Quay lại Bản in
Cỡ chữ

TỪ Ý TƯỞNG ĐẾN THỊ TRƯỜNG – MỐI LIÊN HỆ GIỮA SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ CÁC DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ

Hưởng ứng chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới năm 2021 (26/04/2021) với thông điệp “Doanh nghiệp nhỏ và vừa với Sở hữu trí tuệ: Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường” (IP & SMEs: Taking your ideas to market), bài viết phân tích các vấn đề về Sở hữu trí tuệ mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải quan tâm đầu tiên ngay tại thời điểm hình thành doanh nghiệp để tránh các rủi ro và tổn thất cho các doanh nghiệp khi bắt đầu đưa ý tưởng ra thị trường.


Một doanh nghiệp khi bắt đầu gia nhập thị trường thường đều được bắt nguồn từ một ý tưởng hoặc từ một câu chuyện. Cách mà các chủ doanh nghiệp kể về ý tưởng/câu chuyện đó và đưa nó ra thị trường chính là cách mà doanh nghiệp hình thành và theo hành trình mà các chủ doanh nghiệp mong muốn. Trong các hành trình ấy, có những ý tưởng/câu chuyện tạo ra các sản phẩm/dịch vụ đến được với người tiêu dùng nhưng cũng có những ý tưởng/câu chuyện không được may mắn như vậy. Tuy nhiên, dù may mắn hay không, thực tế cho thấy một điều đáng tiếc rằng, các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị hoặc mới thành lập, thường không chú trọng đến tài sản Sở hữu trí tuệ của mình khi nó mới nhen nhóm từ ý tưởng/câu chuyện. Đây là một điều vô cùng đáng tiếc và cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc vì họ đã không nhận định được rằng với nền tảng là quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ có cơ sở vững chắc hơn, mang tính độc quyền trên thị trường dẫn tới hoạt động kinh doanh cạnh tranh hơn và mang tính bền vững hơn. 

Khi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng thành lập công ty, việc đầu tiên mà phần lớn các chủ doanh nghiệp thường quan tâm đến việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư rồi đặt tên doanh nghiệp và đăng ký tại Sở kế hoạch đầu tư tại từng địa phương. Trong số đó, có bao nhiêu doanh nghiệp đã được biết đến rằng tên doanh nghiệp để được coi là hợp pháp, ngoài việc không bị trùng với tên doanh nghiệp đã tồn tại trước đây theo dữ liệu hiện có mà Sở kế hoạch đầu tư thẩm định, còn cần phải không bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được nộp đơn/bảo hộ trước cho các sản phẩm/dịch vụ (ngành nghề) tương tự?1 Điều này đã dẫn đến quá nhiều trường hợp đáng tiếc về việc vô ý xâm phạm quyền SHTT của một bên thứ ba, buộc phải đổi tên doanh nghiệp khi mới được nhen nhóm ý tưởng hình thành; hoặc trong một hoàn cảnh xấu hơn là doanh nghiệp đang hoạt động rất tốt, sản phẩm đã được lưu thông trên khắp các tỉnh thành trên toàn quốc lại buộc phải đổi tên, dẫn đến thay đổi toàn bộ bộ nhận diện, ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh,… 

Thêm vào đó, khi nhắc đến SHTT, có bao nhiêu người chỉ nghĩ SHTT là bản quyền, hay xa hơn là thương hiệu (thường được người tiêu dùng thông thường gọi thay cho nhãn hiệu)? và không nghĩ đến còn các quyền SHTT khác như kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí mật kinh doanh, giống cây trồng…? 


Nhiều doanh nghiệp không biết rằng họ đang nắm giữ tài sản trí tuệ hoặc rằng nó có giá trị. Điều này có nghĩa là, nhiều doanh nghiệp đang bỏ lỡ cơ hội cải thiện vị thế và tăng trưởng về cả lợi ích vật chất và danh tiếng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi các doanh nghiệp hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ, và khi họ có được và quản lý quyền sở hữu trí tuệ thì họ sẽ làm tốt hơn và tránh được phần lớn các rủi ro trong kinh doanh.

Một ví dụ điển hình minh họa cho các ý kiến đưa ra ở trên, giống lúa mang tên ST như ST24, ST25 do Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương và thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương đồng sáng tạo. Theo tìm hiểu, trước đây, AHLĐ Hồ Quang Cua đã cùng với Trần Tấn Phương đồng sáng tạo ra loại lúa giống mang tên ST20 (Sóc Trăng 20) được sở hữu bởi Sở NN và PTNT Sóc Trăng. Sau này các tác giả đã phát triển giống lúa ngon hơn cho năng suất tốt hơn với các tên giống vẫn giữ là ST, chỉ khác nhau các con số kế tiếp. Thực tế cho thấy các giống lúa đều được đánh mã số và gọi là ST, viết tắt của Sóc Trăng, là ý tưởng ban đầu của giống lúa mà nhóm các tác giả bao gồm AHLĐ Hồ Quang Cua đã nghĩ đến khi nhen nhóm ý tưởng nghiên cứu ra một giống lúa thơm cho Việt Nam từ đầu thế kỷ 21. Nếu có được hiểu biết về sở hữu trí tuệ, chắc chắn nhóm các tác giả này đã lựa chọn một tên gọi khác, không lựa chọn tên ST24 hay ST25, vì sao lại như vậy? Theo quy định tại Điểm c) Khoản 3 Điều 39 Thông tư 01/2007 Hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp2, một dấu hiệu chỉ được định nghĩa là nhãn hiệu nếu bao gồm ba chữ cái trở lên, nếu bao gồm hai chữ cái mà không đọc được thành một từ, kể cả trường hợp được tạo bởi hai chữ cái và các chữ số cũng không được bảo hộ như một nhãn hiệu. Điều này có nghĩa là dấu hiệu ST24 hay ST25 sẽ không được định nghĩa là một nhãn hiệu, do đó, không được bảo hộ. Đó cũng chính là lý do không thể ngăn chặn bất kể bên thứ ba nào sử dụng phần chữ ST cho các sản phẩm gạo giống hoặc cây giống gạo hoặc bất kể sản phẩm/dịch vụ nào trên thị trường. Hiện tại trên thị trường đang tồn tại quá nhiều sản phẩm gạo mang nhãn hiệu ST24 hay ST25 được bán trên thị trường dưới tên nhiều nhà cung cấp và bao bì thiết kế khác nhau, có bao nhiêu người nhận biết được bản chất nhãn hiệu ST24 hay ST25 được tạo ra như thế nào và sản phẩm nào mới đúng là sản phẩm ngon đạt đúng chất lượng tiêu chuẩn, tránh được giống lúa hay gạo cũng đề tên ST24 hay ST25 nhưng lại kém chất lượng, đội lốt lúa/gạo chất lượng cao? Trên dữ liệu trực tuyến của Cục SHTT, hiện tại có nhiều nhãn hiệu mang phần chữ ST25 và ST24 đã được nộp đơn đăng ký bảo hộ, và các nhãn hiệu này, nếu không bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu nào trước đó (trừ phần chữ ST24 hay ST25) sẽ được đồng tồn tại và loại trừ phần chữ ST24 hoặc ST25?


(Hình ảnh trích xuất từ trang web http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WHitList.php của Cục SHTT cung cấp dữ liệu trực tuyến công bố các đối tượng SHCN đã được nộp đơn/bảo hộ tại Việt Nam).

Không chỉ như vậy, chính vì việc không nhận biết được tầm quan trọng của Sở hữu trí tuệ, ngay sau khi các giống gạo mang tên ST25 được công nhận là một trong những giống gạo ngon nhất Thế giới, đạt giải nhất trong cuộc thi Gạo ngon nhất Thế giới năm 2019 do The Rice Trader tổ chức tại Thái Lan, nhãn hiệu ST25 đã không được chú trọng việc đăng ký tại các quốc gia đang xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang đó. Điều này dẫn đến việc mất nhãn hiệu tại các quốc gia này, khi xuất khẩu gạo mang nhãn hiệu ST25 và sản phẩm mãng nhãn hiệu ST25 tại các quốc gia mà nhãn hiệu được bảo hộ, nếu không được phép sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu đã được bảo hộ thì việc sử dụng này có thể bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại đây. Theo như tìm hiểu, nhãn hiệu ST25 hiện đã được nộp đơn đăng ký tại Mỹ bởi nhiều chủ đơn khác nhau, danh sách cụ thể như sau:


Mặc dù các đơn nhãn hiệu trên chưa có kết quả thẩm định khả năng đăng ký (chưa được chính thức bảo hộ) tại Mỹ, tuy nhiên, đây cũng đã là khó khăn ban đầu mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi kinh doanh sản phẩm này tại Mỹ mà lại không có định hướng bảo hộ quyền SHTT tại đây và cũng là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam rút kinh nghiệm. Trên thực tế đã có quá nhiều trường hợp tương tự xảy ra, từ việc lơ là và không có sự quan tâm với quyền SHTT dẫn đến việc phải nhận “trái đắng” trong kinh doanh, mất thị phần trên thị trường quốc tế, nổi bật là nhãn hiệu G7 cho sản phẩm cà phê, nhãn hiệu VINATABA cho sản phẩm thuốc lá, nhãn hiệu DUY LỢI cho sản phẩm võng xếp…

Hay một ví dụ khác về nhận thức về Sở hữu trí tuệ, một bạn đọc rất yêu thích sách của một tác giả nước ngoài và các tác phẩm nguyên gốc đã được một công ty tại Việt Nam mua quyền dịch độc quyền và xuất bản sách của tác giả này độc quyền tại Việt Nam. Chỉ vì không đồng tình với một số ngôn từ dịch, bạn đọc này cho rằng công ty xuất bản đã dịch sai và không đúng với ý của tác giả, bạn đọc ban đầu cũng đã đóng góp ý kiến cho nhà xuất bản, Nhà xuất bản cũng đã ghi nhận về các lỗi dịch và hứa sẽ chỉnh sửa trong các lần tái bản tiếp theo. Tuy vậy, sau đó, bạn đọc này đã lập một nhóm kín trên mạng xã hội, kêu gọi các người đọc khác cùng gõ lại bản dịch của nhà xuất bản được độc quyền tại Việt Nam, trong đó có sửa một số đoạn dịch đúng (theo ý của bạn độc giả này) và kêu gọi mọi người đọc bản dịch bạn đọc và nhóm bạn đọc đó kêu gọi người đọc tẩy chay sách của nhà xuất bản này để đọc bản dịch mà do nhóm của bạn đọc này đánh máy lại. Nhận biết được quyền sở hữu trí tuệ của mình đang có, nhà xuất bản đã qua luật sư làm việc với bạn đọc này và giải thích cũng như khuyến cáo về hành vi xâm phạm quyền của mình. Bạn đọc đã rất bất ngờ khi biết rằng hành động của  mình đã cấu thành hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác, đã nhận ra sai trái và lỗi của mình, thừa nhận hành vi xâm phạm, xóa tất cả nhóm liên quan và ấn phẩm điện tử cho mình đăng trên các trang mạng xã hội và cam kết sẽ không thực hiện việc xâm phạm tương tự. Mặc dù xác định là việc xử lý vụ việc không qua kiện tụng đã gây tổn thất ít nhiều cho nhà xuất bản, nhưng trên cơ sở hiểu biết pháp luật, nhà xuất bản đã góp một phần vào việc phổ cập kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho thế hệ trẻ, gián tiếp góp phần tuyên truyền về sở hữu trí tuệ.



Các ví dụ kể trên là các ví dụ rất nhỏ để cho thấy rằng việc bảo hộ và bảo vệ quyền SHTT là vô cùng quan trọng. Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 26/4 năm 2021 hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là cơ hội để các cá nhân/doanh nghiệp tìm hiểu cách mà các công cụ của hệ thống sở hữu trí tuệ - nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả, sáng chế, bí mật thương mại, chỉ dẫn địa lý, và nhiều hơn nữa - có thể hỗ trợ các cá nhân/doanh nghiệp khi đưa các ý tưởng ra thị trường. Ngày 26/4/2021 tôn vinh tôn vinh sự khéo léo và sự sáng tạo ẩn chứa trong mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự dũng cảm của họ tạo ra khác biệt và những đóng góp trong việc nâng cao cuộc sống hàng ngày. Công ty Luật TNHH Vietthink luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên đất nước Việt Nam cũng như bất kì quốc gia nào trên Thế giới./.

Phòng Sở hữu trí tuệ - Công ty Luật TNHH Vietthink
------------------------------------------------------------
Ghi chú:
(1) Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 20/5/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
(2) Điểm c) Khoản 3 Điều 39 Thông tư 01/2007 Hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp: Mặc dù là ký tự nguồn gốc La-tinh nhưng dấu hiệu chỉ bao gồm một chữ cái hoặc chỉ bao gồm chữ số, hoặc mặc dù có hai chữ cái nhưng không thể đọc được như một từ - kể cả khi có kèm theo chữ số; trừ trường hợp các dấu hiệu đó được trình bày dưới dạng đồ họa hoặc dạng đặc biệt khác.




Cập nhật: 23/04/2021
Lượt xem:4890