Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Đã có hướng dẫn đăng ký giảm vốn điều lệ khi các cổ đông không góp đủ

Một trong những quy định mới được quan tâm của Luật doanh nghiệp năm 2014 là việc các công ty có quyền đăng ký giảm vốn điều lệ khi các thành viên, chủ sở hữu công ty chưa góp hoặc chưa góp đủ vốn đã đăng ký. Quy định này được xem là nút gỡ cho những vướng mắc đối với rất nhiều công ty hiện nay khi vì nhiều lý do khác nhau mà có rất nhiều thành viên chưa góp đủ vốn đăng ký và cũng không còn khả năng góp vốn.

Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập trong nhiều bài viết đăng trên website của Vietthink trước đây, các quy định của Luật doanh nghiệp về đăng ký giảm vốn điều lệ của công ty còn nhiều điểm chưa rõ ràng về các trường hợp được giảm vốn điều lệ, thời hạn, thủ tục đăng ký giảm vốn và thành phần hồ sơ đăng ký giảm vốn, dẫn đến nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau  (xem bài “Giải pháp đăng ký giảm vốn phát hành thêm của công ty cổ phần” đăng trên website Vietthink ngày 12/7/2016). 

Trong thực tế, vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên khi tiếp nhận các hồ sơ đăng ký giảm vốn theo yêu cầu của doanh nghiệp, các Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch – Đầu tư các tỉnh thành trong cả nước đều lúng túng không có hướng xử lý. Tình trạng thường gặp là các cơ quan đăng ký kinh doanh “ngâm” hồ sơ để chờ hướng dẫn hoặc trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều công ty có nhu cầu đăng ký giảm vốn điều lệ để phản ánh đúng tình trạng vốn của doanh nghiệp nhưng lại không được giải quyết, dẫn đến những khó khăn, trở ngại trong hoạt động kinh doanh.

Trong quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp, Công ty Luật Vietthink đã nhiều lần phản ánh những bất cập trong các quy định của pháp luật xung quanh việc đăng ký giảm vốn điều lệ và những vướng mắc trong thực tiễn thi hành với các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, nhiều Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cấp tỉnh, thành phố đã gửi văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để các Phòng đăng ký kinh doanh có cơ sở giải quyết yêu cầu của doanh nghiệp.  Ngày 30/8/2016, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã ban hành văn bản số 6811/BKHĐT-ĐKKD hướng dẫn về việc điều chỉnh vốn điều lệ Công ty.
   
Theo Văn bản trên đây, việc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ của công ty được quy định rất đầy đủ, chi tiết và được chia thành các trường hợp sau:

Thứ nhất, trường hợp đã quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà thành viên công ty chưa góp hoặc chưa góp đủ vốn điều lệ theo cam kết thì công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 60 ngày đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, 30 ngày đối với công ty TNHH một thành viên và công ty cổ phần, kể từ ngày phải góp đủ vốn điều lệ. 

Thứ hai, trường hợp quá thời hạn đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ do thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ vốn điều lệ theo cam kết, Công ty thực hiện đăng ký điều chỉnh giảm vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp. Đồng thời, Công ty có thể bị xử phạt vi phạm hành chính do chậm thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn điều lệ. 

Thứ ba, trường hợp phần vốn góp, cổ phần chưa thanh toán được bán hết cho các thành viên, cổ đông còn lại hoặc tổ chức, cá nhân khác trong thời hạn 60 ngày đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên, và 30 ngày đối với Công ty TNHH một thành viên và Công ty cổ phần kể từ ngày hết thời hạn góp vốn, thì Công ty không phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ. 

Thứ tư, trường hợp thành viên, cổ đông công ty chưa góp đủ vốn đã cam kết hoặc đã đăng ký góp nhưng thời hạn góp vốn theo luật định vẫn còn thì công ty không được đăng ký điều chỉnh giảm vốn điều lệ. 

Thứ năm, trường hợp công ty đã đăng ký tăng vốn điều lệ trước ngày 01/7/2015 nhưng trên thực tế thành viên công ty không góp hoặc không góp đủ phần vốn góp như đã đăng ký thì công ty thực hiện đăng ký điều chỉnh giảm vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp. 

Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp đăng ký tăng vốn điều lệ sau ngày 01/7/2015 (thời điểm Luật doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực) mà các thành viên, cổ đông không góp hoặc không góp đủ phần vốn đã đăng ký góp thì công ty cũng không được đăng ký điều chỉnh giảm vốn điều lệ. Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, do bởi Luật doanh nghiệp năm 2014 đưa ra quy định mới về vốn điều lệ, theo đó “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần”. Theo quy định trên thì vốn điều lệ của các công ty được xác định ở các thời điểm khác nhau là khác nhau. Ở thời điểm thành lập công ty, vốn điều lệ được xác định là vốn do các thành viên, cổ đông công ty đăng ký góp hoặc đăng ký mua. Nếu sau đó thành viên hoặc cổ đông không góp hoặc không góp đủ thì công ty được quyền đăng ký giảm vốn điều lệ. Còn ở thời điểm đăng ký tăng vốn điều lệ thì vốn điều lệ của công ty được xác định là vốn các thành viên đã góp hoặc đã bán được, nên không có chuyện đăng ký vốn điều lệ “khống”. 

Do vậy, từ nay về sau các công ty cần chú ý khi đăng ký tăng vốn điều lệ phải đăng ký trên số vốn đã góp hoặc đã bán được, không đăng ký trên số vốn dự định tăng thêm để tránh bị xử phạt vi phạm hành chính cũng như gặp phải những rắc rối không đáng có.

Ngoài ra, văn bản số 6811/BKHĐT-ĐKKD còn hướng dẫn chi tiết về thành phần hồ sơ đăng ký giảm vốn điều lệ của công ty trong các trường hợp nêu trên và việc áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính khi các thành viên, cổ đông không thực hiện việc góp vốn đúng thời hạn đã cam kết.

LS Cao Thị Hòa – Công ty Luật Vietthink
Cập nhật: 03/10/2016
Lượt xem:5134