Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

MỘT VÀI ĐIỂM MỚI NỔI BẬT CỦA LUẬT SỬA ĐỔI LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

Hoạt động Giám định tư pháp (“GĐTP”) thực chất không phải là hoạt động điều tra, mà là một hoạt động bổ trợ cho quá trình điều tra. Tuy nhiên hoạt động GĐTP cũng góp phần quan trọng trong tất cả các quá trình giải quyết một vụ án, từ điều tra, truy tố cho đến xét xử. Luật Giám định tư pháp được Quốc hội ban hành từ năm 2012, qua hơn 7 năm thực thi áp dụng, Luật Giám định tư pháp đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn còn bất cập, chưa phù hợp với tình hình hiện nay, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội và thống nhất ban hành ra Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp ngày 10/06/2020. Một số đổi mới nổi bật của Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp năm 2020 so với Luật Giám định tư pháp năm 2012 như sau:

1. Bổ sung thêm chức năng giám định tư pháp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao 
Theo Luật quy định trước đây, các cơ quan tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự chỉ có các cơ quan bao gồm: Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc Phòng. Tuy có quy định về tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập nhưng Luật không quy định cho phép các tổ chức giám định tư pháp tư nhân này giám định trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự. Do đó thực tế có rất ít cơ quan tổ chức giám định tư pháp về lĩnh vực kỹ thuật hình sự. Để góp phần nào bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu được thu thập ngày càng tăng mạnh do quy định mới ban hành bắt buộc từ ngày 01/01/2020 phải thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh khi tiến hành hỏi cung bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử của các bị can, bị cáo, nên Luật GĐTP sửa đổi đã bổ sung thêm Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát tối cao là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, đảm nhiệm chức năng giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Điều này bắt nguồn từ thực tiễn hiện nay, cả ba cơ quan điều tra chuyên trách gồm Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và VKSND Tối cao đều có nhiệm vụ giám định và trưng cầu giám định, nhưng Cơ quan điều tra của VKSDN Tối cao lại không được giao nhiệm vụ giám định tư pháp về kỹ thuật hình sự, mặt khác, chỉ có một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định về âm thanh, hình ảnh từ dữ liệu điện tử, dẫn đến quá tải, thời gian xử lý giám định mỗi vụ kéo dài trong vòng vài tháng, trong khi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra vụ án và tạm giam được quy định ngắn và chặt chẽ, nên ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ giải quyết vụ án. Hơn nữa, về tính khách quan trong quá trình GĐTP, nhiều người đặt ra khả năng có hay không trường hợp “chạy án”, cố tình làm sai kết quả thực sự của GĐTP. Vì vậy, việc bổ sung thêm Phòng giám định kỹ thuật hình sự ở Viện kiểm sát tối cao là cần thiết, góp phần bảo đảm tính khách quan, tính kịp thời trong quá trình giải quyết vụ án.

2. Bổ sung quy định về thời hạn giám định tư pháp
Trước kia, Luật GĐTP 2012 không có bất kỳ quy định nào về thời hạn thực hiện giám định, dẫn đến việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án, làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra, đặc biệt những vụ án có tính chất phức tạp, hoạt động giám định lại càng lâu, mà tính chất vụ án cần kết quả giám định sớm để phục vụ cho các hoạt động điều tra khác. Nhiều vụ án, hoạt động giám định kéo dài 05 tới 08 tháng, làm ảnh hưởng tới thời gian giải quyết vụ án.

Do đó, Luật mới bổ sung thêm Điều 26a quy định về thời hạn giám định trong các trường hợp trưng cầu giám định. Theo đó, thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định. Trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, tài liệu không được tính vào thời gian giám định. Thời gian giám định theo quy định của Luật này chỉ áp dụng đối với các vụ án không thuộc trường hợp bắt buộc về tố tụng hình sự và có thời hạn tối đa là 03 tháng, nếu vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng. Thời hạn giám định có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá ½ thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định biết và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

Việc quy định cụ thể thời gian thực hiện giám định giúp cơ quan giám định tuân thủ nghiêm thời hạn giám định, hơn nữa tránh việc cơ quan tổ chức cố tình lạm dụng hoạt động giám định tư pháp để kéo dài thời gian, dẫn đến phải đình chỉ giải quyết chờ kết quả giám định. 

 
Nguồn ảnh: Internet

3. Nới lỏng điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp cho tổ chức giám định tư pháp tư nhân.
Luật GĐTP năm 2012 quy định các tổ chức GĐTP bao gồm Tổ chức GĐTP công lập và tổ chức GĐTP ngoài công lập. Tổ chức GĐTP công lập được thành lập hoạt động trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự. Còn tổ chức GĐTP ngoài công lập được thành lập hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật và bản quyền tác giả. Để mở một Văn phòng GĐTP cần có các điều kiện riêng biệt. Sau hơn 7 năm thực thi pháp luật, các Nhà làm luật nhận thấy có thể hạ thấp điều kiện thành lập mà vẫn đảm bảo được quy định của pháp luật về tổ chức giám định tư pháp. Theo đó Luật GĐTP sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện thành lập Văn phòng GĐTP. Theo đó Giám định viên có từ đủ 03 năm trở lên là Giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực thành lập Văn phòng thay vì có từ đủ 05 năm trở lên là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng như trước đây. 

Điều kiện mới này mở ra nhiều cơ hội hơn cho những Giám định viên mong muốn mở Văn phòng GĐTP, đó cũng là mục đích của các nhà chức trách, bởi thực tế hiện nay, số lượng tổ chức giám định rất ít, không đủ để phục vụ cho số lượng vụ án thực tế cần giám định, dẫn đến tình trạng chậm trễ như đã nói ở trên. Do vậy, điều khoản này được sửa đổi vừa mở ra cơ hội cho nhiều tổ chức GĐTP tư nhân và vừa đáp ứng nhu cầu thực trạng.

4. Tách riêng nội dung giám định 
Luật GĐTP 2012 chưa có quy định rõ về trường hợp khi nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực và thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức thì phải làm thế nào. Do đó, Luật GĐTP sửa đổi bổ sung khoản 4 vào Điều 25 quy định về Trưng cầu giám định tư pháp như sau: 

4. Trường hợp nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức thì người trưng cầu giám định phải tách riêng từng nội dung để trưng cầu tổ chức có chuyên môn phù hợp thực hiện giám định.

Trường hợp các nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn có quan hệ mật thiết với nhau, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức mà việc tách riêng từng nội dung gây khó khăn cho việc thực hiện giám định, ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả giám định hoặc kéo dài thời gian giám định thì người trưng cầu giám định phải xác định được nội dung chính cần giám định để xác định tổ chức chủ trì tổ chức việc giám định và tổ chức phối hợp cùng thực hiện giám định.

Tổ chức chủ trì có trách nhiệm làm đầu mối tổ chức triển khai việc giám định chung và thực hiện giám định phần nội dung chuyên môn của mình.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu, tổ chức được trưng cầu phải có văn bản cử người giám định gửi người trưng cầu giám định; đối với tổ chức phối hợp thực hiện giám định thì còn phải gửi văn bản cử người giám định cho tổ chức chủ trì việc thực hiện giám định. Tổ chức chủ trì phải tổ chức ngay việc giám định sau khi nhận được văn bản cử người của tổ chức phối hợp thực hiện giám định. Việc giám định trong trường hợp này được thực hiện theo hình thức giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này.

Trường hợp phát sinh vướng mắc trong việc trưng cầu, phối hợp thực hiện giám định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ trì, phối hợp với tổ chức được trưng cầu để giải quyết.”


Đây là quy định mới được bổ sung vào Luật GĐTP 2012, bắt nguồn từ thực tiễn, ví dụ như những vụ án cùng một đối tượng nhưng phải giám định nhiều nội dung, thì các nội dung đó cần tách riêng từng nội dung để các tổ chức thực hiện giám định phù hợp với chuyên môn. Tuy nhiên, có những vụ án như vụ án về kinh tế, tham nhũng, có trường hợp cùng một đối tượng nhưng phải giám định nhiều nội dung, mà các nội dung lại có liên quan mật thiết với nhau thì bắt buộc phải có sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan cùng thực hiện giám định. 

Ưu điểm của việc bổ sung quy định này giúp cho việc GĐTP của các cơ quan tổ chức được linh hoạt, tùy từng trường hợp mà các cơ quan tổ chức tách riêng hay hợp nhất với nhau để giải quyết vụ án. Hơn nữa các tổ chức GĐTP cũng giảm bớt được gánh nặng, và đảm bảo được thời gian theo quy định trong quá trình giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, vướng mắc ở đây có lẽ nằm ở việc xác định tổ chức chủ trì giám định, bởi điều khoản bổ sung này không nêu rõ cơ quan nào có trách nhiệm phân công, giao nhiệm vụ cho cơ quan chủ trì, trong giai đoạn xác định tổ chức chủ trì giám định có thể các cơ quan có sự mâu thuẫn với nhau.

Nhìn chung Luật GĐTP sửa đổi đã hoàn thiện rất nhiều các quy định còn vướng mắc, tồn đọng sau hơn 7 năm thực thi pháp luật.  Đăc biệt việc bổ sung thêm Phòng Giám định kỹ thuật hình sự cho Viện Kiểm sát tối cao là một thay đổi lớn, vì trước kia Viện kiểm sát không có chức năng giám định, mọi kết quả giám định để làm căn cứ cho vụ án đều nhận ở các tổ chức khác, nay Viện kiểm sát tối cao được bổ sung chức năng này giúp cho hoạt động giám định được tự chủ và có kết quả được khách quan hơn, ngoài ra còn giúp giảm áp lực cho các cơ quan giám định kỹ thuật hình sự công lập khác. Ngoài ra việc bổ sung thêm thời gian giám định cũng góp phần quan trọng trong việc thực hiện hoạt động giám định tư pháp, giúp cho các cơ quan thực hiện chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về thời gian thực hiện giám định tư pháp, tránh việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng việc trưng cầu giám định để gây khó khăn, cản trở hoạt động tố tụng. Và những quy định được sửa đổi bổ sung khác nhìn chung cũng góp phần hoàn thiện quy định pháp luật cho phù hợp với thực trạng xã hội hiện nay. 

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Công ty Luật TNHH Vietthink
Cập nhật: 13/11/2020
Lượt xem:3391