Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Người Việt và xu hướng đầu tư định cư ở nước ngoài

Xu hướng đầu tư định cư 
“Đầu tư định cư” còn được biết đến với tên gọi là “định cư theo diện doanh nhân” là thuật ngữ mới xuất hiện ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Đầu tư định cư được hiểu là việc các nhà đầu tư Việt Nam chuyển vốn đầu tư trực tiếp vào một quốc gia khác để thiết lập các cơ sở kinh doanh theo luật pháp của nước sở tại, đồng thời xin hưởng quy chế định cư lâu dài tại quốc gia đó. 
Ở nhiều nước phát triển, cấp quyền thường trú hoặc định cư cho nhà đầu tư nước ngoài là một chính sách thu hút đầu tư quan trọng được chính phủ áp dụng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính vào đầu tư, tạo nguồn thu cho ngân sách và tạo ra công ăn việc làm cho người dân bản xứ. Đổi lại, các chính phủ đó phải chăm lo cải thiện môi trường đầu tư và bảo đảm an toàn đối với các khoản vốn đầu tư thì mới tạo ra sức hút cho các nhà đầu tư toàn cầu. Một số nước như Mỹ, Anh Quốc, ÚC, New Zeland, Canada… đang là những quốc gia đi đầu trong chính sách thu hút đầu tư định cư. Gần đây, một số nước Châu Âu khác như Áo, Hungary, Manta… cũng bắt đầu chú trọng chính sách này.
Việt Nam từ một nước mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài và vốn viện trợ ODA cách đây vài thập kỷ, đến nay đã vươn lên thành một nước có thu nhập trung bình. Tầng lớp người giàu và các tỷ phú mới nổi ngày càng đông đảo và không ngừng gia tăng. Đến lượt mình, các nguồn vốn thặng dư từ Việt Nam cũng bắt đầu tìm đường chảy ra ngoài. Nhưng thay vì chảy đến các nước đang phát triển thì các dòng vốn này lại chủ yếu chảy vào các nước phát triển. Lý giải hiện tượng này, ngoài lý do kinh tế còn những nguyên nhân khác mà các nhà đầu tư Việt Nam đang quan tâm. Trong khi môi trường  kinh tế, xã hội trong nước đang đối mặt với một loạt các vấn đề bất ổn về vệ sinh an toàn thực phẩm, an sinh xã hội, chất lượng y tế, giáo dục và ô nhiễm môi trường, thì các quốc gia phát triển lại sở hữu hệ thống giáo dục tiên tiến, môi trường sống và phúc lợi xã hội tốt, hệ thống y tế ưu việt, đó là môi trường lý tưởng cho các thế hệ trẻ học tập và cho người già hưởng thụ. Đây chính là những yếu tố hấp dẫn, thôi thúc một bộ phận người Việt tìm hướng định cư ở nước ngoài. 
Làn sóng đầu tư định cư của người Việt trong vài năm qua chủ yếu tập trung vào các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Úc, Singapore... trong đó Mỹ và Úc là hai thị trường được người Việt quan tâm nhiều nhất, mặc dù tại các quốc gia này, việc đầu tư định cư đòi hỏi những điều kiện tương đố khắt khe với mức vốn đầu tư cao. 
Điều kiện đầu tư định cư vào các quốc gia phát triển 
Bên cạnh những quyền lợi hấp dẫn về thường trú hoặc định cư được trao cho nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ mỗi quốc gia đều đặt ra những điều kiện và yêu cầu nhất định trước khi chấp thuận cho phép các nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường nước sở tại. Có thể dẫn ra một vài ví dụ dưới đây: 
Tại Úc, 
Chính phủ Úc chia việc định cư theo diện doanh nhân làm nhiều loại visa tạm trú, thường trú kèm theo đó là yêu cầu định mức đầu tư khác nhau đối với mỗi loại. Với định mức đầu tư cơ bản, nhà đầu tư cần có khoảng 800.000 AUD (tương đương khoảng hơn 13 tỷ đồng) để đầu tư thành lập một doanh nghiệp mới tại Úc. Với trường hợp này nhà đầu tư cần đáp ứng rất nhiều điều kiện (tuổi tác, trình độ quản lý doanh nghiệp, trình độ tiếng Anh…) theo quy định của Chính phủ Úc. Ngoài định mức trên, còn có những định mức cao hơn như 1,50 triệu AUD (khoảng hơn 25,5 tỷ đồng) để đầu tư vào trái phiếu chính phủ của bang nhận bảo lãnh nhà đầu tư. Cũng nhằm linh hoạt khuyến khích tiềm lực tài chính dồi dào của các nhà đầu tư, chính phủ nước này đã đưa vào thí điểm hai diện nhập cư giá trị lớn là đầu tư trọng yếu (The Significant Investor visa - SIV) trị giá 5 triệu AUD (khoảng hơn 83 tỷ đồng) và đầu tư cao cấp (The Premium Investorvisa - PIV) trị giá 15 triệu AUD (khoảng hơn 255 tỷ đồng). Tuy nhiên với các diện đầu tư này thì khung chương trình giải ngân nguồn tiền đầu tư cũng tương đối phức tạp và khó khăn. Các nhà đầu tư sẽ không còn được quyền rót toàn bộ số vốn khổng lồ này vào các hạng mục an toàn như trái phiếu Chính phủ và bất động sản. Thay vào đó là các hạng mục đầu tư mang nhiều tính rủi ro hơn. Ví dụ như khi áp dụng những quy định này giờ đây, nhà đầu tư SIV sẽ phải chia nhỏ khoản vốn 5 triệu AUD của mình vào ba hạng mục chính gồm một quỹ đầu tư mạo hiểm của Australia (ít nhất 500.000 AUD), các công ty đầu tư đã niêm yết trên sàn chứng khoán (ít nhất 1,5 triệu AUD), một hoặc nhiều quỹ quản lý theo chỉ định hoặc bất động sản (tối đa 10%). 
Khi đầu tư tại Úc, vợ/chồng, các con chung và con riêng phụ thuộc, người thân trong gia đình còn phụ thuộc của nhà đầu tư có thể tham gia vào hồ sơ để di trú sang Úc; Nhà đầu tư được cấp thị thực nhập cảnh và lao động tại Úc có giá trị sử dụng liên tục trong 04 năm; được tiếp tục tham gia chương trình định cư diện đầu tư Sub-class 888 để được cấp thẻ xanh (khi sinh sống tại Úc trong ít nhất 2 năm trong vòng 4 năm và duy trì khoản đầu tư tại Úc trong ít nhất 4 năm); và có cơ hội mở doanh nghiệp hoặc phát triển doanh nghiệp có sẵn và/hoặc đầu tư vào các tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ của Úc. 
Tại Mỹ,
Việc đầu tư định cư được thực hiện theo chương trình EB-5 do Chính phủ Mỹ khởi xướng từ năm 1990.Chương trình này cho phép nhà đầu tư rót vốn vào các dự án tại Mỹ, tạo ra việc làm cho người bản xứ và nhận thẻ xanh cho cả gia đình.Để hiện thực hóa “Giấc mơ Mỹ” của mình, các nhà đầu tư có thể lựa chọn mức đầu tư chỉ từ 500.000 USD thông qua chương trình EB-5. Theo đó, nhà đầu tư có thể lựa chọn hai hình thức đầu tư là đầu tư trực tiếp (tự đầu tư) và gián tiếp (đầu tư uỷ thác). Trong đó, đầu tư trực tiếp là đầu tư thông qua thành lập công ty mới hoàn toàn, mua lại cơ sở kinh doanh đang hoạt động, mở công ty con hoặc mở thêm chi nhánh kinh doanh. Với diện này, nhà cần đầu tư 01 triệu USD/suất và tạo ra10 việc làm toàn thời gian cho công dân hoặc thường trú nhân Mỹ trong vòng 02 năm liên tiếp. Còn đầu tư gián tiếp thông qua Regional Centers, nhà đầu tư đầu tư vào công ty hoặc dự án được sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ với vốn đầu tư 500 ngàn USD/suất [1].Với chương trình EB-5, nhà đầu tư cùng chồng/vợ và các con độc thân dưới 21 tuổi được hưởng đầy đủ quyền lợi của thường trú nhân Mỹ như sinh sống, học tập và làm việc tại bất cứ nơi nào tại Mỹ, ra vào Mỹ không cần visa, có hai quốc tịch,được hưởng nền học vấn, chất lượng cuộc sống văn minh, hiện đại và phúc lợi hàng đầu thế giới. Thẻ xanh được cấp cho cả gia đình lần đầu có giá trị 2năm. Sau 2 năm, Nhà đầu tư có thể nộp đơn I-829 xoá bỏ điều kiện của thẻ xanh để xin thẻ xanh vĩnh viễn. Sau 5 năm nhà đầu tư có thẻ xanh sẽ được nhập tịch Mỹ.
 

Quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài
Chính phủ Việt Nam khuyến khích nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước [2].
Khi đầu tư vào bất kỳ quốc gia nào, nhà đầu tư đều phải tuân thủ các quy định về đầu tư ra nước ngoài của Luật đầu tư Việt Nam năm 2014. Theo đó, khi thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài, nhà đầu tư Việt phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không được nằm trong danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư. Đồng thời, nhà đầu tư phải cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc được tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài; Và,có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án đầu tư.Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, Nhà đầu tư Việt Nam phải đăng ký tài khoản vốn và tiến độ chuyển vốn ra nước ngoài tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam và thực hiện việc góp vốn theo đúng tiến độ đã đăng ký.
Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư ở nước ngoài, Nhà đầu tư phải thường xuyên báo cáo về tình hình và tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế và ngoại hối trong quá trình đầu tư. Nhìn chung,với những chính sách và ưu đãi rộng mở tại các quốc gia phát triển, nhà đầu tư Việt Nam có rất nhiều cơ hội để đầu tư và định cư tại các quốc gia phát triển.
Xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục nở rộ hơn nữa trong vài năm tới khi kinh tếViệt Nam ngày càng phục hồi và phát triển. Đón đầu xu hướng mới, Công ty Luật Vietthink cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ thủ tục đăng ký đầu tư ra nước ngoài và đăng ký đầu tư định cư tại Mỹ, Úc và Singapore. Quý Khách hàng có nhu cầu xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết.  
Luật sư Cao Thị Hòa - Luật sư Lương Ngọc Quang
Công ty Luật Vietthink


[1] http://www.usis.us/dich-vu/visa-dinh-cu-my-theo-dien-dau-tu-eb-5.html
[2] Khoản 1 Điều 51 Luật Đầu tư năm 2014
Cập nhật: 27/02/2017
Lượt xem:11126