Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Từ vụ án tranh chấp nhãn hiệu “MEKONG, hình” và nhãn hiệu “MEKONG FOODS, hình”, nhìn lại vấn đề xung đột quyền giữa tên thương mại và nhãn hiệu.

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 4 Luật SHTT hiện hành thì nhãn hiệu và tên thương mại đều là đối tượng được bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là quyền sở hữu công nghiệp; trong đó nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau (theo quy định tại Khoản 16 Điều 4 Luật SHTT hiện hành); còn tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh (theo quy định tại Khoản 21 Điều 4 Luật SHTT hiện hành). Thêm vào đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 130 Luật SHTT hiện hành thì chỉ dẫn thương mại là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hoá, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hoá, nhãn hàng hoá. Chính vì thế, tranh chấp giữa tên thương mại và nhãn hiệu rất dễ xảy ra bởi lẽ chúng đều là là đối tượng được bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ, và đều là các chỉ dẫn thương mại nhằm mục đích hướng dẫn thương mại cho hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng. Vậy một khi có tranh chấp xảy ra thì quan điểm của các cơ quan giải quyết tranh chấp, các cơ quan hữu quan là như thế nào. Và đôi khi quan điểm của các cơ quan đối với sự xung đột quyền giữa tên thương mại và nhãn hiệu cũng có sự khác nhau. 

VỤ VIỆC TRÊN THỰC TẾ.

Tóm tắt nội dung vụ việc thực tế theo Bản án phúc thẩm số 12/2022/KDTM-PT ngày 28/02/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh:

1. Công ty Mekong (thành lập ngày 25/01/2005, có trụ sở chính ở Long An) là chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu “MEKONG, hình” theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (“GCN ĐKNH”) số 96121, cấp ngày 19/02/2008 cho các sản phẩm “nước tương, tương ớt, nước xốt cà chua, xì dầu” thuộc nhóm 30, có hiệu lực đến hết ngày 01/11/2025; và yếu tố loại trừ của nhãn hiệu là “Nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể. Không bảo hộ riêng "R"”. 
 

(Hình 1: Nhãn hiệu “MEKONG, hình” theo GCN ĐKNH số 96121)

2. Ngày 15/4/2017, Công ty Mekong phát hiện Công ty Mekong Foods (thành lập ngày 10/03/2016, có trụ sở chính ở Thành phố Hồ Chí Minh) sử dụng dấu hiệu “MEKONG FOODS, hình” để giới thiệu, quảng cáo cho sản phẩm “nước mắm” (thuộc nhóm 30) trên trang web https://goldfoods.vn/; và đã nhiều lần gửi văn bản đến Công ty Mekong Foods yêu cầu chấm dứt hành vi sử dụng như nêu trên nhưng không nhận được phản hồi của Công ty Mekong Foods. 
 
(Hình 2: Nhãn hiệu “MEKONG FOODS, hình” của Công ty Mekong Foods)

3. Ngày 26/4/2017, Công ty Mekong gửi hồ sơ yêu cầu Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (“Viện KH SHTT”) giám định có hay không có yếu tố xâm phạm quyền; và ngày 05/05/2017, Viện KH SHTT đã có kết luận rằng dấu hiệu “MEKONG FOODS, hình” gắn trên chai đựng nước mắm quảng cáo trên trang web https://goldfoods.vn là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “MEKONG” được bảo hộ theo GCN ĐKNH số 96121 của  Công ty Mekong.

4. Do vậy, ngày 13/11/2017, Công ty Mekong đã khởi kiện Công ty Mekong Foods đến Tòa án và yêu cầu Công ty Mekong Foods các vấn đề sau đây:
  • Chấm dứt hành vi quảng cáo sản phẩm xâm phạm nhãn hiệu “MEKONG, hình” đã được bảo hộ của Công ty Mekong;
  • Thay đổi tên thương mại của Công ty Mekong Foods để đảm bảo không tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “MEKONG, hình” đã được bảo hộ của Công ty Mekong;
  • Trả chi phí giám định: 12 triệu đồng và chi phí thuê luật sư: 66 triệu đồng. Tổng cộng: 78 triệu đồng.
5. Công ty Mekong Foods không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Mekong vì cho rằng Công ty Mekong Foods không có hành vi xâm phạm nhãn hiệu của Công ty Mekong, cụ thể như sau:
  • Nhãn hiệu “MEKONG FOODS, hình” của Công ty Mekong Foods có khả năng phân biệt với nhãn hiệu “MEKONG” đã được bảo hộ của Công ty Mekong;
  • Công ty Mekong Foods không có hành vi đăng quảng cáo sản phẩm nước mắm trên trang web như trình bày của Công ty Mekong;
  • Tên thương mại của Công ty Mekong Foods được đặt đúng theo quy định của pháp luật và đã được Sở kế hoạch và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tên thương mại của Công ty Mekong Foods là “Mekong Foods” không trùng, cũng như không tương tự gây nhầm lẫn với tên Công ty Mekong.
6. Bản án sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Mekong, do vậy Công ty Mekong đã kháng cáo.

7. Bản án phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Công ty Mekong, bởi vì các lý do sau đây:
  • Tại thời điểm khởi kiện vụ án, Công ty Mekong chỉ cung cấp chứng cứ là hình ảnh chụp từ trang web https://goldfoods.vn có hình chai nước mắm có nhãn hiệu “MEKONG FOODS”, ngoài ra không có tài liệu nào khác, cũng như không cung cấp được lịch sử các dữ liệu thông tin mà Công ty Mekong Foods đã đăng trên trang web này; chai nước mắm trong thực tế; các bảng quảng cáo; tiếp thị; …
  • Hồ sơ yêu cầu Viện KH SHTT chỉ là hình chụp từ trang web https://goldfoods.vn; dữ liệu thông tin lưu trữ từ trang điện tử khác, không phải từ chính trang web  https://goldfoods.vn của Công ty Mekong Foods;
  • Trong qua trình Tòa án thụ lý và giải quyết vụ án, trên trang web https://goldfoods.vn của Công ty Mekong Foods không có đăng hình ảnh quảng cáo, cũng như sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước mắm có nhãn hiệu “MEKONG FOODS”;
  • Mặc dù, Cục Sở hữu trí tuệ có ý kiến chuyên môn rằng tên doanh nghiệp đăng ký của Công ty Mekong Foods có chứa thành phần tên riêng “Mekong” là trùng với phần chữ “Mekong” của nhãn hiệu “MEKONG, hình” theo GCN ĐKNH số 96121 của Công ty Mekong, nên bị xem là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “MEKONG, hình” theo GCN ĐKNH số 96121 của Công ty Mekong; nhưng, Hội đồng xét xử vẫn cho rằng “Mekong” là danh từ quốc tế, phổ biến trên thế giới, được các doanh nghiệp trong khối Asean sử dụng, và khi đối chiếu thì nhãn hiệu “MEKONG FOODS” và logo của Công ty Mekong Foods có khả năng phân biệt rõ ràng với nhãn hiệu “MEKONG” và logo của Công ty Mekong;
  • Tên thương mại của Công ty Mekong Foods được đặt đúng theo quy định của pháp luật và đã được Sở kế hoạch và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hiện nay giấy phép này chưa bị thu hồi, không có vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, nên việc Công ty Mekong Foods sử dụng tên thương mại nói trên là hợp pháp;
  • Tên thương mại là logo của Công ty Mekong Foods có thành phần, kiểu dáng, kích thước, hình ảnh không trùng, cũng như không gây nhầm lẫn với tên Công ty Mekong;
  • Hành vi sử dụng tên thương mại không phải là hành vi sử dụng nhãn hiệu.
8. Do vậy, theo bản án phúc thẩm thì toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Mekong đều không được chấp nhận.

CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ ĐƯỢC ĐẶT RA.

Mặc dù tranh chấp nêu trên đã được giải quyết trước khi Luật SHTT hiện hành có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, tuy nhiên các quy định của Luật SHTT hiện hành không có sự mâu thuẫn với quy định pháp luật có hiệu lực tại thời điểm xảy ra tranh chấp và xét xử để giải quyết tranh chấp của vụ án nêu trên. Chính vì vậy, trong phần này tác giả sẽ nêu các quy định của Luật SHTT hiện hành liên quan đến tranh chấp trong vụ án nêu trên.

Trong vụ việc thực tế này, liên quan đến vấn đề xung đột quyền giữa tên thương mại và nhãn hiệu có các vấn đề pháp lý được đặt ra ở đây là:
  • Vấn đề pháp lý 1: Phân biệt tên thương mại và nhãn hiệu trên thực tế.
  • Vấn đề pháp lý 2: Tên thương mại “Công ty Mekong Foods” có bị xem là trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Mekong, hình” đã được bảo hộ độc quyền của Công ty Mekong hay không?
  • Vấn đề pháp lý 3: Hành vi sử dụng tên thương mại có thể bị xem là hành vi xâm phạm nhãn hiệu hay không?
Đối với vấn đề pháp lý 1: Phân biệt tên thương mại và nhãn hiệu trên thực tế.

Trong vụ án nêu trên, ở trang số 5 của Bản án phúc thẩm số 12/2022/KDTM-PT ngày 28/02/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có nêu rằng: “Tên thương mại là logo của Công ty Mekong Foods có thành phần, kiểu dáng, kích thước, hình ảnh không trùng cũng như không gây nhầm lẫn với tên Công ty Mekong”

Liệu rằng nhận định cho rằng tên thương mại là logo có thành phần, kiểu dáng, kích thước, hình ảnh của Hội đồng xét xử đã chính xác theo khái niệm tên thương mại được quy định trong Luật SHTT; và liệu rằng với nhận định ấy, thì Hội đồng xét xử có sự nhầm lẫn nào về khái niệm nhãn hiệu và tên thương mại hay không.

1. Theo quy định tại Khoản 16 Điều 4 Luật SHTT hiện hành thì nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. 

2. Theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 6 Luật SHTT hiện hành thì quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trực tiếp tại Việt Nam, hoặc được xác lập trên cơ sở công nhận đăng ký quốc tế đối với đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế nộp theo hệ thống Madrid; trừ đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký. 

3. Theo quy định tại Điều 72 Luật SHTT hiện hành thì nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện: là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa; và có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. Xin lưu ý rằng Luật SHTT 2022 đã bổ sung thêm dấu hiệu âm thanh là hoàn toàn mới so với Luật SHTT 2019, 2009, 2005.

4. Theo quy định tại Khoản 21 Điều 4 Luật SHTT hiện hành thì tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

5. Theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 6 Luật SHTT hiện hành, được hướng dẫn tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 65/2023 thì quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực (lãnh thổ) và lĩnh vực kinh doanh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký.

Như vậy, từ các quy định được nêu trên trong Luật SHTT thì trong vụ tranh chấp thực tế này, chúng ta có:

  •   Nhãn hiệu: 
    • Nhãn hiệu   cho các sản phẩm “nước tương, tương ớt, nước xốt cà chua, xì dầu”: Theo GCN ĐKNH số 96121 đã được cấp thì tại Việt Nam, Công ty Mekong đã được bảo hộ cho nhãn hiệu này và nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng "R"; thời hạn bảo hộ là từ ngày 19/02/2008 đến ngày 01/11/2025. Điều này đồng nghĩa với việc dấu hiệu “MEKONG” đã được bảo hộ độc quyền cho Công ty Mekong cho các sản phẩm “nước tương, tương ớt, nước xốt cà chua, xì dầu” trên lãnh thổ Việt Nam.
    • Nhãn hiệu  cho sản phẩm “nước mắm”: Công ty Mekong Foods chưa được bảo hộ cho nhãn hiệu này cho sản phẩm “nước mắm” tại Việt Nam.
  •   Tên thương mại:
    • Tên thương mại Công ty Mekong: chính là tên doanh nghiệp của Công ty Mekong, được thành lập vào ngày 25/01/2005.
    • Tên thương mại Công ty Mekong Foods: chính là tên doanh nghiệp của Công ty Mekong Foods, được thành lập vào ngày 10/03/2016. 
Bởi lẽ, đây mới chính là tên gọi của các tổ chức này dùng trong hoạt động kinh doanh của mình.

Do vậy, ở đây, Hội đồng xét xử nhận định rằng “tên thương mại là logo có thành phần, kiểu dáng, kích thước, hình ảnh” dường như chưa được chính xác theo quy định pháp luật và dường như có sự nhầm lẫn với nhãn hiệu; bởi lẽ “logo có thành phần, kiểu dáng, kích thước, hình ảnh” phải là nhãn hiệu mới đúng bởi vì chúng chính là “dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc” được quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật SHTT hiện hành – quy định về Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ.

Tuy nhiên, theo các quy định pháp luật nêu trên, thì hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp tên thương mại đồng thời là nhãn hiệu bởi lẽ tên thương mại cũng là một dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ; và trong trường hợp tổ chức có tên thương mại này quyết định sử dụng tên thương mại của mình như một nhãn hiệu, đăng ký bảo hộ tên thương mại dưới tư cách một nhãn hiệu và được cấp GCN ĐKNH. Chúng tôi xin đưa ra một số ví dụ cụ thể như sau:
  • Nhãn hiệu “ ” cho các sản phẩm/dịch vụ “các mặt hàng nông sản sấy khô, cụ thể: đậu nành khô; hạt điều khô; vỏ hạt điều khô; tinh bột sắn; sắn lát, hạt ngô khô đã được bảo quản; bột khoai mì; mua bán, quảng cáo và giới thiệu sản phẩm, đại lý xuất nhập khẩu, bán lẻ hoặc bán buôn: các mặt hàng nông sản sấy khô, cụ thể: đậu nành khô, hạt điều khô, vỏ hạt điều khô, tinh bột săn,sắn lát, hạt ngô khô đã được bảo quả, bột khoai mì” của Công ty TNHH MTV nông sản xuất nhập khẩu Hoàng Huy (có tên bằng tiếng nước ngoài là Hoang Huy Agriculture Import Export One Member Company Limited) đã được bảo hộ theo GCN ĐKNH số 451305, cấp ngày 19/04/2023. Ở đây, “Công ty TNHH MTV nông sản xuất nhập khẩu Hoàng Huy”, “Hoang Huy Agriculture Import  Export One Member Company Limited” vừa là tên thương mại, vừa là nhãn hiệu.
  • Nhãn hiệu “ ” cho các sản phẩm/dịch vụ “vàng trang sức mỹ nghệ; mua bán các sản phẩm: vàng trang sức mỹ nghệ, bạc, đá quý và đá bán quý; dịch vụ gia công, chế tác vàng trang sức mỹ nghệ” của Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Minh Hải đã được bảo hộ theo GCN ĐKNH số 437011, cấp ngày 08/09/2022. Ở đây, “Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Minh Hải” vừa là tên thương mại, vừa là nhãn hiệu.
  • Nhãn hiệu “ ” cho các sản phẩm/dịch vụ “vật liệu xây dựng phi kim loại; vật liệu xây dựng bằng đất sét; dịch vụ mua bán, cho thuê bất động sản; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác như: xây dựng công trình thủy lợi, đập, đê, kè, bến cảng, sân ga; chuẩn bị mặt bằng như: đào lắp, khoan thi công nền móng công trình; san lấp mặt bằng, xây dựng công trình công nghiệp - dân dụng; vận tải: kinh doanh vận tải hàng hoá bằng ô tô và đường thuỷ nội địa” của Công ty cổ phần Bốn Phương đã được bảo hộ theo GCN ĐKNH số 201604, cấp ngày 11/03/2013. Ở đây, “Công ty cổ phần Bốn Phương” vừa là tên thương mại, vừa là nhãn hiệu.
  • Nhãn hiệu “ ” cho các dịch vụ “dịch vụ xây dựng nhà cửa; dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng nhà cửa; giám sát xây dựng; dịch vụ tư vấn thi công xây dựng; dịch vụ trang trí nội, ngoại thất; dịch vụ tư vấn thiết kế nội, ngoại thất, kiến trúc; thiết kế nhà cửa” của Công ty cổ phần C.A.T.H đã được bảo hộ theo GCN ĐKNH số 100998, cấp ngày 13/05/2008. Ở đây, “Công ty cổ phần C.A.T.H” vừa là tên thương mại, vừa là nhãn hiệu.
Đối với vấn đề pháp lý 2: Tên thương mại “Công ty Mekong Foods” có bị xem là trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Mekong, hình” đã được bảo hộ độc quyền của Công ty Mekong hay không?

Trong vụ án nêu trên, đối với vấn đề tên thương mại “Công ty Mekong Foods” có bị xem là trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “ ” đã được bảo hộ độc quyền của Công ty Mekong hay không, có hai quan điểm khác nhau giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Hội đồng xét xử, cụ thể như sau:

Quan điểm của Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng tên thương mại “Công ty Mekong Foods” nên bị xem là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “MEKONG, hình” theo GCN ĐKNH số 96121 của Công ty Mekong, bởi lẽ tên doanh nghiệp đăng ký của Công ty Mekong Foods có chứa thành phần tên riêng phân biệt là “Mekong”, trùng với phần chữ “Mekong” của nhãn hiệu “MEKONG, hình” theo GCN ĐKNH số 96121 của Công ty Mekong.

Còn ngược lại, quan điểm của Hội đồng xét xử cho rằng tên thương mại “Công ty Mekong Foods” có khả năng phân biệt rõ ràng với nhãn hiệu “MEKONG, hình” theo GCN ĐKNH số 96121 của Công ty Mekong, bởi lẽ “Mekong” là danh từ quốc tế, phổ biến trên thế giới, được các doanh nghiệp trong khối Asean sử dụng và logo của Công ty Mekong Foods “ ”có khả năng phân biệt rõ ràng với nhãn hiệu “MEKONG” của Công ty Mekong “ ”.

1. Theo quy định tại Điều 76 Luật SHTT hiện hành thì tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. 

2. Theo quy định tại Điều 78 Luật SHTT hiện hành thì tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng; Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh; Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.

3. Theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2022 thì tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây: Loại hình doanh nghiệp; Tên riêng.

4. Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2022 thì loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.

5. Theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2022 thì tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

6. Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 01/2021 thì không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.

Như vậy, từ các quy định được nêu trên trong Luật SHTT thì trong vụ tranh chấp thực tế này, chúng ta có:

Theo GCN ĐKNH số 96121 thì tại Việt Nam, thành phần “Mekong” của nhãn hiệu  của Công ty Mekong đã được bảo hộ độc quyền cho các sản phẩm “nước tương, tương ớt, nước xốt cà chua, xì dầu”, vẫn đang trong thời hạn bảo hộ, cụ thể thời hạn bảo hộ là từ ngày 19/02/2008 đến ngày 01/11/2025. 

Công ty Mekong Foods được thành lập vào ngày 10/03/2016. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó; do vậy, trong trường hợp tên thương mại của Công ty Mekong Foods đáp ứng điều kiện bảo hộ và được bảo hộ, thì thời hạn bảo hộ là tính từ ngày thực tế sử dụng tên thương mại, sớm nhất là ngày thành lập doanh nghiệp tức là ngày 10/03/2016, là sau ngày nhãn hiệu   của Công ty Mekong được bảo hộ độc quyền – là ngày 19/20/2008. Tên thương mại này được sử dụng cho sản phẩm nước mắm.

Một trong những điều kiện để tên thương mại được xem là có khả năng bảo hộ là không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng. Ngoài ra, theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành như đã được trích dẫn ở trên thì cũng không được sử dụng nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu nhãn hiệu đó. Do vậy, trong trường hợp này, thành phần “Mekong” trong nhãn hiệu của Công ty Mekong đã và đang được bảo hộ độc quyền cho các sản phẩm “nước tương, tương ớt, nước xốt cà chua, xì dầu”, và ngày bắt đầu bảo hộ là ngày 19/20/2008. Công ty Mekong Foods được thành lập vào ngày 10/03/2016, là sau ngày nhãn hiệu “Mekong” của Công ty Mekong đã được bảo hộ độc quyền (được bảo hộ độc quyền cho phần chữ “Mekong”). Chính vì thế, trong trường hợp này, quan điểm của Cục Sở hữu trí tuệ rằng tên thương mại “Công ty Mekong Foods” nên bị xem là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “MEKONG, hình” theo GCN ĐKNH số 96121 của Công ty Mekong là phù hợp với quy định pháp luật, bởi lẽ thành phần tên riêng “Mekong” trong tên thương mại “Công ty Mekong Foods” là trùng với thành phần “Mekong” – được bảo hộ độc quyền – trong nhãn hiệu đang được bảo hộ của Công ty Mekong; và đồng thời sản phẩm nước mắm (của Công ty Mekong Foods) cũng bị xem là tương tự với sản phẩm nước tương, tương ớt, nước xốt cà chua, xì dầu (của Công ty Mekong) do  có sự tương tự nhau về bản chất, tương tự nhau về chức năng, mục đích sử dụng (đều là các loại gia vị, các loại nước chấm dùng trong nấu ăn và ăn uống), và có thể được đưa ra thị trường theo cùng một kênh thương mại.

Tuy nhiên, nếu đây là một dấu hiệu từ tự tạo và không có nghĩa thì tác giả hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Cục Sở hữu trí tuệ; nhưng dấu hiệu “Mekong” là từ chỉ tên của một trong những con sông lớn nhất thế giới và chảy qua rất nhiều quốc gia như Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, và trong đó có cả Việt Nam. Cho nên quan điểm của Hội đồng xét xử rằng “Mekong” là danh từ quốc tế, phổ biến trên thế giới, được các doanh nghiệp trong khối Asean sử dụng; và Hội đồng xét xử cho rằng Công ty Mekong Foods có quyền sử dụng phần chữ “Mekong” trong tên doanh nghiệp của mình cũng là một quan điểm có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và theo GCN ĐKNH đã được cấp thì từ “Mekong” đã và vẫn đang được bảo hộ độc quyền cho Công ty Mekong cho các sản phẩm nước tương, tương ớt, nước xốt cà chua, xì dầu nên nếu có tên thương mại của tổ chức, cá nhân khác sử dụng từ “Mekong” sau ngày nhãn hiệu này được bảo hộ độc quyền cho các lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề kinh doanh trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm nước tương, tương ớt, nước xốt cà chua, xì dầu của Công ty Mekong thì vẫn bị xem là trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Công ty Mekong đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng. Có lẽ, đây là một bất cập của pháp luật sở hữu trí tuệ và trong trường hợp này, tác giả cho rằng, quan điểm của Hội đồng xét xử trong vụ án này đã phần nào giải quyết được bất cập đối với các dấu hiệu từ không phải là từ tự tạo mà là danh từ được dùng chung một cách phổ biến như đối với danh từ “Mekong” này.

Đối với vấn đề pháp lý 3: Hành vi sử dụng tên thương mại có thể bị xem là hành vi xâm phạm nhãn hiệu hay không?

Trong vụ án nêu trên, đối với vấn đề hành vi sử dụng tên thương mại có thể bị xem là hành vi xâm phạm nhãn hiệu hay không, Hội đồng xét xử cho rằng không có hành vi xâm phạm, cụ thể Hội đồng xét xử cho rằng:

  • Lập luận thứ nhất: Hành vi sử dụng tên thương mại không phải là hành vi sử dụng nhãn hiệu theo quy định tại khoản 5 Điều 124 Luật SHTT; và
  • Lập luận thứ hai: Tên thương mại của Công ty Mekong Foods được đặt đúng theo quy định của pháp luật và đã được Sở kế hoạch và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hiện nay giấy phép này chưa bị thu hồi, không có vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, nên việc Công ty Mekong Foods sử dụng tên thương mại nói trên là hợp pháp. 
Đối với lập luận thứ nhất, tác giả cho rằng Hội đồng xét xử có sự nhầm lẫn trong việc trích dẫn quy định của Luật SHTT, câu hỏi đặt ra ở đây là “có hay không có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu” chứ không phải là “có hay không có hành vi sử dụng nhãn hiệu”; và hơn nữa việc không sử dụng nhãn hiệu cũng không đồng nhất với việc không có hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Do vậy, quy định pháp luật chính xác cần phải trích dẫn để giải quyết vấn đề này là Khoản 1 Điều 129 Luật SHTT chứ không phải là khoản 5 Điều 124 Luật SHTT.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 129 Luật SHTT hiện hành thì các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó; Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Do vậy, trong vụ tranh chấp này nếu Công ty Mekong cung cấp được các bằng chứng Công ty Mekong Foods có việc sử dụng tên thương mại “Công ty Mekong Foods” trong việc sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm nước mắm. Tuy nhiên, theo nội dung thể hiện trong bản án thì Công ty Mekong đã không cung cấp được tài liệu, chứng cứ này. Do vậy, ở đây không có hành vi xâm phạm là vì Công ty Mekong không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ về hành vi xâm phạm của Công ty Mekong Foods, chứ không phải là vì hành vi sử dụng tên thương mại không phải là hành vi sử dụng nhãn hiệu.

Đối với lập luận thứ hai, tác giả cho rằng để xem tên thương mại/tên doanh nghiệp của Công ty Mekong Foods không phải chỉ căn cứ vào Luật doanh nghiệp hay việc Sở kế hoạch đã cấp Giấy Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mà phải căn cứ vào quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ và các nghị định hướng dẫn Luật doanh nghiệp cũng quy định về điều này, cụ thể như sau:

1. Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 01/2021 thì căn cứ để xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp.

2. Theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 01/2021 thì chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền gửi văn bản đề nghị đến Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên doanh nghiệp cho phù hợp. Kèm theo văn bản đề nghị của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp phải có bản sao các giấy tờ sau đây: Văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên doanh nghiệp là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; hợp đồng sử dụng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp trong trường hợp người yêu cầu là người được chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó.

QUAN ĐIỂM CỦA TÁC GIẢ VÀ BÀI HỌC RÚT RA.

Vấn đề tranh chấp, xung đột quyền giữa nhãn hiệu và tên thương mại luôn là một vấn đề pháp lý phức tạp, và luôn có những ý kiến, quan điểm giải quyết tranh chấp khác nhau đối với từng vụ việc cụ thể. Tuy nhiên, tác giả xin lưu ý rằng quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trực tiếp tại Việt Nam, hoặc được xác lập trên cơ sở công nhận đăng ký quốc tế đối với đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế nộp theo hệ thống Madrid; trừ đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký; trong khi quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực (lãnh thổ) và lĩnh vực kinh doanh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Do vậy, nhãn hiệu (trừ đối với nhãn hiệu nổi tiếng) có được bảo hộ hay không, phạm vi bảo hộ như thế nào là được thể hiện một cách rõ ràng trên GCN ĐKNH mà không cần chủ sở hữu nhãn hiệu phải chứng minh; còn trong khi đó tên thương mại có được bảo hộ hay không, phạm vi bảo hộ như thế nào lại không được thể hiện một cách rõ ràng và chủ thể cho rằng tên thương mại của mình đã được bảo hộ thì phải cung cấp được các bằng chứng để chứng minh về vấn đề và các bằng chứng này sẽ được đánh giá bởi các Cơ quan giải quyết tranh chấp. Chính vì vậy, theo quan điểm của tác giả, các tổ chức, cá nhân nên đăng ký nhãn hiệu, kể cả đăng ký nhãn hiệu cho tên thương mại/tên doanh nghiệp của mình. Trong trường hợp đăng ký nhãn hiệu cho tên thương mại/tên doanh nghiệp của mình, hoặc có chứa tên thương mại/tên doanh nghiệp của mình thì danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu nên bao trùm toàn bộ các lĩnh vực kinh doanh của tổ chức, cá nhân đó.

LS. Huỳnh Đặng Hoàng Mai - Công ty Luật TNHH Vietthink

Tài liệu tham khảo:
  • Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội,  có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi: 1. Luật số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010; 2. Luật số 42/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019; Luật số 07/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 (“Luật SHTT hiện hành” hoặc “Luật SHTT 2022”);
  • Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 23 tháng 8 năm 2023 (“Nghị định số 65/2023”).
  • Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 (“Luật Doanh nghiệp 2022”);
  • Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 04 tháng 01 năm 2021 (“Nghị định số 01/2021”).
  • https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietnguonanle?dDocName=TAND284556.

Cập nhật: 15/05/2024
Lượt xem:2260