Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Ông Dương B phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”?

Nội dung vụ án:

Thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh V, HĐND tỉnh V ban hành Nghị quyết để hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh V giai đoạn 2016 -2020. Sau khi có chủ trương, UBND xã T làm thủ tục đăng ký mở lớp truyền nghề Mộc, được Chi cục phát triển nông thôn tỉnh V thẩm định đủ điều kiện mở lớp. Ngày 20/06/2016, Chi cục phát triển nông thôn tỉnh V ký Hợp đồng truyền nghề với UBND xã T, trong đó thống nhất: Tổ chức 03 lớp đào tạo nghề mộc tại xã T thời gian 03 tháng/1 lớp (1 tháng học 22 ngày) với 100 học viên và 17 giáo viên truyền nghề; kinh phí hỗ trợ là 500 triệu đồng.  Phạm Thị M là Trưởng phòng cơ điện và ngành nghề nông thôn được Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh V giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến lớp học và việc thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ (Đặc điểm của khóa học là toàn bộ học viên đều là người ở làng có nghề Mộc cổ truyền, họ đều đã biết nghề và sinh sống bằng nghề Mộc).

Ngày 15/07/2016, Chủ tịch UBND xã T ký Quyết định thành lập Ban quản lý khóa truyền nghề do ông Nguyễn C Phó Chủ tịch UBND xã T làm Trưởng ban, theo đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người để quản lý và tổ chức khóa học. Trong đó ông Dương B - Trưởng ban Khuyến công xã được phân công làm Phó trưởng ban chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi các hoạt động của lớp học, thanh quyết toán kinh phí khóa học (bao gồm: chọn học viên, giáo viên truyền nghề, thuê địa điểm học nghề, mua nguyên vật liệu, dụng cụ học nghề, giấy, bút, tài liệu, nước uống, trang trí khánh tiết, phục vụ khóa học,…). Toàn bộ kinh phí phục vụ khóa học do ông Dương B ứng tiền cá nhân chi trước, sau khi kết thúc khóa học thì sẽ được UBND xã T trả lại. 

Ngày 18/10/2016, Chi cục phát triển nông thôn tỉnh V và UBND xã T ký biên bản nghiệm thu và thanh lý Hợp đồng truyền nghề. Sau đó ông Dương B trình Chủ tịch UBND xã T ký 11 phiếu chi với tổng số tiền đúng bằng kinh phí hỗ trợ là 500 triệu đồng, Kho bạc Nhà nước tỉnh V đã chuyển khoản toàn bộ số tiền 500 triệu đồng vào tài khoản UBND xã T và UBND xã đã rút số tiền trên chi trả cho ông Dương B.

Tuy nhiên, trên thực tế số lượng học viên thực học không đúng theo quy định ghi trong hợp đồng là 100 học viên, số ngày học và dạy không đủ 22 ngày/tháng, các khoản được phép chi ông Dương B đều chi thấp hơn mức quy định ghi trong hợp đồng, ông Dương B lập hồ sơ thanh quyết toán tiền kinh phí đã hợp thức chi đủ bằng số tiền kinh phí hỗ trợ khóa học được cấp là 500 triệu đồng và Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh V đã tất toán tiền kinh phí 500 triệu đồng với UBND xã T, ông Dương B được UBND xã T chi trả toàn bộ số tiền này. 

Điều tra theo đơn tố cáo, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác định được ông Dương B thực hiện chi phục vụ khóa học nghề trên thực tế số tiền là 192.140.000 đồng, chiếm đoạt số tiền là 307.860.000 đồng. Ông Dương B thừa nhận hành vi lập chứng từ không đúng với thực tế đã chi để rút ra số tiền chênh như kết quả điều tra và khai nhận có trao đổi, thống nhất với Phó Chủ tịch UBND xã T (Trưởng Ban Quản lý lớp học) là ông Nguyễn C và bà Phạm Thị M là Trưởng phòng cơ điện và ngành nghề nông thôn - Chi cục phát triển nông thôn tỉnh V trong việc rút một phần tiền trong kinh phí được cấp để chi phí cho việc lập, xin dự án và chi phí quản lý khóa học nghề (nhưng ông C và bà M không thừa nhận nội dung này). Số tiền chiếm đoạt được, ông Dương B khai nhận đã sử dụng như sau: Chi cho việc xin dự án mở khóa đào tạo nghề Mộc và các thành viên trong Ban quản lý, những người tham gia quản lý khóa học, gồm: Bà Phạm Thị M (Trưởng phòng cơ điện và ngành nghề nông thôn - Chi cục phát triển nông thôn tỉnh V) 100.000.000đ; ông Lê X (Chủ tịch UBND xã T) 20.000.000đ; ông Nguyễn C (Phó Chủ tịch UBND xã T - Trưởng Ban Quản lý khóa học) 20.000.000đ, ông Tô Đ (Chuyên viên Phòng nông nghiệp huyện) 5.000.000đ; ông Đàm N (Kế toán trưởng UBND xã T) 5.000.000đ; ông Nguyễn M (Cán bộ văn phòng UBND xã T) 1.000.000đ; ông Phạm K (Phó trưởng thôn Làng nghề) 5.000.000đ; chi tiếp đoàn kiểm tra khóa học của Chi cục phát triển nông thôn tỉnh V (4 lần) là 20.000.000đ; chi bồi dưỡng quá trình xin dự án; chi lễ khai giảng, bế giảng khóa học; chi in phôi, viết Giấy Chứng nhận tốt nghiệp khóa học nghề; số tiền còn lại ông Dương B sử dụng cá nhân. Tất cả số tiền trên, những người được ông Dương B đưa đều thừa nhận và đem nộp lại toàn bộ cho Cơ quan điều tra, chỉ riêng ông Lê X Chủ tịch xã T và bà Phạm Thị M Trưởng phòng cơ điện và ngành nghề nông thôn - Chi cục phát triển nông thôn tỉnh V là không thừa nhận được ông Dương B đưa tiền.

Vụ án này, có hai quan điểm về định tội danh như sau:

Quan điểm thứ nhất, ông Dương B phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với căn cứ, lập luận như sau:

Ông Dương B là Phó Ban quản lý lớp học, do biết được chủ trương, chính sách của HĐND, UBND tỉnh về việc hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại các làng nghề trên địa bản tỉnh, đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao và việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của Chi cục phát triển nông thôn tỉnh V, Ban quản lý lớp học truyển nghề xã T nên đã lập khống hóa đơn, chứng từ đề nghị thanh quyết toán để chiếm đoạt sử dụng cá nhân một phần số tiền mà Chi cục phát triển nông thôn tỉnh V hỗ trợ công tác truyển nghề từ nguồn Ngân sách tỉnh. Vì vậy, hành vi trên của ông Dương B đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 174 đồng thời phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” theo điểm c khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Quan quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả bài viết, ông Dương B không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà hành vi phạm tội của ông Dương B cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bởi lẽ:

Theo quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự 2015 về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ: “1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm...”.

Như vậy, ngoài hai dấu hiệu pháp lý thông thường về chủ thể của tội phạm là độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi phạm tội đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” phải là người có chức vụ, quyền hạn1 .

Khách thể của tội phạm là xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước. 

Mặt chủ quan của tội phạm là Người phạm tội cố ý thực hiện hành vi phạm tội. 

 
Nguồn ảnh: Internet

Các tình tiết khách quan của vụ án cho chúng ta thấy:

Thứ nhất, ông Dương B là người có chức vụ, quyền hạn đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ.

Ông Dương B được giao nhiệm vụ là Phó Trưởng ban chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi các hoạt động của lớp học, thanh quyết toán kinh phí khóa học, ứng tiền cá nhân để chi phí cho khóa học trước, sau khi kết thúc khóa học mới được thanh toán. Tuy nhiên, Dương B đã không thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung được chi theo quy định được ghi trong Hợp đồng truyền nghề đã được ký kết giữa Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh V với UBND xã T. Thực tế số lượng học viên không đủ đúng theo quy định được ghi trong hợp đồng là 100 học viên, số ngày học và dạy không đủ 22 ngày/tháng (Trên thực tế, các học viên không cần học cũng đã thạo nghề mộc rồi, vì nghề Mộc là nghề truyền thống của địa phương), tất cả các khoản chi đều đúng với các mục được chi nhưng có khoản chi không đáp ứng với mức chí ghi trong hợp đồng, ông Dương B cùng các thành viên khác trong Ban quản lý khóa học đã lập hồ sơ để hợp thức chi đủ bằng số tiền kinh phí hỗ trợ khóa học được cấp là 500 triệu đồng để trình Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh V thanh quyết toán. 

Như vậy, ông Dương B là người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực quản lý, theo dõi các hoạt động của lớp học, thanh quyết toán kinh phí khóa học đã làm trái công vụ (không thực hiện đúng và đầy đủ theo số liệu chi phí lớp học đã được quy định trong Hợp đồng truyền nghề). Nếu ông Dương B không được lãnh đạo xã T phân công nhiệm vụ làm phó ban quản lý lớp học đào tạo nghề, chịu trách nhiệm thanh quyết toán kinh phí và không được sự ủng hộ, tạo điều kiện của bà Phạm Thị M Trưởng phòng cơ điện và ngành nghề nông thôn - Chi cục phát triển nông thôn tỉnh V cùng Trưởng Ban Quản lý lớp học thì ông Dương B không thể thực hiện được hành vi lập khống hồ sơ để thanh, quyết toán kinh phí khóa học nghề này (Vì tất cả các chứng từ lập nên đều được sự hướng dẫn trực tiếp của bà M và thông qua ông C xem xét, kiểm tra trước khi trình Chủ tịch X ký chứng từ). Chỉ đối tượng với tính chất của chủ thể đặc biệt mới lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện được hành vi làm trái công vụ, với chủ thể khác không thể thực hiện được hành vi này.  

Thứ hai, ông Dương B vì vụ lợi gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước.

Nhằm mục đích lấy phần chênh với số tiền thực tế ông Dương B đã ứng trước ra để chi phí những khoản phục vụ khóa học như chi bồi dưỡng quá trình xin dự án; chi lễ khai giảng, bế giảng khóa học; chi tiếp đón đoàn kiểm tra của Chi cục phát triển Nông thôn tỉnh V (04 lần Đoàn về kiểm tra lớp học); chi cho các thành viên tham gia phục vụ khóa học; chi in phôi, viết Chứng nhận tốt nghiệp khóa học nghề và chi tiêu cá nhân, ông Dương B đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao lập hồ sơ thanh toán hoàn ứng hết số tiền 500 triệu đồng là kinh phí hỗ trợ khóa học đã được Chi cục phát triển nông thôn tỉnh V cấp cho UBND xã T mở khóa học truyền nghề, dẫn tới gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước. 

Trên thực tế, số tiền kinh phí được cấp 500 triệu đồng đã được Chủ tịch UBND xã T quyết định giao cho Dương B được toàn quyền sử dụng để chi phí cho khóa hoạc nghề (toàn bộ kinh phí phục vụ khóa học do Dương B ứng tiền cá nhân chi trước, sau khi kết thúc khóa học thì sẽ được thanh toán) – Chính vì vậy, ông Dương B mới có cơ sở dùng tiền của cá nhân mình để chi phí cho hoạt động của khóa học. Hành vi gian dối của ông Dương B nhằm hợp thức hóa chứng từ để thanh quyết toán hết số tiền đã được Nhà nước cấp chứ không phải gian dối để được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh V cấp cho số tiền 500 triệu đồng. Mục đích thực hiện hành vi gian dối của ông Dương B trong việc hợp thức hóa đơn chứng từ thanh quyết toán hết số tiền 500 triệu đồng kinh phí đã được cấp cho khóa học, không nhằm mục đích chiếm đoạt toàn bộ số tiền chênh cho riêng cá nhân mình mà dùng số tiền chênh đó chi phí cho việc lập dự án mở khóa học truyền nghề, chi phí quản lý lớp học trong đó có lợi ích cá nhân, đã gây ra thiệt hại về tài sản của Nhà nước.

Như vậy, vì vụ lợi ông Dương B đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện không đúng nội dung công việc được giao, có hành vi gian dối lập chứng từ thanh quyết toán chưa đúng với thực tế số tiền mà ông Dương B đã dùng tiền cá nhân chi trước để phục vụ khóa học, nhằm rút phần tiền chênh trong số tiền kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đã được cấp cho UBND xã T, để chi cho việc xin dự án mở khóa đào tạo nghề của xã, quản lý lớp học và chi tiêu cá nhân. Hành vi trên của ông Dương B đã gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước. Thiệt hại thực tế xảy ra đối với Nhà nước trong vụ án này chính là hậu quả của hành vi ông Dương B lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây nên. 

Từ những phân tích trên, tác giả bài viết cho rằng hành vi phạm tội của ông Dương B cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015. Do đó, với quan điểm xác định ông Dương B phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS-2015 là không đánh giá đúng với bản chất của hành vi phạm tội mà ông Dương B thực hiện.

Trên đây, là quan điểm của cá nhân tác giả, rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ các bạn đọc và đồng nghiệp./

-----------------------------------------------------------------
Khoản 2 Điều 352 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.”.

Luật sư Phạm Văn Phượng - Công ty Luật TNHH Vietthink


Cập nhật: 28/11/2020
Lượt xem:8938