Trong bối cảnh gia nhập quốc tế hiện nay, quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng ngày càng được quan tâm và phát triển hơn tại Việt Nam. Mặc dù vậy, hiểu biết của con người về quyền của mình đối với các tác phẩm do mình sáng tạo ra và/hoặc do mình là chủ sở hữu còn rất hạn chế, dẫn đến rất nhiều vụ việc xâm phạm quyền tác giả vì những lý do vô tình hoặc hữu ý. Đặc biệt được xã hội quan tâm vừa qua có thể kể đến vụ việc quyền tác giả đối với các nhân vật trong bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” giữa Ông Lê Linh và Công ty TNHH truyền thông giáo dục và giải trí Phan Thị (“Phan Thị”) hay vụ việc “Ngày xưa (Thủa ấy xứ Đoài)” và “Tinh hoa Bắc Bộ” giữa Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội và Công ty CP tổng hợp truyền thông DS.
Để đi sâu, hiểu rõ, phân tích và rút ra bài học trong câu chuyện này, trước tiên cần phải trả lời lần lượt một số câu hỏi, bao gồm nhưng không giới hạn đến các câu hỏi sau:
- Quyền tác giả là gì?
- Tác phẩm là gì?
- Các đối tượng nào được định nghĩa là tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam?
- Tác giả với chủ sở hữu khác nhau như thế nào?
- Tác giả và chủ sở hữu có quyền và nghĩa vụ gì?
- Bảo hộ quyền tác giả là bảo hộ những gì?
- Cơ quan nào có thẩm quyền ghi nhận quyền tác giả?
- Tác giả cần phải đăng ký các đối tượng Sở hữu trí tuệ nào ngoài quyền tác giả để bảo vệ lợi ích cho mình?
- Tác giả và chủ sở hữu cần phải làm gì để bảo vệ đươc quyền lợi của mình?....
Quyền tác giả là gì?
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là một trong các quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bên cạnh các quyền khác như quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý…) và quyền đối với giống cây trồng.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật SHTT 2005, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Trong trường hợp “Thần đồng đất Việt”, quyền tác giả đối với tác phẩm này bao gồm quyền của tác giả Lê Linh với tác phẩm mà mình sáng tạo ra với tư cách là tác giả và quyền của Phan Thị đối với tác phẩm với tư cách là chủ sở hữu.
Tác phẩm là gì?
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Luật SHTT 2005, Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kì phương tiện hay hình thức nào.
Tức là, tác phẩm phải được thể hiện ra bên ngoài bằng bất kì phương tiện và hình thức nào đó mới được ghi nhận. Nếu vẫn chỉ là ý tưởng ở trong đầu, tâm trí, tưởng tượng của tác giả và chưa được thể hiện ra ngoài theo bất kì hình thức hoặc phương tiện nào thì không được nhận biết là tác phẩm.
Ví dụ, một bài hát phải được thể hiện ra ngoài bằng bản nhạc được thể hiện ra giấy bao gồm khuông nhạc, các nốt nhạc và/hoặc lời để từ bản nhạc đó người có hiểu biết cơ bản trong nghề có thể đọc được bản nhạc đó hoặc bài hát đó phải được thể hiện bằng bản thu âm đã thu sẵn, không thể được coi là bài hát nếu mới chỉ xuất hiện trong tưởng tượng của tác giả mà chưa được thể hiện ra bên ngoài bằng hình thức và phương tiện bất kì.
Trong trường hợp “Thần đồng đất Việt”, tác phẩm là hình ảnh các nhân vật trong truyện (Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng), là cốt truyện (tác phẩm viết) và truyện (tác phẩm truyện tranh được thể hiện dưới dạng chữ viết và hình ảnh) được thể hiện bằng hình ảnh được vẽ ra và câu truyện được sáng tác bởi tác giả, không phải hình ảnh hay câu truyện mới chỉ xuất hiện trong tưởng tượng, trong tâm trí tác giả mà chưa được thể hiện ra bên ngoài bằng một hình thức nào đó.
Trong câu chuyện này, với nhận định của luật sư bên Phan Thị rằng “bà Phan Thị Mỹ Hạnh đã hình dung ra nhân vật trong đầu, trong tưởng tượng, trong thế giới tinh thần của bà Phan Thị Mỹ Hạnh” và ông Lê Linh là người thể hiện các hình dung đó và do đó bà Phan Thị Mỹ Hạnh là đồng tác giả với ông Lê Linh là không có căn cứ. Trong việc này, bà Phan Thị Mỹ Hạnh không thể chứng minh được các tưởng tượng trong đầu bà là có thật bằng cách nào và có giống với những gì ông Lê Linh thể hiện ra hay không. Do đó, việc ông Lê Linh đòi hỏi quyền lợi mình là tác giả duy nhất của các tác phẩm này, sáng tạo và được trả nhuận bút từ Phan Thị, là có căn cứ và lập luận rất rõ ràng.
Theo quan điểm của Tòa án Nhân dân Quận 1 (Tòa án sơ thẩm vụ việc này), Phan Thị đã trả nhuận bút cho Lê Linh, tức đã công nhận ông Lê Linh là tác giả. Tòa không chấp nhận quan điểm của bà Phan Thị Mỹ Hạnh cho rằng bà đã hình dung các nhân vật trong truyện và nhờ ông Lê Linh vẽ lại nên phải là đồng tác giả bởi vì Tòa nhận định rằng ý tưởng nếu không được thể hiện dưới dạng vật chất nhất định thì sẽ không được pháp luật bảo hộ quyền tác giả.
Các đối tượng nào được định nghĩa là tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam?
Theo quy định tại Điều 14 Luật SHTT 2005, các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
- Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
- Bài giảng, bài phát biểu và bài nói của người khác;
- Tác phẩm báo chí;
- Tác phẩm âm nhạc;
- Tác phẩm sân khấu;
- Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra bằng phương pháp tương tự;
- Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
- Tác phẩm nhiếp ảnh;
- Tác phẩm kiến trúc;
- Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học;
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
- Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Định nghĩa của các đối tượng nêu trên được quy định chi tiết hơn trong Nghị định 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan (NĐ22).
Trong trường hợp “Thần đồng đất Việt”, tác phẩm là hình ảnh các nhân vật trong truyện (Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng), là cốt truyện (tác phẩm viết) và truyện (tác phẩm truyện tranh được thể hiện dưới dạng chữ viết và hình ảnh).
Tác giả với chủ sở hữu khác nhau như thế nào?
- Tác giả, theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 NĐ22, là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học,nghệ thuật và khoa học.
Tác giả của một tác phẩm có thể là đồng tác giả, tức là bao gồm nhiều tác giả, những tác giả này cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. (Khoản 2 Điều 66 NĐ22).
- Chủ sở hữu, theo quy định tại Điều 25 NĐ22, chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm (i) tổ chức, cá nhân Việt Nam, (ii) Tổ chức,cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam, (iii) Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam và (iv) Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Như vậy, giữa tác giả và chủ sở hữu có thể tồn tại các mối quan hệ sau:
- Tác giả là cá nhân hoặc nhiều cá nhân (đồng tác giả);
- Chủ sở hữu có thể là cá nhân hoặc tổ chức;
- Tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm;
- Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm: Ví dụ như tác giả sáng tạo tác phẩm theo nhiệm vụ mà chủ sở hữu giao (nhân viên sáng tạo theo nhiệm vụ của công ty, tác giả giao kết hợp đồng sáng tạo với chủ sở hữu…) thì chủ sở hữu (thông thường) là tổ chức/cá nhân giao nhiệm vụ hoặc thuê tác giả sáng tạo tác phẩm…
Trong trường hợp “Thần đồng đất Việt”, tác giả không đồng thời là chủ sở hữu. Cụ thể hơn, tác giả (ông Lê Linh) sáng tạo dựa trên Hợp đồng lao động với chủ sở hữu (Phan Thị).
Tác giả trong tác phẩm “Thần đồng đất Việt”, theo như Phan Thị đăng ký quyền tác giả với Cục bản quyền là đồng tác giả (tập thể tác giả), cụ thể là Phan Thị Mỹ Hạnh cùng là đồng tác giả với Lê Linh.
Chủ sở hữu trong đăng ký quyền tác giả của tác phẩm Thần đồng đất Việt là Phan Thị.
Câu chuyện mâu thuẫn bắt đầu khi ông Lê Linh phát hiện việc Phan Thị đăng ký quyền tác giả với Cục bản quyền cho bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” cùng các nhân vật với tác giả là tập thể tác giả và theo ông Linh, ông là người duy nhất vẽ tranh và viết lời cho bộ truyện từ tập đầu đến tập 78 (từ năm 2002-2005). Sau khi vào công ty, được bà Phan Thị Mỹ Hạnh giao yêu cầu vẽ một bộ truyện tranh dựa trên các điển tích xưa, ông Lê Linh bắt đầu sáng tác. Các bước sáng tạo của ông Linh là: viết kịch bản, vẽ sơ phác, viết vào trang truyện, vẽ hoàn chỉnh, sau đó chuyển qua bộ phận vi tính và đổ background. Bà Phan Thị Mỹ Hạnh chỉ tham gia công tác tổ chức, không tham gia vào công tác sáng tạo tác phẩm. Do đó, ông Lê Linh đưa đơn kiện đề nghị ghi nhận ông Lê Linh là tác giả duy nhất của tác phẩm “Thần đồng đất Việt” và 04 hình tượng nhân vật trong tác phẩm này và đề nghị Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh không được phép sáng tác các biến thể của nhân vật trong bộ truyện:
(Bộ tứ Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trong bộ truyện tranh Thần Đồng đất Việt)
Tác giả và chủ sở hữu có quyền và nghĩa vụ gì?
Quyền tác giả theo quy định của Luật SHTT, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Quyền nhân thân, theo quy định tại Điều 19 Luật SHTT bao gồm:
(i) Quyền đặt tên cho tác phẩm. Tuy nhiên, quyền này không được áp dụng cho tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác;
(ii) Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm;
(iii) Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
(iv) Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kì hình thức nào gây phuong hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Quyền tài sản, theo quy định tại Điều 20 Luật SHTT bao gồm:
(v) Làm tác phẩm phái sinh;
(vi) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
(vii) Sao chép tác phẩm;
(viii) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
(ix) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kì phương tiện kỹ thuật nào khác;
(x) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Tác giả và chủ sở hữu có những quyền gì trong các quyền liệt kê ở trên?
Trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu, tác giả sẽ có tất cả các quyền nhân thân và quyền tài sản ở trên;
Trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu:
- Đối với quyền nhân thân: Tác giả có quyền nhân thân liệt kê tại mục (i), (ii), (iii) & (iv). Thông thường, chủ sở hữu có quyền đối với quyền nhân thân liệt kê tại mục (iii) ở trên trong trường hợp tác giả sáng tạo tác phẩm theo nhiệm vụ đối với công ty là chủ sở hữu hoặc tác giả sáng tạo tác phẩm theo Hợp đồng thực hiện công việc. Với trường hợp tác giả sáng tạo tác phẩm sau đó góp vốn vào công ty là chủ sở hữu theo dạng Hợp đồng góp vốn thì có thể tác giả sẽ có toàn bộ quyền nhân thân liệt kê tại mục (i), (ii), (iii) & (iv) nếu thời điểm góp vốn được thực hiện sau khi tác phẩm đã được công bố;
- Đối với quyền tài sản: Hầu như trong mọi trường hợp, chủ sở hữu hoàn toàn có quyền tài sản đối với tác phẩm trừ trường hợp tác giả và chủ sở hữu tác phẩm có thỏa thuận khác. Ví dụ như vụ việc “Ngày xưa (Thủa ấy xứ Đoài)” và “Tinh hoa Bắc Bộ” giữa Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội và Công ty CP tổng hợp truyền thông DS, ngay từ đầu tiên, tác giả là đạo diễn Nguyễn Việt Tú (Công ty CP tổng hợp truyền thông DS) và Công ty CP Tuần Châu Hà Nội đã có thỏa thuận là Công ty CP Tuần Châu Hà Nội sẽ chi trả nhuận bút cho tác giả trên % giá vé bán ra sau này, ngoài khoản phí đưa ra ban đầu. Hay nói cách khác, trường hợp của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội, tác giả và chủ sở hữu cùng hưởng một trong những quyền tài sản trong trường hợp này.
Tuy nhiên, đối với mỗi tác phẩm, Luật SHTT và NĐ22 có các quy định cụ thể và chi tiết về quyền tài sản và quyền nhân thân. Các nội dung quyền nêu trên chỉ là trong phần lớn các trường hợp.
Trong trường hợp “Thần đồng đất Việt”, tác giả là Lê Linh hưởng đầy đủ các quyền nhân thân liệt kê tại mục (i), (ii) & (iv) nêu trên và Phan Thị được hưởng đầy đủ các quyền tài sản và quyền nhân thân ở mục (iii) vì Lê Linh là tác giả thực hiện tác phẩm theo Hợp đồng lao động với Phan Thị nên Phan Thị có được quyền này (thường là theo thỏa thuận trong Hợp đồng lao động hoặc Quyết định giao việc của Phan Thị cho ông Lê Linh).
Theo Quyết định tại bản án sơ thẩm ngày 14/02/2019, sau nhiều ngày xét xử và nghị án, TAND Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện Thần đồng đất Việt và 4 hình tượng nhân vật trong truyện là Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Tòa cũng buộc Phan Thị chấm dứt việc tiếp tục sáng tác những biến thể của nhân vật vì việc tiếp tục sáng tác này sẽ không bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; xin lỗi công khai họa sĩ Lê Linh 3 kỳ liên tiếp trên các báo; chịu phí thuê luật sư phía Lê Linh là 15 triệu đồng. Việc buộc Phan Thị chấm dứt việc tiếp tục sáng tác những biến thể của nhân vật vì việc tiếp tục sáng tác này sẽ không bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm có thể coi như tương đương với việc Tòa không cho phép Phan Thị được hưởng một trong những quyền tài sản là làm tác phẩm phái sinh, ví dụ như làm các tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể… Việc quyết định như vậy có phù hợp hay không, chúng ta cùng chờ kết quả trong phiên phúc thẩm sắp được tiến hành.
(Nguồn ảnh: Facebook cá nhân tác giả Lê Linh)
Bảo hộ quyền tác giả là bảo hộ những gì?
Theo Luật SHTT, quyền tác giả không cần phải đăng ký mới được bảo hộ mà nó được bảo hộ ngay từ khi tác phẩm được sinh ra. Tuy nhiên, nếu mong muốn được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ghi nhận quyền của mình, chủ sở hữu có thể nộp đơn với Cục bản quyền tác giả để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
Cục bản quyền ghi nhận các thông tin sau trên Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả:
- Tên tác phẩm;
- Loại hình tác phẩm;
- Tên tác giả;
- Quốc tịch tác giả;
- Tên và địa chỉ chủ sở hữu;
- Số ĐKKD nếu chủ sở hữu là pháp nhận;
- Số Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho Cục bản quyền tác giả cấp;
- Ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
Cục bản quyền không có nhiệm vụ thẩm định về nội dung tác phẩm sẽ được cấp quyền tác giả (trừ các nội dung xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhận khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan. Hay nói cách khác, Cục bản quyền tác giả là nơi ghi nhận các nội dung liệt kê nêu trên của tác phẩm, được cung cấp bởi tác giả và chủ sở hữu tác phẩm.
Tác giả cần phải đăng ký các đối tượng Sở hữu trí tuệ nào ngoài quyền tác giả để bảo vệ lợi ích cho mình?
Trong vụ việc “Thần đồng đất Việt”, ngoài việc đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm Thần đồng đất Việt, Phan Thị còn đăng ký rất nhiều NHÃN HIỆU cho các sản phẩm/dịch vụ liên quan đến ấn phẩm, xuất bản sách, xuất bản tranh, xử lý hình ảnh, in ấn… cho các nhãn hiệu như “
” theo đăng ký số 140145, “
” theo đăng ký số 140146; “
” theo đăng ký số 140147, “
” theo đăng ký số 83760… Và một điều rất đặc biệt đáng quan tâm ở đây là Phan Thị đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “
” theo đơn số 4-2010-14802 ngày 09/07/2010 trong thời gian hai bên là ông Lê Linh và Phan Thị đang có mâu thuẫn và tranh chấp liên quan đến các nhân vật và bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Nhãn hiệu “
” chính là tên tác giả LÊ LINH của bộ truyện Thần đồng đất Việt được ghi trong mỗi tập truyện từ tập 1 đến tập 78 (từ năm 2002 đến năm 2005).
Ông Lê Linh đã kịp thời nộp yêu cầu phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu này và ngày 28/11/2014, đơn nhãn hiệu
“
” theo đơn số 4-2010-14802 này đã bị Cục SHTT chính thức quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là: Nếu Phan Thị đăng ký thành công nhãn hiệu “
” cho các nhóm sản phẩm/dịch vụ như trong ảnh trên, điều gì sẽ xảy ra? - Phan Thị sẽ được độc quyền sử dụng nhãn hiệu “
” cho các sản phẩm/dịch vụ đăng ký cho nhãn hiệu trong toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam; và - Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu “
” có thể bao trùm cho cả phần chữ được đọc là “LÊ LINH” trên lãnh thổ Việt Nam; và - Việc sử dụng phần chữ “LÊ LINH” và/hoặc “
” cho các sản phẩm sách, truyện, ấn phẩm và các sản phẩm/dịch vụ khác liệt kê theo đơn có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền của Phan Thị đối với nhãn hiệu này; - Phan Thị hoàn toàn có thể có cơ sở xử lý các bên thứ ba sử dụng phần chữ “LÊ LINH” hoặc “
” cho các tác phẩm ấn phẩm, sách, truyện… và các sản phẩm/dịch vụ liên quan đến danh mục đã đăng ký với Cục SHTT mà chưa được phép của Phan Thị, bao gồm cả ông Lê Linh khi sử dụng chính tên của mình cho các ấn phẩm mà mình là tác giả và chủ sở hữu. Điều này có nghĩa là ngay cả tên Lê Linh – tác giả thực sự của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt cũng được quyền sử dụng độc quyền bởi Phan Thị, ông Lê Linh không thể sử dụng tên của mình cho các tác phẩm ấn phẩm, sách truyện… do mình sáng tạo ra trong tương lai.
Tác giả và chủ sở hữu cần phải làm gì để bảo vệ đươc quyền lợi của mình?
Với thực tế câu chuyện “Thần đồng đất Việt”, người đọc có thể rút ra được những bài học gì cho mình, đặc biệt là các tác giả và chủ sở hữu của các tác phẩm của mình?
- Nếu tác giả sáng tạo tác phẩm theo Hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng thực hiện công việc, tác giả và chủ sở hữu phải làm việc với nhau thật kĩ càng và trong Hợp đồng PHẢI có các điều khoản thật rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, ví dụ như về việc công nhận ai là tác giả, ai/tổ chức nào là chủ sở hữu tác phẩm; tác giả và chủ sở hữu sẽ có những quyền và nghĩa vụ gì; chủ sở hữu có quyền dựa trên tác phẩm mà tác giả hoàn thành để làm các tác phẩm phái sinh hay không; tác giả được hưởng nhuận bút như thế nào (một lần cho toàn bộ tác phẩm hay có thể được nhận thêm % cho mỗi tác phẩm được bán ra…); việc công bố tác phẩm là của tác giả hay chủ sở hữu; chủ sở hữu không được quyền tiến hành các công việc ảnh hưởng/chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ của tác giả đối với tên riêng/bút danh của tác giả…
- Khi ký các tài liệu liên quan đến việc đăng ký quyền tác giả và Hợp đồng với chủ sở hữu, tác giả cần phải kiểm tra rất kĩ các thông tin liên quan đến tác giả, đồng tác giả (nếu có) và nếu có vấn đề không tự giải quyết được, cần phải tìm những người có hiểu biết về luật Sở hữu trí tuệ như Cục bản quyền hoặc các đại diện Sở hữu công nghiệp để làm rõ vấn đề trước khi đặt bút kí bất kì tài liệu nào;
- Ngoài đăng ký quyền tác giả, việc các tác giả đăng ký NHÃN HIỆU là tên riêng của mình cho các sản phẩm/dịch vụ liên quan đến tác phẩm mình sáng tạo là thật sự rất cần thiết để tránh xảy ra các hành vi xâm phạm quyền hay chiếm đoạt quyền của bất kể bên thứ ba nào. Tại Việt Nam hiện nay, có lẽ người nhận ra được tầm quan trọng của việc giữ độc quyền tên riêng của mình có thể kể đến nữ ca sĩ Mỹ Tâm. Thực tế, Công ty TNHH dịch vụ giải trí Mỹ Tâm do ca sĩ Mỹ Tâm (Phan Thị Mỹ Tâm) là người đại diện theo pháp luật đã đăng ký thành công các nhãn hiệu “
” theo đăng ký số “243805” & “
” theo đăng ký số 145493 tại Việt Nam, cụ thể chi tiết như sau: Với việc đăng ký nêu trên, ca sĩ Mỹ Tâm hoàn toàn có thể loại trừ các rủi ro bị mất “thương hiệu” của mình tại Việt Nam.
Thực trạng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ hiện nay diễn biến rất phức tạp và dưới nhiều cách thức khác nhau. Việc tăng cường hiểu biết để tránh gặp phải những rủi ro là rất cần thiết cho mỗi cá nhân. Vietthink hi vọng với bài viết phân tích này, người đọc phần nào nắm được quyền và nghĩa vụ của mình để bảo vệ chính quyền lợi của mình và tổ chức của mình.
___
Dương Thị Vân Anh
Công ty Luật TNHH Vietthink – Đại diện Sở hữu công nghiệp
Tầng 8, Tòa nhà Diamond Flower, Đường Lê Văn Lương, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội