Quay lại Bản in
Cỡ chữ

"Cơ chế liên thông" trong việc đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp

Một trong những điểm nổi bật của Luật Đầu tư 2014 so với Luật Đầu tư 2004 là các quy định liên quan đến cải cách thủ tục thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng bãi bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để tách bạch hoạt động đầu tư theo dự án với hoạt động đăng ký kinh doanh. Theo quy định này thì sau khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh như doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên thực tế áp dụng đã gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, quá trình thực hiện thủ tục bị kéo dài, tốn kém nhiều chi phí đầu tư. Để giải quyết bất cập trên, kể từ ngày 15/06/2017, Thông tư 02/2017/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ chính thức có hiệu lực, trong đó "cơ chế liên thông" là điểm mới rất được trông chờ của Thông tư này. 

 
(Ban Lãnh đạo Công ty Luật TNHH Vietthink tư vấn cho Nhà đầu tư Nhật Bản về hoạt động đầu tư tại Việt Nam)

Quy định chi tiết về"cơ chế liên thông" sẽ là cơ sở rõ ràng để các cơ quan đầu tư, kinh doanh cùng phối hợp giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm: Sở Kế hoạch Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP và Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP.

Các trường hợp được áp dụng cơ chế liên thông được quy định tại Điều 4 của Thông tư, bao gồm 3 trường hợp sau:
  • Nhà đầu tư nước ngoài,tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo Điều 22 Luật Đầu tư;
  • Nhà đầu tư nước ngoài,tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư;
  • Nhà đầu tư nước ngoài,tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh đồng thời nội dung đăng ký doanh nghiệp và nội dung đăng ký đầu tư;
Theo quy định hiện hành, để thành lập được tổ chức kinh tế thì nhà đầu tư phải nộp hồ sơ đăng ký đầu tư; Sau khi nhận được Giấy Chứng nhận Đầu tư, nhà đầu tư tiếp tục nộp hồ sơ xin thành lập tổ chức kinh tế. Như vậy với quy trình trên, nhà đầu tư phải mất ít nhất 18 ngày làm việc để hoàn tất tất cả các thủ tục, đồng thời nhà đầu tư phải chuẩn bị nhiều hồ sơ, trong đó có nhiều loại giấy tờ trùng nhau như các giấy tờ chứng thực cá nhân (CMND, giấy đăng ký doanh nghiệp…) điều này làm cho nhà đầu tư mất nhiều thời gian, công sức mà lại không cần thiết.

Khác với quy định hiện hành, với Thông tư 02/2017/TT-BKHĐT thì trình tự thủ tục đầu tư thành lập tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài theo sẽ được thực hiện theo cơ chế liên thông như sau:
  • Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư
  • Bước 2: Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư và Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợplệ của hồ sơ
  • Bước 3: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và gửi thông tin sang Cơ quan đăng ký kinh doanh
  • Bước 4: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp và chuyển Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tới Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư
  • Bước 5: Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư trả Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.
Với cơ chế mới này có thể nói nếu nhà đầu tư muốn đầu tư thành lập tổ chức kinh tế việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn và thời gian chờ kết quả cũng được rút ngắn đáng kể bởi hai thủ tục sẽ được thực hiện đồng thời với cơ chế trao đổi thông tin giữa hai cơ quan đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh.

Thông tư 02/2017 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2017.

Luật sư, Thạc sỹ Lương Ngọc Quang./.
Cập nhật: 09/06/2017
Lượt xem:9316