Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Ý NGHĨA NHÂN VĂN CỦA VIỆC BẢO HỘ TÁC PHẨM PHÁI SINH - PHẦN I

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, góp phần thúc đẩy nhu cầu thưởng thức các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật. Do đó, việc phát triển và sáng tạo các sản phẩm văn hóa nghệ thuật ngày càng trở thành lĩnh vực mang giá trị kinh tế và được quan tâm.Trong đó, không thể không kể đến việc ra đời những tác phẩm phái sinh có tính sáng tạo cao, mang lại nhiều giá trị về kinh tế và đưa tác phẩm gốc phù hợp với thời đại, đến gần với quần chúng hơn, bao gồm nhưng không giới hạn ở những tác phẩm dịch, tác phẩm chuyển thể, tác phẩm cải biên… Đó chính là sự kế thừa, phát huy có sáng tạo từ những giá trị gốc trong khuôn khổ cho phép.

Để cụ thể hóa vấn đề này, chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về tác phẩm phái sinh và ý nghĩa nhân văn của nó. 

PHẦN 1: TÌM HIỂU VỀ TÁC PHẨM PHÁI SINH

Tác phẩm phái sinh là gì?

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”. 
Như vậy, có thể hiểu, tác phẩm phái sinh là tác phẩm được tạo ra bởi sự kế thừa nội dung, phát triển ý tưởng, giai điệu…của tác phẩm gốc và từ tác phẩm gốc.

 
Nguồn ảnh: Internet

Điều kiện để bảo hộ Quyền tác giả cho Tác phẩm phái sinh?

Thứ nhất, Khoản 2 Điều 14, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 quy định: “Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 (1) nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh”. Nghĩa là, sự ra đời của tác phẩm phái sinh không được gây tổn hại đến quyền lợi của tác giả tác phẩm gốc, bao gồm quyền tài sản và quyền nhân thân.

Thứ hai, tác phẩm phái sinh không được xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm gốc. Quy định về xâm phạm quyền tác giả được quy định cụ thể tại Khoản 7 Điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 là hành vi “Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này (2)”. Như vậy có nghĩa là, chỉ trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị, thì bất kể hành động làm tác phẩm phái sinh nào cũng phải được sự cho phép của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm gốc. 

Thứ ba, theo Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”. Như vậy, có thể hiểu, Quyền tác giả không bảo hộ nội dung, ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức, cách thức thể hiện nội dung, ý tưởng đó. Do vậy, tác phẩm phái sinh muốn được bảo hộ một cách độc lập thì nó phải thể hiện được sự sáng tạo nhất định về hình thức thể hiện nội dung, ý nghĩa, giai điệu…dựa trên tác phẩm gốc, đồng thời phải mang dấu ấn mới mẻ của tác giả tác phẩm phái sinh. 


 
Nguồn ảnh: Internet

Khi sử dụng tác phẩm gốc để sáng tạo tác phẩm phái sinh, cần phải xin phép những ai?

Theo quy định tại Luật SHTT, quyền tác giả luôn được hình thành trên cơ sở quyền nhân thân (3) và quyền tài sản (4)

Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc là quyền thuộc về tác giả của tác phẩm gốc, quyền này là vĩnh viễn và không thể chuyển giao. 

Quyền tài sản theo quy định có bao gồm quyền làm tác phẩm phái sinh, quyền này thuộc về quyền của chủ sở hữu, không phải thuộc về tác giả trong trường hợp tác giả không phải là chủ sở hữu. 

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 7 Điều 28 Luật SHTT 2005 sửa đổi bổ sung 2009 (5), hành vi xâm phạm quyền tác giả là hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Khoản 3 Điều 20 Nghị định 22/2018/ND-CP quy định “Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ là việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính trừ trường hợp có thoả thuận của tác giả”.

Dựa vào các quy định nêu trên, tác giả bài viết cho rằng để được làm một tác phẩm phái sinh từ một hay một số tác phẩm gốc, tác giả tác phẩm phái sinh cần phải xin phép cả tác giả và chủ sở hữu tác phẩm gốc (trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu) và trả nhuận bút/tác quyền cho tác giả và chủ sở hữu tác phẩm theo thỏa thuận giữa các bên mới phù hợp. Bởi vì, nếu chỉ xin phép chủ sở hữu, việc bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm rất khó để đảm bảo vì chỉ có tác giả gốc mới có thể đưa ra nhận định chính xác nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ xin phép tác giả thì chủ sở hữu lại mất đi quyền chính đáng của mình. 

Thực tế đã cho thấy việc có thể xảy ra tranh cãi trong việc tác phẩm phái sinh có làm thay đổi sự toàn vẹn của tác phẩm hay không, cụ thể có thể kể đến trường hợp Album âm nhạc “Chat với Mozart” của ca sĩ Mỹ Linh:

 
Nguồn ảnh: Internet

Trong album nhạc này, ca sĩ Mỹ Linh cùng ekip đã sử dụng các trích đoạn tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Bach, Borodine, Elgar, Gounod, Shumann, Saintc - Seans, Tchaikovsky, Vivaldi và nhạc sĩ Dương Thụ đã viết lời và nhạc sĩ Anh Quân và nhạc sĩ Huy Tuấn thực hiện phối khí cho các đoạn trích này trong album nhạc. Vụ kiện giữa luật sư Cù Huy Hà Vũ và Công ty sản xuất Album nhạc đã được Tòa án giải quyết nhưng đâu đó vẫn không tránh khỏi tranh cãi, đồng tình và không đồng tình với kết luận của Tòa án.

PHẦN II: CÁC LOẠI HÌNH TÁC PHẨM PHÁI SINH VÀ Ý NGHĨA BẢO HỘ TÁC PHẨM PHÁI SINH
Kính mời độc giả đón xem ở kỳ sau.

Luật sư SHTT Dương Thị Vân Anh
An Thùy Dương

Công ty Luật TNHH Vietthink
--------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009: Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
d) Tác phẩm âm nhạc;
đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học;
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

(2) Điểm i) Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009: Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm: (i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.
  
(3) Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009: Quyền nhân thân
Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả


(4) Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009: Quyền tài sản
 1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:  
a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
c) Sao chép tác phẩm;
d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

(5) Khoản 7 Điều 28 Luật SHTT 2005 sửa đổi bổ sung 2009: Hành vi xâm phạm quyền tác giả: 7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.






Cập nhật: 13/05/2020
Lượt xem:10191