Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Đăng ký kiểu dáng tại Nhật Bản - Yêu cầu cơ bản và lưu ý đặc biệt

Tại Việt Nam, để đăng ký một kiểu dáng công nghiệp “(KDCN”), Người nộp đơn chỉ có một cách duy nhất là nộp đơn đăng ký trực tiếp với Cục Sở hữu trí tuệ (“SHTT”). Ngoài việc tự mình nộp đơn, họ có thể chỉ định một đại diện Sở hữu công nghiệp thay mặt mình thực hiện công việc này với Cục Sở hữu trí tuệ. Một ví dụ cụ thể về 01 kiểu dáng công nghiệp mà Vietthink là đại diện Sở hữu công nghiệp thay mặt đăng ký cho khách hàng của mình để người đọc tham khảo như sau:

   

Khác với Việt Nam, vì Nhật Bản đã là thành viên của hệ thống Hague từ năm 2015, để đăng ký KDCN tại Nhật Bản, Người nộp đơn có thể chọn 02 cách:

- Đăng ký trực tiếp tại Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (“JPO”); hoặc

- Đăng ký qua hệ thống đăng ký quốc tế Hague. (Hệ thống Hague là hệ thống đăng ký kiểu dáng công nghiệp quốc tế cung cấp giải pháp kinh doanh thực tế để đăng ký lên tới 100 kiểu dáng/thiết kế tại 69 quốc gia thành viên bằng cách nộp một đơn đăng ký quốc tế duy nhất. Giới thiệu về hệ thống Hague có thể được tìm tại đây http://www.wipo.int/hague/en/)

1. Kiểu dáng là gì?

Theo Điều 2(1) Luật Kiểu dáng của Nhật Bản, Kiểu dáng được định nghĩa là hình khối, đường nét hoặc màu sắc hoặc sự kết hợp của các yếu tố này trong một sản phẩm cụ thể, bao gồm cả một phần của sản phẩm mà tạo được ấn tượng thẩm mỹ thông qua thị giác.

Theo định nghĩa này, kiểu dáng, để có khả năng đăng ký, cần phải đáp ứng cả hai tiêu chuẩn là phải là sản phẩm cụ thể và hình thức về mặt nhãn quan của sản phẩm.

2. Một số hệ thống kiểu dáng quan trọng

2.1. Hệ thống kiểu dáng một phần

Luật Kiểu dáng Nhật Bản cho phép đăng ký bảo hộ một phần kiểu dáng. Điều này có nghĩa là chủ đơn có thể yêu cầu bảo hộ độc quyền cho một phần kiểu dáng của sản phẩm.

2.1.1. Kiểu dáng một phần là gì? Kiểu dáng một phần là một dạng đăng ký bảo hộ kiểu dáng chỉ tập trung vào một phần duy nhất của một thiết kế nhất định.

2.1.2. Sự khác nhau giữa các yêu cầu của tờ khai đơn giữa đăng ký toàn bộ kiểu dáng của sản phẩm và đăng ký kiểu dáng một phần sản phẩm Đối với đơn đăng ký kiểu dáng một phần, các yêu cầu mô tả sau là cần thiết:

- Chỉ định đăng ký “thiết kế một phần”;
- Trong mục “đối tượng/sản phẩm mà kiểu dáng dự định nộp đơn đăng ký bảo hộ” phải mô tả tên của đối tượng/sản phẩm trong đó có bao gồm phần yêu cầu bảo hộ thiết kế một phần;
- Trong mục “giải thích về kiểu dáng” cần phải giải thích về đối tượng yêu cầu bảo hộ một phần và phần còn lại mặc dù không yêu cầu bảo hộ nhưng vẫn phải có trong bản vẽ, hình ảnh thể hiện kiểu dáng tổng thể.

2.1.3. Kiểu dáng một phần sản phẩm được nhận biết qua hình vẽ như thế nào?

- Hình vẽ, ảnh phải làm sao phân biệt được phần yêu cầu bảo hộ và phần còn lại không được yêu cầu bảo hộ;
- Trong hình vẽ, ảnh nộp kiểu dáng tổng thể, phần nét liền thể hiện phần kiểu dáng yêu cầu bảo hộ và phần nét rời là phần còn lại không yêu cầu bảo hộ.

Ví dụ: Đối với hình ảnh nộp yêu cầu bảo hộ một phần kiểu dáng là “ ” có nghĩa là đối tượng yêu cầu bảo hộ là kiểu dáng nắp ống kính của máy ảnh, không phải thiết kế tổng thể máy ảnh; hoặc kiểu dáng yêu cầu bảo hộ một phần là “ ” có nghĩa là kiểu dáng yêu cầu bảo hộ là bề mặt của lốp xe, không phải thiết kế của lốp xe hoặc yêu cầu đăng ký kiểu dáng từng phần cho đối tượng “ ” có nghĩa là yêu cầu bảo hộ kiểu dáng mặt bàn, không phải tổng thể cái bàn. Hoặc đối với ảnh, đối với yêu cầu bảo hộ kiểu dáng từng phần với thể hiện hình ảnh “ ” thì có nghĩa là phần được mô tả yêu cầu bảo hộ sẽ có màu sắc khác và phân biệt được với màu sắc của các phần còn lại…

2.1.4. Trong trường hợp nào thì quyền ưu tiên theo Công ước Paris được chấp nhận đối với kiểu dáng một phần?

Quyền ưu tiên có thể được chấp nhận nếu kiểu dáng gốc yêu cầu bảo hộ một phần giống hệt với kiểu dáng yêu cầu bảo hộ một phần của đơn yêu cầu hưởng quyền ưu tiên nộp tại Nhật Bản.

Do đó, việc yêu cầu quyền ưu tiên có thể không được chấp nhận trong các trường hợp sau:

- Đơn kiểu dáng tại nước gốc yêu cầu bảo hộ kiểu dáng tổng thể và đơn yêu cầu hưởng quyền ưu tiên tại Nhật Bản yêu cầu bảo hộ một phần của kiểu dáng tổng thể;
- Khi đơn kiểu dáng tại nước gốc yêu cầu bảo hộ một phần và đơn yêu cầu hưởng quyền ưu tiên tại Nhật Bản yêu cầu bảo hộ cho phần kiểu dáng một phần giống với đơn yêu cầu tại nước gốc nhưng thêm một số thành phần khác mà không bao gồm trong đơn gốc;
- Khi đơn kiểu dáng tại nước gốc yêu cầu bảo hộ cho nhiều kiểu dáng trong cùng một đơn và đơn yêu cầu hưởng quyền ưu tiên tại Nhật Bản yêu cầu bảo hộ cho sự kết hợp của các kiểu dáng này.

2.2. Hệ thống kiểu dáng liên quan

2.2.1. Kiểu dáng liên quan là gì và có lợi ích gì?

Hệ thống kiểu dáng liên quan cho phép đăng ký các kiểu dáng có thiết kế tương tự. Việc này rất hữu ích để bảo hộ bao trùm nhiều phương án của một kiểu dáng chỉ với một vài đơn đăng ký. Theo Luật kiểu dáng Nhật Bản, nếu không chỉ định đăng ký kiểu dáng liên quan, đơn đăng ký kiểu dáng tương tự nộp sau, kể cả dưới tên của cùng một người nộp đơn, sẽ bị từ chối vì tương tự với kiểu dáng đã nộp đơn/đăng ký trước đó.

Ví dụ kiểu dáng đã được đăng ký “ ” theo số đăng ký JP1390415 cho đèn trần, chỉ định kiểu dáng một phần, tức là phần được bảo hộ được thể hiện theo các nét liền, phần kiểu dáng thể hiện ở nét đứt thì không được bảo hộ. Với kiểu dáng đã được bảo hộ này, kiểu dáng này có thể được coi là kiểu dáng gốc của kiểu dáng được nộp đơn đăng ký sau là “ ” theo số đăng ký JP1412330. Hay nói cách khác, kiểu dáng nộp sau có thể được gọi là kiểu dáng liên quan và được bảo hộ như một kiểu dáng liên quan với kiểu dáng đã được nộp đơn trước. Điều này có nghĩa là số lượng các lỗ đèn không ảnh hưởng đến phạm vi bảo hộ của kiểu dáng. Cụ thể là, kiểu dáng theo số đăng ký 1390415 được bảo hộ thì phạm vi bảo hộ sẽ không đương nhiên bao trùm cả các thiết kế với ba lỗ đèn hoặc nhiều hơn. Tuy nhiên, bằng việc chỉ định đăng ký kiểu dáng liên quan, chủ sở hữu có thể ngăn chặn việc bên thứ ba sử dụng thiết kế với kiểu dáng tương tự, kể cả cùng hay khác số lượng lỗ đèn.

2.2.2. Thời điểm nộp kiểu dáng liên quan Để sử dụng hệ thống kiểu dáng liên quan, Người nộp đơn cần phải nộp tất cả các đơn kiểu dáng liên quan tại cùng một thời điểm. Ngoài ra, Người nộp đơn cũng có thể nộp đơn kiểu dáng liên quan với các thời điểm khác nhau nhưng phải được nộp trước thời điểm đơn kiểu dáng gốc được công bố.

2.2.3. Nếu trong một nhóm kiểu dáng liên quan có một kiểu dáng tương tự với một trong các kiểu dáng liên quan nhưng lại không tương tự với kiểu dáng gốc, kiểu dáng này sẽ không được bảo hộ. Nếu tất cả các đơn kiểu dáng liên quan đều đang trong giai đoạn thẩm định, Người nộp đơn có thể yêu cầu thay đổi đơn gốc sang một đơn liên quan khác tương tự.

2.2.4. Những hạn chế của đăng ký kiểu dáng liên quan

- Nếu chuyển nhượng quyền sở hữu, các kiểu dáng liên quan phải được chuyển nhượng đồng thời với kiểu dáng gốc cùng một lúc;
- Nếu chuyển quyền sử dụng, các kiểu dáng liên quan phải được chuyển quyền sử dụng đồng thời với kiểu dáng gốc cùng một lúc.

2.3. Hệ thống kiểu dáng bí mật

2.3.1. Kiểu dáng bí mật là gì?

Kiểu dáng bí mật là một dạng đặc biệt của hệ thống đăng ký kiểu dáng tại Nhật Bản. Theo hệ thống này, đơn đăng ký kiểu dáng sau khi được bảo hộ, nhẽ ra theo lộ trình sẽ được đăng lên công báo trong khoảng thời gian 6-10 tháng kể từ ngày đăng ký thì sẽ được chấp nhận kéo dài thời gian công bố để phù hợp với mục đích kinh doanh của mình. Thời gian kéo dài này không được quá 03 năm. Trong thời gian kéo dài này, kiểu dáng mặc dù đã được bảo hộ nhưng vẫn chưa được công bố, có nghĩa là kiểu dáng này được gọi là kiểu dáng bí mật.

2.3.2. Trong thời gian kéo dài kiểu dáng bí mật, nếu có bên thứ ba sử dụng kiểu dáng trùng hoặc tương tự thì giải quyết như thế nào? Trong thời gian bí mật, nếu chủ sở hữu phát hiện bên thứ ba đang sử dụng kiểu dáng trùng hoặc tương tự với kiểu dáng của mình, phải có ý kiến với cơ quan chức năng để tiến hành xử lý xâm phạm.

2.3.3. Nếu nộp đơn kiểu dáng bí mật, JPO sẽ công bố một công bố chính thức nhưng chỉ có phần chữ về chủ đơn, địa chỉ, số đơn, ngày nộp đơn, số đăng ký, ngày đăng ký… mà không có phần hình vẽ hoặc ảnh. Sau khi hết thời gian bí mật, JPO sẽ công bố một bản tin tiếp theo có bao gồm phần hình vẽ hoặc ảnh.

3. Yêu cầu thông tin quan trọng của một đơn kiểu dáng

- Tên sản phẩm/đối tượng đăng ký kiểu dáng;
- Bộ hình vẽ/ảnh bao gồm 06 hình chiếu cơ bản:

Hình chiếu từ phía trước;
Hình chiếu từ phía sau;
Hình chiếu từ phía trên;
Hình chiếu từ phía dưới;
Hình chiếu từ bên trái;
Hình chiếu từ bên phải.

- Một đơn kiểu dáng chỉ được yêu cầu bảo hộ cho 01 kiểu dáng.

4. Thời gian thẩm định đơn kiểu dáng

Đơn kiểu dáng thông thường sẽ được thẩm định trong thời gian khoảng 06 tháng kể từ ngày nộp đơn. Nếu đơn không có vấn đề gì và thỏa mãn các yêu cầu bảo hộ, đơn kiểu dáng sẽ được bảo hộ. Sau khi Người nộp đơn nộp phí đăng ký, đơn sẽ được công bố trên công báo trong khoảng 6-10 tháng kể từ ngày được đăng ký.

5. Hiệu lực đơn kiểu dáng

Hiệu lực của một kiểu dáng công nghiệp đã được đăng ký là 20 năm kể từ ngày đăng ký, không bao gồm hiệu lực của kiểu dáng liên quan.

Hiệu lực của một kiểu dáng liên quan là 20 năm kể từ ngày đăng ký của kiểu dáng gốc.

Việc duy trì hiệu lực được thực hiện mỗi năm với mức phí giống nhau, cùng một mức cho (i) năm thứ 1 đến năm thứ 3 và (ii) cho năm tứ 4 đến năm thứ 20./.

Dương Thị Vân Anh
Công ty Luật TNHH Vietthink
Cập nhật: 22/02/2021
Lượt xem:6945