xây dựng dự thảo mẫu hợp đồng PPP  để cùng trao đổi, tham khảo kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện các dự thảo mẫu hợp đồng mới. Báo cáo cũng sẽ đề cập, phân tích khung pháp luật hiện hành của PPP, kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế (ở các khu vực có hệ thống pháp luật, tình hình kinh tế-xã hội tương đồng với Việt Nam).


Toạ đàm đã kết thúc thành công trong sáng ngày 21/6/2022, là một trong chuỗi các toạ đàm, hội thảo về Luật PPP do VIAC phối hợp với VCCI và USAID tổ chức. Hội thảo tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 7/2022 liên quan đến phương thức BLT. 


Ls. Nguyễn Thị Hợp Quyên

Tổ Chuyên gia pháp lý về PPP – Công ty Luật TNHH Vietthink.



Cập nhật: 21/06/2022
Lượt xem:1913