Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Toạ đàm về xúc tiến đầu tư do Vietthink và IPA Quảng Ninh đồng tổ chức thành công tốt đẹp

Ngày 14/4/2017, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA) tỉnh Quảng Ninh và Công ty Luật TNHH Vietthink đã phối hợp tổ chức Toạ đàm "Xúc tiến đầu tư hiệu quả - Nhìn từ kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh". Tham dự có đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các Khu công nghiệp, Trung tâm Hành chính công của tỉnh; Viện nghiên cứu Pháp luật và Phát triển ASEAN; Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE); Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME); Hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh; các chuyên gia đến từ các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học cùng đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh.

Ông Phùng Quốc Hưng - Phó Trưởng Phòng Xúc tiến đầu tư IPA Quảng Ninh phát biểu khai mạc Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào Quảng Ninh bằng các giải pháp đồng bộ như: nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và hiệu quả quản trị hành chính công, đổi mới mô hình và các phương thức xúc tiến đầu tư... Các đại biểu cũng nêu một số tồn tại, vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật cũng như từ thực tiễn phối hợp giữa các cơ quan ban ngành của tỉnh về công tác hỗ trợ và xúc tiến đầu tư. Theo ông Hoàng Danh Sơn, Phó giám đốc Sở KH-ĐT, hiện nay một số thủ tục pháp lý trong đầu tư còn chung chung, chưa cụ thể, minh bạch; còn thiếu các dịch vụ về tài chính, tư vấn pháp lý để hỗ trợ nhà đầu tư.

TS., Nguyễn Đức Tiệp - Trưởng Phòng Xúc tiến đầu tư - Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Tọa đàm

Đại diện IPA Quảng Ninh, Tiến sỹ Nguyễn Đức Tiệp, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư, đã trình bày chức năng, nhiệm vụ của IPA Quảng Ninh và cách làm, sáng kiến về xúc tiến đầu tư của Ban. Theo ông Tiệp, IPA Quảng Ninh hiện đang áp dụng quy trình xúc tiến đầu tư theo chiều sâu, bao gồm cả 3 khâu: trước, trong và sau đầu tư. Trước tiên là tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư để quảng bá về môi trường và chính sách thu thú đầu tư của tỉnh. Sau đó là tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp và thuyết phục để nhà đầu tư đi đến quyết định đầu tư. Đồng thời hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục để triển khai thực hiện dự án. Cuối cùng là hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư.
Mặc dù ghi nhận những việc đã làm được nhưng lãnh đạo IPA Quảng Ninh cũng không ngần ngại chia sẻ những tồn tại và khó khăn, vướng mắc, thậm chí lúng túng trong thực tiễn hoạt động xúc tiền đầu tư thời gian qua cũng như việc định hình hướng đi trong thời gian tới, làm sao để công tác xúc tiến đầu tư ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất, duy trì vị thế tiên phong so với các địa phương khác.


GS., TSKH Nguyễn Mại - Nguyên Phó Chủ nhiệm UBNN về Hợp tác đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phát biểu tại Tọa đàm

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thu hút đầu tư kém hiệu quả của các địa phương là đánh đồng giữa các doanh nghiệp trong nước và các Tập đoàn đa quốc gia, dẫn đến việc rập khuôn về phương thức xúc tiến đầu tư. Đối với các doanh nghiệp trong nước thì các làm xúc tiến đầu tư như hiện nay vẫn áp dụng được. Nhưng đối với các tập đoàn đa quốc gia thì phải có cách tiếp cận khác. Các địa phương cần chủ động tìm hiểu chiến lược đầu tư toàn cầu của các tập đoàn này và chủ động tiếp cận để xúc tiến đầu tư chứ không đợi họ tìm đến với mình. Cần có chiến lược rất cụ thể trong việc tiếp cận và xúc tiến đầu tư với các tập đoàn đa quốc gia, hướng đến những cái họ cần chứ không nên bắt họ phải chấp nhận theo những gì mình có. Về thủ tục đầu tư cũng phải hết sức linh hoạt chứ không thể cứng nhắc, vì nếu cứng nhắc thì họ sẻ bỏ đi. “Chỉ khi làm được điều này thì Quảng Ninh mới tăng được sức cạnh tranh trong xúc tiến đầu tư và mới thu hút được các tập đoàn đa quốc gia tìm đến đầu tư”, GSTS Nguyễn Mại khẳng định.


Ths., Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty Luật Vietthink phát biểu tại Tọa đàm

Cùng quan điểm nêu trên, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty Luật Vietthink cho biết, hiện nay không ít địa phương vẫn còn nhận thức một cách giản đơn rằng, xúc tiến đầu tư chỉ nhằm mục đích thu hút được đầu tư vào địa phương mình. Từ đó, một điều dễ nhận thấy là các kế hoạch xúc tiến đầu tư của các địa phương thường chủ yếu tập trung vào việc quảng bá hình ảnh và giới thiệu thông tin về môi trường, chính sách đầu tư của địa phương để thu hút các nhà đầu tư. Hiệu quả xúc tiến đầu tư của một địa phương được đánh giá chủ yếu thông qua kết quả thu hút vốn đầu tư mới vào địa phương đó. Trong khi đó, vấn đề quan trọng nhất là nhà đầu tư đến rồi có ở lại lâu dài và tái đầu tư hay không thì chưa được quan tâm đúng mức trong công tác xúc tiến đầu tư.

“Khi một địa phương thu hút được các nhà đầu tư đặt chân đến thì đó mới chỉ là thành công bước đầu. Giữ được chân nhà đầu tư ở lại lâu dài và tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư tại địa phương thì đó mới là thành công thực sự và bền vững”, bà Hà bày tỏ quan điểm.
Muốn giữ chân các nhà đầu tư thì chính quyền địa phương phải quan tâm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của họ. Phải biến những cam kết về hỗ trợ đầu tư thành các hành động cụ thể, thiết thực. Đồng thời phải tạo ra hoặc kết nối những dịch vụ hỗ trợ cho nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư.


TS., Luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink phát biểu tại Tọa đàm

Theo Tiến sỹ Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink, hiện nay làn sóng cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố trong cuộc đua nâng cao năng lực cạnh tranh, để tăng cường thu hút đầu tư đang rất quyết liệt. Vậy nên, nếu Quảng Ninh chỉ tập trung vào khai thác những lợi thế tĩnh về vị trí địa lý, cảnh quan tự nhiên, tài nguyên khoáng sản sẽ là không đủ và không bền vững để tạo lợi thế cạnh tranh đặc thù của địa phương.
"Quảng Ninh cần dựa trên những yếu tố “mềm” với phương pháp, cách đi, cách làm riêng và sáng tạo để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển trong tình hình mới, đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn. Điều này thì Quảng Ninh đã và đang làm rất tốt, khi thời gian gần đây có rất nhiều sáng kiến được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm như nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, thành lập trung tâm hành chính công. Tuy nhiên, nếu dừng lại hoặc đi chậm lại, không tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thì Quảng Ninh sẽ bị các địa phương khác vượt lên…”, ông Vinh nhấn mạnh.
Bởi vậy, theo đề xuất của ông Vinh, Quảng Ninh cần thúc đẩy việc xúc tiến đầu tư theo hướng đẩy mạnh mô hình hợp tác 3 nhà: nhà quản lý - nhà đầu tư - nhà tư vấn. Hay nói cách khác là cần tăng cường hợp tác, kết nối trong hoạt động xúc tiến đầu tư để đem lại lợi ích lớn nhất cho nhà đầu tư. Xúc tiến đầu tư phải là công việc của tất cả các sở, ngành, cơ quan của tỉnh, chứ không chỉ là công việc riêng của IPA. Ngoài ra cần thu hút sự tham gia của các đơn vị tư vấn đề hình thành thị trường dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến đầu tư. “Phải tiến tới hình thành một hệ sinh thái về xúc tiến đầu tư, trong đó IPA đóng vai trò là đầu tàu dẫn dắt”, ông Vinh chia sẻ thêm.
 
GS., TS., Luật sư Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN phát biểu tại Tọa đàm

Về định hướng hoàn thiện mô hình IPA Quảng Ninh, GSTS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN cho rằng, không có mô hình chuẩn nào về IPA có thể áp dụng chung cho toàn quốc, mà mỗi địa phương phải tự tìm ra mô hình IPA phù hợp dựa trên những đặc thù của mình. Nhưng dù tổ chức theo mô hình nào thì cũng phải đảm bảo được tính chủ động của IPA trong việc giải quyết các yêu cầu của nhà đầu tư. Đồng thời mối quan hệ giữa IPA với các cơ quan quản lý nhà nước khác (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư,…) phải được phân định rõ ràng, không để có sự mâu thuẫn về quyền lực. GS Hạnh cũng cho rằng việc loại trừ yếu tố rủi ro pháp lý cũng cần đặc biệt coi trọng trong công tác xúc tiến đầu tư. Đây là điều khiến các nhà đầu tư rất quan tâm khi tìm hiểu về một môi trường đầu tư. Vậy nên, theo ông Hạnh, trong quá trình xúc tiến đầu tư, sự tham gia, đồng hành của các đơn vị tư vấn pháp lý là rất quan trọng và cần thiết.



Đại diện IPA Quảng Ninh và đại diện Công ty Luật Vietthink ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ pháp lý và xúc tiến đầu tư


Cán bộ IPA Quảng Ninh và Luật sư Công ty Luật TNHH Vietthink cùng chụp ảnh lưu niệm sau buổi Tọa đàm và Lễ ký kết thỏa thuận
Cũng tại buổi Toạ đàm, IPA Quảng Ninh và Công ty Luật TNHH Vietthink đã ký Biên bản thỏa thuận Hợp tác trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ pháp lý và xúc tiến đầu tư. Đây là sáng kiến hợp tác theo hình thức công – tư đầu tiên giữa một cơ quan xúc tiến đầu tư cấp tỉnh và một hãng luật chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn đầu tư. Mô hình hợp tác này cho phép phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên để đem lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, đồng thời góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh.
Vietthink News
Cập nhật: 27/04/2017
Lượt xem:10906