Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Luật sư chính thức ngồi ngang hàng với đại diện Viện kiểm sát

Ngày 28/7/2017, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký ban hành Thông tư 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án. Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư này thì sơ đồ vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được thực hiện theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư. Theo quy định tại Phụ lục số 01 Thông tư 01/2017/TT-TANDTC, phòng xử án bao gồm phòng xử án giám đốc thẩm, tái thẩm; phòng xử án sơ thẩm, phúc thẩm. Theo đó, phòng xử án sơ thẩm, phúc thẩm bao gồm: Phòng xử án hình sự; Phòng xử án hành chính, dân sự, giải quyết việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

Theo quy định, tại phiên tòa hình sự sơ thẩm và phúc thẩm,vị trí của  đại diện Viện kiểm sát và vị trí của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bố trí ngang bằng, đối diện với nhau và ở dưới vị trí của Thư ký phiên tòa.

 
Trong khi đó, tại phiên tòa tái thẩm, giám đốc thẩm, vị trí của đại diện Viện kiểm sát được bố trí ngay phía dưới vị trí của Thư ký phiên tòa và ngang hàng với các đơn vị chức năng của Tòa án. Vị trí của người tham gia tố tụng như người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự được bố trí ngang hàng và ở dưới vị trí của đơn vị chức năng của Tòa án. 

Tại các phòng xử án hành chính, dân sự, giải quyết việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xửl ý hành chính, vị trí của Luật sư ngồi ngay phía dưới Đại diện Viện kiểm sát và người phiên dịch.

Điểm đáng chú ý khác, theo Thông tư vừa được ban hành, vành móng ngựa được thay thế bởi bục khai báo. 

Với mô hình phòng xét xử hình sự mới, bên buộc tội - đại diện Viện kiểm sát và bên gỡ tội - người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại,đương sự ngồi ở vị trí ngang hàng nhau đã góp phần bảo đảm nguyên tắc tranh tụng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, cũng như nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng của các bên trong tranh tụng,tạo tâm lý thuận lợi cho Luật sư khi tranh tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, và là khâu đột phá của hoạt động tư pháp.

Cách thức bố trí phòng xét xử tuy chỉ là hình thức nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thể hiện tính dân chủ, sự bình đẳng giữa các bên, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa; đồng thời, cũng thể hiện được vị trí trung tâm của Hội đồng xét xử - nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Việc đổi mới vị trí ngồi của Kiểm sát viên và Luật sư chính là sự thể hiện của tinh thần thay đổi từ mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tranh tụng. Đây cũng chính là việc thực hiện chủ trương cải cách tư pháp là kết hợp mô hình tố tụng xét hỏi và mô hình tố tụng tranh tụng mà Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị đã đề ra: "Đổi mới việc tổ chức phiên toà xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp"

 
(Hình ảnh tư liệu phiên tòa được bố trí theo cách thức sắp xếp mới)

Chủ trương này cũng được thể hiện trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015, cụ thể Điều 257 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định về phòng xử án như sau: “1.Phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và Luật sư, người bào chữa khác. 2. Chánh án TANDTC quy định chi tiết Điều này”.

Mặc dù đã có những thay đổi tích cực về mặt hình thức trong hoạt động tư pháp nhưng cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng địa vị pháp lý của người bào chữa có được nâng cao hay không,hoạt động xét xử có được công khai, bình đẳng hay không, có giảm bớt được oan sai hay không... còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, ngoài việc thay đổi về hình thức, mô hình xét xử, cần triển khai thực hiện các quy định khác của Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 như các quyền của bị can, bị cáo, quyền của người bào chữa... trong việc thu thập,cung cấp chứng cứ, quyền tranh tụng bình đẳng, nguyên tắc suy đoán vô tội...Có triển khai đầy đủ, đồng bộ tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan thì mới thay đổi được mô hình tố tụng và hiệu quả trong tố tụng. Còn nếu chỉ thực hiện triển khai những quy định về hình thức mà không làm tốt các quy định về mặt nội dung, không đảm bảo được quyền bào chữa, quyền con người, không bình đẳng trong địa vị tham gia tố tụng của các chủ thể... thì việc thay đổi vị trí ngồi trong phiên tòa cũng không có ý nghĩa gì.

Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC cóhiệu lực từ ngày 01/01/2018. 

Vietthink News./.






Cập nhật: 30/12/2017
Lượt xem:8726